Cập nhật: 08/02/2019 10:01:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Trong thực hành hội họa giá vẽ, tùy từng chất liệu mà người họa sĩ phải đáp ứng những kỹ thuật khác nhau. Tuy nhiên qua quá trình sáng tạo tác phẩm, ở từng chất liệu, mỗi họa sĩ lại sử dụng kỹ thuật riêng của mình dựa trên quan niệm cá nhân về nghệ thuật. Những kỹ thuật này có thể gọi là “bí kíp” góp phần làm nên phong cách và khó ai biết nếu không được chính họa sĩ chia sẻ.

Họa sĩ Mai Long. (Ảnh: Lê Thanh Minh)

PV: Là một trong 22 họa sĩ đã tốt nghiệp trường Mỹ thuật khóa kháng chiến 1950-1953) do họa sĩ Tô Ngọc Vân (1906-1954) làm hiệu trưởng, cùng với lớp họa sĩ như Lưu Công Nhân, Trọng Kiệm, Đào Đức, Trần Lưu Hậu..., ông đã sáng tác trên nhiều chất liệu. Tuy nhiên, tranh lụa vẫn chiếm số lượng nhiều nhất và để lại dấu ấn đậm nét nhất, hẳn ông đã tiếp cận và vẽ tranh lụa từ rất sớm?

Họa sĩ Mai Long: Do hoàn cảnh chiến tranh, lớp mỹ thuật khóa kháng chiến chúng tôi không có trường sở cố định mà phải di chuyển nhiều nơi trên địa bàn hai tỉnh Phú Thọ và Tuyên Quang. Lúc đó chúng tôi cũng không có nhiều họa phẩm, thường vẽ các tranh kích thước nhỏ, với hai chất liệu chủ yếu là chì than và bột màu. Đến năm 1955, khi chuyển từ Sở văn hóa Tây Bắc về Hà Nội tôi mới có có điều kiện làm quen rồi vẽ tranh lụa. Tôi ở một phòng trong ngôi nhà 65 Nguyễn Thái Học - là nơi ở của nhiều văn nghệ sĩ, trong đó có một họa sĩ chuyên vẽ tranh lụa và tốt nghiệp khóa đầu trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương là Nguyễn Phan Chánh.

Đúng là tôi đã sáng tác trên nhiều chất liệu, từ sơn dầu, sơn mài, sơn khắc, phấn màu nhưng nhiều nhất vẫn là tranh lụa, đã có hàng nghìn bức tranh. Bởi tranh lụa có nhiều đặc tính phù hợp với tâm hồn trong việc diễn tả sự lãng mạn, sự bay bổng cũng như trí tưởng tượng của mình.

PV: Để diễn tả sự bay bổng, lãng mạn trong tranh lụa, cần phải chú ý đến yếu tố kỹ thuật đặc biệt nào, thưa ông?

Họa sĩ Mai Long: Cái khó của lụa mà nhiều người ngại khi vẽ là nó định hình, không tẩy xóa được, cho nên chỉ một sơ suất nhỏ có khi phải bỏ cả tấm lụa đi. Vì vậy người vẽ lụa phải công phu, ngoài kinh nghiệm ra thì cần phải có tình yêu bền bỉ. Và anh phải thực hành nhiều để biến sự cầu may, sự ngẫu nhiên thành quy luật khi muốn tạo hiệu ứng thẩm mĩ màu sắc.

Với tôi, vẽ tranh lụa khác với vẽ trên lụa. Thường thì người ta có thói quen vẽ ngay trên lụa khô, khi lụa còn hồ. Thậm chí người ta còn quét lên tấm lụa một lớp nước cơm loãng để khi vẽ không bị nhòe. Tôi lại làm ngược lại, là luôn ngâm lụa trước, vắt kỹ cho hết hồ, sau đó là lại, nhúng nước rồi mới bắt đầu vẽ.

Làm như vậy có nhiều tác dụng: Thứ nhất là để khi vẽ màu lụa được trong (màu ngấm ngay vào thớ lụa chứ không phải ngấm vào lần hồ rồi đóng cặn). Thứ hai là để tránh hồ làm xuống màu, ẩm mốc bức tranh. Và ngâm lụa trước khi vẽ còn có tác dụng tạo hiệu ứng màu sắc dễ dàng, có thể tùy ý vẽ khi lụa ướt, lụa ẩm, lụa khô theo ý muốn.

