Cập nhật: 08/02/2019 11:09:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Rạng sáng mùng 3 Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 (7-2), Lễ hội chợ đình Bích La tại làng Bích La Đông, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị đã để lại nhiều ấn tượng cho du khách với tiết mục cầu thần Kim Quy, xin cho quê hương, đất nước được thái bình.

Hồ nước trước đình, nơi tương truyền thần Kim Quy nổi lên trong sáng mùng 3 Tết hằng năm.

Đình làng Bích La Đông nằm trong khuôn viên rất đẹp, hội đủ các yếu tố phong thủy. Cạnh đình làng là khu miếu thờ tiến sĩ và những người có công trong sự nghiệp xây dựng quê hương đất nước. Đây có thể là một trong những làng quê ít ỏi của Việt Nam có miếu thờ các vị tiến sĩ là con em của làng.

Phiên chợ này họp tại đình làng Đông từ nửa đêm hôm trước đến sáng hôm sau với hàng nghìn người dân trong tỉnh Quảng Trị và các địa phương như Thừa Thiên-Huế, Quảng Bình tham dự để mua sản vật tượng trưng cho tài, lộc, phúc đức đầu năm như trầu, cau, chè xanh, các loại rau, củ, quả và đồ chơi dân gian… do phần lớn người dân Bích La Đông mang đến phục vụ. Phiên chợ này mỗi năm chỉ tổ chức một lần vào thời gian trên.

Điểm nhấn nổi bật nhất trong khuôn khổ Lễ hội chợ đình Bích La là lễ cầu thần Kim Quy, diễn ra vào rạng sáng mùng 3 Tết. Không gian của lễ cầu thần Kim Quy rất linh thiêng, thể hiện mong ước đất nước vạn phúc của thuở cha ông đi mở nước và giữ nước. Chính sự khát vọng lớn lao và thiêng liêng được người dân gìn giữ đến hôm nay đã làm cho lễ cầu thêm trang nghiêm, thu hút hàng vạn du khách đến du Xuân, dự lễ với lòng thành kính.

Rất đông du khách về dự Lễ hội chợ đình Bích La.

Ông Lê Bá Dũng, Trưởng làng Bích La Đông, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội chợ đình Bích La cho biết tương truyền rằng, ở hồ nước trước đình làng có một con rùa vàng sinh sống, như báu vật. Hằng năm, cứ vào sáng mồng 3 Tết rùa nổi lên trên mặt hồ chào đón mọi người đến dự lễ hội. Nhân dân của làng tin rằng, năm nào rùa vàng xuất hiện là điềm báo tốt lành cho một năm mùa màng bội thu.

Có một năm rùa vàng không nổi lên và năm đó mùa màng thất bát, người dân bị dịch bệnh. Với ước vọng rùa vàng luôn ban phúc đức, tài lộc cho làng quê luôn trù phú, thái bình nên dân làng Bích La Đông lập đàn tế lễ, đánh trống, khua chiêng thật lớn để gọi rùa vàng nổi lên…

Bí thư Đảng ủy xã Triệu Đông, ông Lê Cảnh Tường cho biết làng Bích La Đông được hình thành vào năm 1527, do Phó tướng Lê Mậu Doãn nhận lệnh triều Hậu Lê vào xứ Thuận Hóa khẩn hoang lập nên và lễ hội này cũng bắt đầu từ thời gian đó. Hiện làng Bích La Đông có hơn 3.000 nhân khẩu, đây là nơi được xem vùng đất địa linh, nhân kiệt. Dưới thời nhà Nguyễn, làng có rất nhiều người đỗ Tiến sĩ (TS), trong đó TS Lê Cảnh Diệu và Lê Cảnh Phiên là những người con đầu tiên của làng đỗ học vị cao nhất. Chỉ riêng họ tộc Lê Văn của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã có năm TS nổi tiếng là TS Lê Văn Nhượng, Lê Văn Chân, Lê Văn Nhiếp... Khoa thi cuối của triều Nguyễn có ông Lê Văn Tăng, bác ruột của Tổng Bí thư Lê Duẩn, đỗ Phó bảng và ông Lê Văn Lương đỗ TS.

Có một nghĩa cử cao đẹp, thanh liêm của những người đi trước mà dân làng Bích La Đông đến nay vẫn tự hào đó là, sau khi đỗ đạt, có chức tước cao, được triều đình ban cho nhiều ruộng đất, của cải nhưng các vị quan người làng Bích La Đông không ai lấy làm của riêng, mà đều sung vào của công…

Ông Lê Cảnh Tường cho biết, Lễ hội chợ đình Bích La đã được tỉnh Quảng Trị công nhận là Di tích Văn hóa phi vật thể cấp tỉnh. Hiện tỉnh Quảng Trị đã trình hồ sơ lên Trung ương đề nghị công nhận Di tích văn hóa quốc gia.

Bài và ảnh: LÂM QUANG HUY

Theo nhandan.com.vn

 

Tệp đính kèm