Kèm theo lời hát là những trổ múa mang tính chất cách điệu cao độ. Người diễn viên thể hiện sự uyển chuyển của cả thân hình, đặc biệt là đôi bàn tay.
Từ thuở xưa, cha ông ta đã gọi chèo là hát chèo. Có nghĩa: yếu tố hát là không thể thiếu được trong môn nghệ thuật này. Bằng tài năng tuyệt vời, trải qua bao năm tháng lao động nghệ thuật miệt mài, các nghệ nhân chèo kế tiếp nhau, đã sáng tạo ra biết bao nhiêu làn điệu chèo đặc sắc. Thể hiện sinh động mọi trạng thái tinh thần, tình cảm của con người: Làn thảm, sử rầu, sa lệch, luyện năm cung, quân tử vu dịch, duyên phận phải chiều, con gà rừng…
Các nghệ sĩ biểu diễn vở "Lưu Bình - Dương Lễ" tại Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam
Ngay cả cái trạng thái giả điên, giả dại xót xa của nàng Xúy Vân, cũng được sáng tạo những làn điệu rất phù hợp như khi nàng hát xuôi: “Tôi chắp tay tôi lạy bạn đừng cười. Lòng tôi không giăng gió, tôi gặp người gió giăng”, rồi lại hát ngược: “Chuột chạy bờ rào, Muỗi ấp cánh dơi. Ông Bụt kia bẻ cổ con nai. Cái trứng gà mày tha con quạ lên ngồi trên cây” …
Kèm theo lời hát là những trổ múa mang tính chất cách điệu cao độ. Người diễn viên có thể biểu hiện bất cứ tâm trạng nào, thông qua những vũ đạo vốn đã được ấn định (tất nhiên kèm theo lời hát) được thể hiện qua sự uyển chuyển của cả thân hình, đặc biệt là đôi bàn tay. Cho nên, người ta không nói đi nghe hát chèo, mà bao giờ cũng nói đi xem hát chèo.
Hề là nhân vật không thể thiếu trong nghệ thuật chèo
Nhắc đến chèo cũng không thể không nhắc tới anh Hề, người tạo nên những trận cười, tiếng cười ngạo nghễ của quần chúng lao động, đả kích bọn thống trị phong kiến, tiếng cười sảng khoái nhắc nhở nhau hãy từ bỏ những thói hư tật xấu. (Chẳng thế, đã có giả thiết cho rằng, chữ chèo là bắt nguồn từ chữ trào – trào lộng mà ra).
Trong vở chèo nào, dù kể một câu chuyện xót xa, trang nghiêm đến mấy – bao giờ cũng có một anh hề thông minh, sắc sảo ra trò để cười đời và tự cười chính mình, để châm biếm đả kích tất cả mọi cái xấu, cái thấp hèn (theo quan điểm mỹ học tiến bộ của quần chúng nhân dân). Có rất nhiều loại hề chèo (hề mồi, hề gậy, hề nhất, hề tam cho đến hề thập, hề nhân, hề chanh, hề chóp…) nhưng vai hề nào cũng chiếm được tình cảm sâu sắc của người xem và được coi là nhân vật độc đáo nhất của nghệ thuật chèo.
Nghệ thuật chèo bao gồm cả hát và múa
Hát với múa là hai yếu tố cơ bản của nghệ thuật chèo nói riêng và của sân khấu kịch hát nói chung. Nhưng bao trùm lên tất cả, đó là cách diễn ước lệ tinh tế, mang tính khái quát cao của nghệ thuật chèo. Cũng nhằm mục đích tái hiện chân thật cuộc sống và con người nhưng chèo không bê nguyên xi cuộc sống lên sân khấu, mà chỉ chú ý gạn lọc hiện thực để miêu tả lấy cái thần, các chất tinh túy nhất.
Không cần cảnh trí, chỉ cần vài động tác nhỏ, kèm theo một câu hát của người diễn, là nguời xem có thể hiểu được rất rõ không gian, địa điểm đang diễn ra câu chuyện. Còn thời gian ư, cũng chẳng cần phức tạp và khó khăn gì. Người diễn viên đi một vòng quanh sân khấu ấy là một năm đã trôi qua, hai vòng là hai năm … Tính ước lệ quý báu này, cho phép chèo diễn tả cả một quy mô rông và dài về không gian và thời gian.
Từ thuở chưa có nhà hát, cũng chẳng phông màn, cảnh trí gì, chỉ một manh chiếu đại trải trước sân đình và vài ba diễn viên tài năng, nghệ thuật chèo đã dựng lên trước mắt nguời xem cả một bầu trời khát vọng bao la.
Nghệ thuật sân khấu chèo truyền thống là một trong những loại hình sân khấu ca kịch, mang tính dân tộc độc đáo, được khán giả nhiều nước trên thế giới hâm mộ. Nó có lịch sử phát triển khá lâu đời ở các vùng nông thôn vùng Đồng Bằng Bắc Bộ. Chèo trở thành món ăn tinh thần bổ ích và lý thú, có tác dụng sâu bền và mãnh liệt trong lòng nhân dân lao động.
Ngày nay, nghệ thuật chèo vẫn đang được gìn giữ và phát huy trong nền sân khấu cách mạng của chúng ta, được người xem trong và ngoài nước yêu thích, đặc biệt mỗi độ tết đến xuân về./.
Nhạc sĩ Dân Huyền
Theo VOV.VN