Cập nhật: 13/02/2019 10:42:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nếu chỉ nghe và cảm chất giọng baritone trầm ấm, hào sảng mà chứa chan tình cảm của NSND Quang Thọ (trong ảnh), khó ai có thể đoán ông đã bước sang tuổi 70. Như cánh chim không mỏi trên bầu trời âm nhạc, giọng ca không tuổi ấy đã làm nên những dấu ấn không thể trộn lẫn với bất cứ ai, kể cả các nghệ sĩ cùng thế hệ, cùng con đường...

Những ngày đông rét mướt của tháng 11-2018, NSND Quang Thọ đã sưởi ấm trái tim người yêu nhạc bằng liveshow đặc biệt đánh dấu chặng đường 50 năm ca hát mang tên “Hãy đến với anh”. Trong quãng gần ba giờ đồng hồ, ông đã cùng các ca sĩ học trò của mình thể hiện khoảng 25 bài hát đưa người nghe đến nhiều miền cảm xúc của Đêm Hạ Long biển hát, Trường ca Sông Lô, Thu quyến rũ, Chiều hải cảng, Hà Nội đêm trở gió... - những nhạc phẩm bất hủ gắn liền giọng ca NSND Quang Thọ. Không khỏi ngạc nhiên khi ở độ tuổi “xưa nay hiếm”, ông vẫn giữ được thần sắc trẻ trung, sức khỏe dẻo dai, nhất là chất giọng vang, rền, dày dường như đã đánh bại dòng chảy của thời gian. Những ngày này, NSND Quang Thọ vẫn có lịch diễn dày đặc ở khắp các tỉnh, thành phố trong nước; vẫn thường xuyên lên lớp giảng thanh nhạc cho sinh viên. Ông tựa tảng than đá óng ánh mà ở thời điểm hiện tại vẫn đang cháy đượm nhất, tỏa ra nhiều nhiệt lượng nhất. Có lẽ bởi với ông, ca hát không chỉ là sự nghiệp, đam mê, mà còn là lẽ sống, là một phần của sứ mệnh cuộc đời...

NSND Quang Thọ sinh năm 1948 trong một gia đình có tám người con ở TP Hạ Long, Quảng Ninh. Ông từng có tám năm làm công nhân tại Phòng Cơ điện của Mỏ than Cọc Sáu, Cẩm Phả. Và đây cũng chính là quãng thời gian đã đem đến cho người nghệ sĩ tài hoa những trải nghiệm quý báu nhất để thể hiện đặc biệt thành công các ca khúc về đề tài người thợ mỏ, trong đó tiêu biểu nhất phải kể đến Tôi là người thợ lò của nhạc sĩ Hoàng Vân. Trong ký ức của ông, kỷ niệm về những ngày tháng gắn bó với quặng than thật nhiều khó khăn nhưng đầy ắp ân tình và nhiệt huyết sôi nổi. Là hạt giống của phong trào văn nghệ vùng mỏ, tiếng hát ông được tôi luyện trong những căn hầm tối, bay cao giữa công trường, dưới màn đêm không ánh sáng đèn, gầm rít tiếng nổ của bom đạn. Để rồi “Đến bây giờ, tôi vẫn nằm mơ những giấc mơ vang vọng tiếng than rơi...” - người nghệ sĩ tâm sự. Tháng 10-1964, khi một đoàn nhạc sĩ Hà Nội tới Quảng Ninh để sáng tác ca khúc về miền đất mỏ, ông được chọn để thể hiện bài hát Nhịp máy khoan do nhạc sĩ Trọng Bằng sáng tác, và vị nhạc sĩ đã khuyên ông nên đi học trường nhạc để phát triển tài năng. Nhưng đầu năm 1971, anh công nhân bậc bốn quyết rời Quảng Ninh để gia nhập đoàn văn nghệ xung kích vùng mỏ đi dọc chiến trường biểu diễn phục vụ các cán bộ, chiến sĩ đóng quân ở miền nam, Lào và Cam-pu-chia. Tới năm 1972, ông mới đề nghị tỉnh cử đi đào tạo tại Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia). Sau khi tốt nghiệp, ông trở thành nghệ sĩ đơn ca của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam. Với năng lực thực tế và kiến thức thanh nhạc, năm 1987, Quang Thọ trở thành giảng viên Khoa Thanh nhạc của Nhạc viện Hà Nội, đảm nhận vị trí trưởng khoa từ năm 2000 đến 2008. Không chỉ ghi dấu với những giải thưởng âm nhạc chuyên nghiệp lớn trong nước, giọng hát của ông còn nhiều lần được vinh danh ở các sân chơi quốc tế tại Đức, Mông Cổ... Với những đóng góp của mình, ông được Nhà nước trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 1993, Nghệ sĩ Nhân dân năm 2001.

Trải qua nửa thế kỷ ca hát, NSND Quang Thọ ghi dấu bằng ấn tượng về giọng ca mẫu mực chuyên thể hiện những ca khúc, trường ca mang phong cách thính phòng cổ điển xếp vào loại khó hát, và những tình khúc được đánh giá đỉnh cao của nền âm nhạc lãng mạn Việt Nam qua nhiều thời kỳ như Đêm đông, Thu quyến rũ, Sơn nữ ca, Em ơi Hà Nội phố... Và điều đặc biệt là dù nhiều ca khúc đã được ông thể hiện nhiều lần nhưng lần nào cũng tươi mới và đong đầy cảm xúc. Càng đặc biệt hơn khi có những bài hát do ông thể hiện đã trở thành những ấn tượng, kỷ niệm không thể nào quên đối với người nghe. NSND Quang Thọ kể, gần đây, ông có cơ duyên gặp lại một chiến sĩ bộ đội Trường Sơn là bác sĩ quân y ở một trạm xá tiền phương mà ông từng hát phục vụ năm 1972. Vị bác sĩ cho biết trong số bệnh binh được điều trị ngày đó có một cô thanh niên xung phong 17 tuổi bị sốt rét ác tính. Sau hai ngày nghệ sĩ rời trạm xá, cô gái đã hy sinh nhưng trước khi mất, cô vẫn nhờ các y, bác sĩ gửi lời cảm ơn tới người ca sĩ đã thể hiện những bài hát hay về Bác, tiếp thêm sức mạnh giúp cô thanh thản quên đi những đau đớn về thể xác... Với NSND Quang Thọ, đó mãi là những ký ức đáng nhớ để ông vững tin trên con đường mình đã chọn.

Di sản mà NSND Quang Thọ đóng góp cho âm nhạc không chỉ là giọng ca vượt thời gian mà còn là sự nghiệp trồng người đầy tự hào, vinh quang khi dưới sự dìu dắt của ông, nhiều ngôi sao của âm nhạc chính thống và đương đại Việt Nam đã trưởng thành, tỏa sáng như các ca sĩ Đăng Dương, Trọng Tấn, Việt Hoàn, Tùng Dương, Khánh Linh, Lan Anh, Tân Nhàn... Mỗi người một mầu sắc, một phong cách nhưng họ đều đang cống hiến cho âm nhạc Việt Nam theo những cách riêng đáng trân trọng. NSND Quang Thọ quan niệm, học thanh nhạc không chỉ cần năng khiếu mà còn đòi hỏi sự dày công khổ luyện và tinh thần quyết tâm, sự dẻo dai, bền bỉ. Vai trò của người thầy là truyền cảm hứng cho các thế hệ học trò, phát hiện được điểm mạnh của từng cá nhân và bồi dưỡng để họ phát huy được sở trường trên các dòng nhạc nhẹ, thính phòng, dân gian hay sư phạm âm nhạc. Hướng dẫn, đào tạo sinh viên, hát cho sinh viên nghe không chỉ là cách để những học trò của NSND Quang Thọ được thị phạm, mà còn là cách để ông tiếp tục rèn luyện giọng hát và nuôi dưỡng xúc cảm, tựa viên ngọc đã sáng được ngày ngày mài giũa lại càng sáng trong hơn... 

Theo HỒNG TRANG/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm