Khắp báo xao là điệu dân ca Thái ở Nghĩa Lộ - Mường Lò (Yên Bái), chỉ dành riêng cho các đôi trai gái chưa lập gia đình tìm hiểu nhau.
Trong kho tàng văn hóa độc đáo và phong phú của đồng bào Thái Nghĩa Lộ - Mường Lò ( tỉnh Yên Bái) phải kể đến dân ca Thái, tức Khắp Thái. Khắp có nhiều chủ đề như Hát mừng năm mới, hát về lao động sản xuất, hát động viên, hát tình tự… Trong đó Khắp báo xao chỉ dành riêng cho các đôi trai gái chưa lập gia đình tìm hiểu nhau.
Khắp báo xao trong đêm hội Hạn Khuống ở Mường Lò.
Khắp báo xao thường có trong các đêm hội Hạn Khuống, lễ hội rằm tháng riêng, các lễ hội văn hóa, ẩm thực và cả trong đời sống sinh hoạt thường ngày… Khắp báo xao chủ yếu sử dụng làn điệu “Hăn Nê”, giai điệu trong sáng, thể hiện tình cảm, tình yêu đôi lứa, ước mơ của đôi trai gái đang tìm hiểu muốn được cùng nhau vun đắp hạnh phúc.
Nội dung của các bài khắp thường trao đổi về hoàn cảnh, đặc điểm, tính tình của chàng trai, cô gái. Thông qua đối đáp cũng thể hiện đầy đủ về con người, cách ứng xử và tài năng ca hát, thổi sáo, chơi nhạc cụ của từng người.
Anh Đinh Công Thiết ở Bản Đêu 2, xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ cho biết: Ngày chưa lập gia đình, mỗi khi bản làng có hội, anh thường cùng đám trai làng mang theo khèn, pí đi xem hội, gặp gỡ làm quen với các cô gái.
Khi ấy, người con trai vừa thổi pí vừa khắp: "Anh đi qua bao nhiêu con suối, quả đồi, nhiều ngày đường mới gặp được em. Nếu em thương anh thì anh sẽ đưa bố mẹ đến hỏi cưới em!”.
Người con gái đối đáp lại: “Bố mẹ em rất khó tính, đòi hỏi anh phải có nhiều lễ vật, liệu anh có thực hiện được không?...”.
Cứ như thế, người con trai phải nghĩ ra cách đối đáp trả lời người con gái, đến khi nào người con gái ưng thì mới thôi.
“Hát giao duyên với các cô gái thì các chàng thường chủ động hát trước. Đứng từ xa thấy các cô gái xinh quá thì chúng tôi đến gần hỏi han, tiếp cận. Qua đối đáp, giao duyên nếu mà bên trai và bên gái cảm thấy ưng ý, hài lòng thì chúng tôi tiếp tục tìm hiểu nhau, đến tận nhà tận cửa, từ đó nhiều cặp đôi đã thành vợ thành chồng” – anh Thiết cho biết thêm.
Thường, Khắp báo xao mở đầu bằng những câu chào hỏi ý nhị của các chàng trai: “Ở đằng xa trông thấy cô gái đẹp muốn được làm quen”.
Các cô gái e thẹn, ngượng ngùng đáp lại bằng cách nói ví von: “Anh muốn đi đằng nương hay đằng ruộng, anh đã có gia đình chưa hay đã có vợ và con thơ ở nhà.”
Tiếp đó là những câu hát đối đáp, hỏi về gia đình, về bản thân. Nếu có cảm tình thì các chàng trai, cô gái sẽ trao cho nhau những câu hát tình tứ, ẩn chứa trong đó còn có những dấu hiệu nhận biết riêng của từng cặp.
Chị Hà Thị Thu ở bản Tông Pọng, phường Tân An, thị xã Nghĩa Lộ cho biết: “Hằng năm cứ đến dịp lễ hội thì người con gái Thái chuẩn bị váy, áo cỏm để đi hát đối đáp với các chàng trai trong bản. Khi hát thì chúng tôi phải nghe theo từ phía các chàng trai hát như thế nào, chúng tôi đáp lại để phù hợp với câu từ mà các chàng trai đưa ra.”
Khắp báo xao có từ xa xưa, được truyền từ đời này sang đời khác qua hình thức truyền miệng và trong các tác phẩm nổi tiếng như: “Xống chụ xôn xao”,“Tản chụ xống xương” - những cuốn sử thi nổi tiếng của người Thái về nguồn gốc, truyền thống dân tộc, tình cảm đôi lứa.
Các bài hát đối đáp qua lại của chàng trai, cô gái thường kéo dài, có khi qua đêm. Càng về khuya giọng hát càng trong trẻo, vang xa, các câu khắp cũng tình tứ hơn, tình cảm gửi trong đó thắm đượm hơn. Các chàng trai cô gái trở nên gần gũi, từ xa lạ trở thành thân quen.
Đến gần sáng, trăng đã tàn, lửa đã tắt, các chàng trai cô gái trao nhau những câu hát chào từ, lưu luyến, hẹn gặp nhau ở đêm hội sau.
Nghệ nhân dân gian Điêu Thị Siêng ở xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái cho biết: “Hát giao duyên thì thường thường dịp Tết và các ngày hội là nhiều nhất. Thời gian ấy có dịp nghỉ ngơi, con trai con gái được đi chơi có dịp gặp nhau nhiều, tán chuyện với nhau. Tình yêu thì chỉ có bằng lời hát, thế nên mới có hát giao duyên truyền cho con cháu đến bây giờ. Các dịp khác thì cứ chỗ nào có dịp nghỉ ngơi, gặp nhau trò chuyện là nơi đó thể hiện ra được bài hát giao duyên.”
Hình thức hát đối đáp giao duyên Khắp báo xao hiện đang được gìn giữ và phát huy ở thị xã Nghĩa Lộ và vùng Mường Lò tỉnh Yên Bái.
Nếu muốn hòa vòng xòe đêm hội, đắm mình trong những câu Khắp Thái lắng đọng, nhiều triết lí nhân sinh, thì đầu Xuân chính là thời điểm du khách nên đến với Mường Lò, cánh đồng lòng chảo lớn thứ hai miền Tây Bắc, nơi được coi là quê hương người Thái đen./.
Theo Đinh Tuấn/VOV.VN