Trong tháng 2, nhiều hoạt động liên quan đến tết truyền thống của các dân tộc sẽ diễn ra tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam với chủ đề “Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc”.
Bà con các dân tộc giao lưu tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Theo Ban Quản lý Làng, có khoảng 200 người của 25 cộng đồng dân tộc thuộc 17 tỉnh tham gia Ngày hội, diễn ra trong hai ngày 12 và 13-2.
Ngoài ra, hoạt động chủ đề tháng 2 có khoảng gần 100 đồng bào của 13 dân tộc (Tày, Dao, Mông, Thái, Mường, Khơ Mú, Ba Na, Tà Ôi, Cơ Tu, Xơ Đăng, RagLai, Ê đê, Khmer) với sự tham gia của 12 địa phương, với các điểm nhấn của các địa phương có đồng bào hoạt động hằng ngày (Thái Nguyên, Hà Nội, Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, Điện Biên, Thừa Thiên - Huế, Ninh Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đác Lắc, Sóc Trăng) cùng với sự tham gia của sinh viên Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Tây Bắc.
Chương trình bao gồm các hoạt động như : Chương trình “Bài ca Mừng Đảng - Mừng Xuân - Mừng Đất nước đổi mới” vào sáng 12-2, cùng với Lễ hội Aza koonh của dân tộc Tà Ôi tỉnh Thừa Thiên - Huế được tái hiện vào buổi sáng cùng ngày.
Đây là lễ hội tiêu biểu nhất, thường được diễn ra sau dịp Tết Âm lịch hằng năm, với mục đích là cúng tạ trời đất đã ban cho buôn làng mùa màng bội thu, người người no đủ, nhà nhà an vui. Lễ hội Aza koonh thể hiện gần như đầy đủ các loại hình văn hóa dân gian của dân tộc Tà Ôi, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Cũng trong ngày 12-2, tại Làng dân tộc Tà Ôi, Khu các làng dân tộc II sẽ diễn ra Tết trồng cây.
Ngày 13-2, tại Làng dân tộc Dao, còn diễn ra nghi lễ đón Tết (trích đoạn Tết nhảy), một nghi lễ đón Tết cổ truyền của của người Dao Tuyên Quang.
Theo phong tục, đồng bào dân tộc Dao ăn Tết trước Tết Nguyên Đán nửa tháng và vui Tết đến hết rằm tháng Riêng (15-1 Âm lịch). Dân tộc Dao sửa sang thay mới ban thờ, làm bánh ống (gói bằng lá và cuộn chặt hai đầu) và làm bánh dày. Lễ “hứa” đầu năm là một thủ lợn tượng trưng cho con lợn khoảng (10-15 kg), 5 chiếc bánh dầy hoặc bánh ống, nhà nào không có lợn thì thịt một con vịt hoặc ba con gà đặt lên ban thờ cúng tổ tiên để cầu lộc, cầu tài và gánh vác mọi công việc như: tai họa, trừ tà ác... Trong một năm, đồng bào dân tộc Dao quần chẹt ăn rất nhiều Tết như Tết Nguyên tiêu (Rằm tháng Giêng), Tết hàn thực (3-3 Âm lịch), Tết Đoan ngọ (5-5 Âm lịch), song Tết nhảy và Tết Nguyên đán vẫn là lớn nhất.
Trong hai ngày 12 và 13-2, còn có Chương trình “Hội Xuân” của đồng bào các dân tộc tại “Ngôi nhà chung” tại Không gian các làng dân tộc Tày, Mông, Dao, Khơ Mú, Thái, Mường, Tà Ôi, Ba Na, Xơ Đăng, Cơ Tu, RagLai, Ê Đê, Khmer.
Sẽ có nhiều hoạt động như giới thiệu các món ăn ngày Tết: Bánh chưng, xôi nếp ba màu, gà quay dân tộc, lợn quay, thịt sấy, lạp sườn, thắng cố, rượu ngô... (tại không gian các nhà dân tộc Thái, Mường, Tày, Khơ Mú, Mông, Dao), các trò chơi dân gian “Hội xuân”: Nhảy sạp, đi cà kheo, bắn cung, đi cầu kiều, đánh đu... giao lưu tại không gian các nhà dân tộc: Thái, Mường, Mông, Dao, Tày, Khơ Mú; giới thiệu không gian hoa Tam giác mạch tại khu vườn hoa Tam giác mạch, sắc đào Tây Bắc.
Ngoài ra, trong tháng 2 còn có Chương trình dân ca dân vũ “Xuân Tây Nguyên” vào các ngày 23 và 24-2 tại Làng dân tộc Ê Đê, Khu các làng dân tộc II; trưng bày ảnh với chủ đề “Lễ hội truyền thống tại Ngôi nhà chung” trong cả tháng 2 tại Không gian sân lễ hội làng III.
Một trong những hoạt động cuối tuần hấp dẫn là chương trình “Hội xuân”, gồm Chương trình biểu diễn nghệ thuật “Hương xuân Tây Bắc” vào các ngày 16 và 17-2; Chương trình biểu diễn nghệ thuật “Tình đá” trong hai ngày 23 và 24-2 đều tại Cánh đồng hoa Tam giác mạch giữa làng Thái và làng Khơ Mú, Khu các làng dân tộc II.
Theo KHÁNH NGUYÊN/nhandan.com.vn