Còn nếu từ một cái hình can lên mảnh lụa, tô màu lên, để khô xong rửa đi, một phần màu trôi ra thì bức tranh chỉ có độ hoen chứ không tạo ra độ sâu. Thường thì tôi phủ không gian cho bức tranh khi lụa còn ướt rồi mới vẽ hình. Màu vẽ vào lụa ướt nó trôi ra, lan tỏa. Cái hay của lụa nữa là nó có độ thấm, độ sâu. Khi vẽ từng lớp, để khô, rửa đi vẽ lớp màu khác lên, rồi tiếp tục hàng chục lần như vậy thì nó ruộm lên từng lớp từng lớp, khác hẳn với màu pha ở bên ngoài rồi vẽ trực tiếp lên nhìn rất nông cạn.

Hoặc ngay cả khâu bồi cuối cùng, nếu không làm kỹ tranh lụa cũng dễ bị mốc. Hồ quấy ra người ta phải để hàng tháng cho vữa ra, có độ kết dính nhưng phải tinh khiết không còn tinh bột mới dùng bồi được...

PV: Độ lan tỏa, độ trong, độ sâu có phải là tinh thần của tranh lụa theo quan niệm của ông?

Họa sĩ Mai Long: Độ lan tỏa, hay độ trong, độ sâu chỉ thực sự có giá trị cao khi được đặt trong tương quan của màu sắc, mảng - nét, ánh sáng... Nếu một bức tranh mà tất cả đều trong suốt như pha lê thì chưa chắc đã đẹp hay một bức tranh chỉ phô ra cái hình xem sẽ rất nản. Với những cảnh nhẹ nhàng, êm đềm, tinh tế thì tranh lụa hết sức phù hợp.

PV: Để hoàn chỉnh từng bức tranh lụa theo tinh thần trên hẳn phải tốn rất nhiều thời gian?

Họa sĩ Mai Long: Khi muốn vẽ một bức tranh đúng ý của mình, tất nhiên anh phải kỳ công. Kỳ công ở cả việc dành thời gian hoàn thành từng bức tranh và cả việc ở tích lũy hàng ngày từ trước mới nhuần nhuyễn kỹ thuật để không lúng túng hoặc trông vào may rủi khi thực hiện. Đó là về mặt kỹ thuật. Còn một điểm quan trọng nữa, là cách nhìn. Nghệ thuật là cách nhìn của tác giả. Hiện thực trong tranh không phải là hiện thực ai cũng nhìn thấy, mà là hiện thực lãng mạn, hiện thực huyền ảo ít thấy hoặc chỉ thấy thông qua tâm hồn người nghệ sĩ.

PV: Ông có nghĩ rằng, những bức tranh vẽ theo lối hiện thực lãng mạn sẽ khó thể hiện những đề tài bao hàm tính triết lý hoặc tư tưởng lớn vốn không nhiều hiện nay?

Họa sĩ Mai Long: Tư tưởng ở đây phải nhìn rộng ra, hiểu khái quát hơn chứ không phải chằn chặn minh họa cho một điều gì cụ thể. Anh có thể vẽ cảnh một chiều thu, một hoàng hôn mà vẫn có tư tưởng, ở chỗ làm người xem xúc động, khiến người ta cảm thấy tình yêu cuộc sống ở những khoảnh khắc có thật, thấy cái đẹp ở ngay trước mắt, thì điều đó còn có ý nghĩa bao trùm hơn những vấn đề khác. Khi anh lan tỏa được niềm hạnh phúc, sự xúc động đến người xem thì đấy đã là tư tưởng rồi.

Xin cảm ơn ông!

Họa sĩ Mai Long sinh năm 1930 tại Hải Phòng, quê gốc Xuân Trường- Nam Định. Mai Long và Trần Đông Lương là hai họa sĩ cùng tốt nghiệp trường Mỹ thuật khóa kháng chiến và để lại dấu ấn đậm nét trong tranh lụa, nối tiếp lớp họa sĩ vẽ tranh lụa trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương trước đó như: Nguyễn Phan Chánh, Mai Trung Thứ, Lê Phổ, Lê Thị Lựu.

Theo HẢI AN/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm