Mỗi dịp Xuân về công chúng mong chờ thưởng thức các sản phẩm giải trí, trong đó có phim hài để cảm nhận rõ hơn bầu không khí vui tươi, mừng đón thời khắc chuyển giao năm cũ, năm mới. Tính đến thời điểm này, hầu hết những phim hài đón Xuân đã được quảng bá rộng rãi, phục vụ công chúng. Dù có những nỗ lực nhất định song chất lượng phim vẫn là vấn đề đáng bàn bởi sự nhàm và nhảm từng bị phê phán từ những mùa trước chưa được khắc phục.
Cảnh trong phim hài Táo quậy.
"Kẻ khóc, người cười..."
Bao quát thị trường phim hài đón Xuân năm nay từ bắc chí nam, chủ yếu vẫn lặp lại các mô-típ quen thuộc: diễn lại tích xưa; nông thôn thời đô thị hóa; đại gia và người đẹp; trọc phú học làm sang... Có chăng, hài năm mới khác năm cũ ở chuyện thay đổi, bổ sung các gương mặt của làng giải trí là người mẫu, ca sĩ đang gây chú ý... vào vai phụ để gây tò mò.
Ở phía bắc, có hơn 10 dự án phim hài dịp này, đa phần kịch bản kéo dài từ phim đã phát hành mùa trước như: Ðại gia chân đất, Chân dài lắm chiêu, Cưới đi kẻo ế, Làng ế vợ, Ván cờ vồ, Tỷ phú đè đại gia... Không ít ý kiến cho rằng, loạt phim này lạm dụng hình ảnh diễn viên nữ ăn mặc hở hang ở bối cảnh, tình huống không cần thiết. Thí dụ, trong một cảnh phim Ðại gia chân đất của đạo diễn Trần Bình Trọng (đã kéo dài tới phần thứ chín), ba nữ diễn viên trẻ trung ngồi trên chiếc xe cải tiến, bỗng chiếc áo của một cô bị mắc lên cây tre, vậy là cả đoạn phim dài sau đó, cô gái diễn xuất trước ống kính với trang phục mặc cũng như không, dùng tay che chắn. Ðây là tình huống rất phi lý, phản cảm. Tương tự, phim hài Bản nhiều vợ từ lúc ra mắt khán giả đến nay vẫn gây tranh luận vì lời thoại "chế" lại ca dao khá tục cùng hình ảnh diễn viên nữ ăn mặc thiếu vải, nhiều cảnh nhân vật sàm sỡ nhau. Diễn viên hài Chiến Thắng - người đóng một vai trong Bản nhiều vợ đã phải gửi lời xin lỗi đến khán giả, hứa lần sau không tham gia những phim hài "thấp kém" như vậy.
Ở phía nam, có năm bộ phim hài gây chú ý là: Cua lại vợ bầu, Táo quậy, Trạng Quỳnh, Vu quy đại náo và Cung tâm kế. Các bộ phim xoay quanh thông điệp về gia đình, tình thân, ý nghĩa sum họp. Một số phim khá chú trọng tới kỹ xảo, như phim Táo quậy dành bốn, năm tháng cho khâu này. Phim Táo quậy được so sánh như Táo quân phiên bản điện ảnh với nhiều tình huống vui tươi, dí dỏm xoay quanh tình huống một vị thần cai quản bếp ở nhà cậu thiếu gia ham chơi, tai nạn bất ngờ khiến Táo quậy và cậu chủ dính vào nhau bởi một sợi dây phép thuật. Cả hai cố gắng tìm mọi cách, đi mọi nơi để tháo gỡ sợi dây lạ lùng này. Trên chuyến hành trình, cả hai dần phát hiện ra có một thế lực đen tối đang thu thập tất cả nguồn năng lượng Táo mạnh nhất trên thế gian, ngăn cản các Táo về trời trong ngày 23 tháng Chạp, nhằm mục đích thống trị ngọn lửa của loài người... Tình huống phim, các vai diễn khá mới mẻ, giữ được nét đặc trưng trong văn hóa của người Việt. Phim có sự tham gia của các diễn viên như: NSƯT Trung Dân, Lê Bình, Bạch Long, Hứa Minh Ðạt, Nguyễn Chánh Tín, Tiểu Bảo Quốc, bé Tin Tin... Ngoài ra, bộ phim Trạng Quỳnh của đạo diễn Ðức Thịnh có bối cảnh chính từ truyện dân gian Việt Nam cũng gây ấn tượng bằng vai chính của Trần Quốc Anh. Cốt truyện không đơn thuần xoay quanh mối quan hệ giữa ba người bạn mà còn là hành trình tìm đến ánh sáng của tri thức để lấy lại công bằng cho những số phận nhỏ bé. Nhìn chung, năm bộ phim hài của điện ảnh phía nam năm nay phần nào được các đạo diễn đổi món, hạn chế được mô-típ chọc cười bằng cảnh hở hang, đối thoại dung tục mà khéo léo lồng ghép những yếu tố dân gian để mang đến tiếng cười, thông điệp bình dị mà sâu sắc hơn với khán giả.
Hướng tới giá trị bền vững
Chia sẻ về tình trạng phim hài Xuân này vẫn "bình mới, rượu cũ", một số đạo diễn đang làm công việc này cho rằng, việc sử dụng nhân tố gây tranh cãi trong lĩnh vực giải trí, mạng xã hội... xuất phát từ thị hiếu khán giả thời hiện đại thích mới, lạ; hơn nữa, họ chỉ mời người không chuyên vào vai phụ, vai chính vẫn do nghệ sĩ có tiếng đảm nhận. Thực tế, cách làm này gây hiệu ứng tiêu cực nhiều hơn kỳ vọng. Chẳng những diễn viên phụ vào vai dở mà diễn viên chính năm nào cũng lặp lại chừng ấy gương mặt khiến khán giả mất hứng thú. Hình ảnh nghệ sĩ tên tuổi diễn cạnh nhân vật ăn mặc thiếu vải, sử dụng ngôn ngữ dung tục… vừa đi ngược giá trị văn hóa, thuần phong mỹ tục, vừa làm hình ảnh nghệ sĩ trong mắt công chúng trở nên méo mó.
NSƯT Minh Vượng cho biết, chừng nào khán giả còn chấp nhận, thậm chí thích thú với những kiểu hài nhảm thì vẫn sẽ xuất hiện những sản phẩm hời hợt, kém chất lượng. Tuy nhiên, không thể đổ lỗi hoàn toàn cho đối tượng thưởng thức. Nữ nghệ sĩ quan niệm, đạo diễn hay nghệ sĩ trước khi bắt đầu công việc phải tôn trọng chính mình, tôn trọng khán giả để dù là hài vẫn cần tính thẩm mỹ, văn hóa, giáo dục. Sau nhiều năm vắng bóng, đạo diễn - NSND Khải Hưng khi trở lại làm phim hài đã kiên quyết từ chối mọi yếu tố dễ dãi, phản văn hóa. Ông tiết lộ, một số nhà sản xuất đặt lợi nhuận lên trên hết, ẩu đến mức không cần kịch bản, phó mặc đạo diễn và diễn viên tự "đắp da đắp thịt" trong quá trình quay. Bởi thế, không ít nhà sản xuất mời ông tham gia nhưng sau khi trao đổi công việc hoặc đọc kịch bản thấy bất hợp lý, ông từ chối ngay.
Với tình hình phim trong nước, phim nhập ngoại ngày càng tăng mạnh về số lượng; mở rộng về thể loại, đầu tư như hiện nay, giới chuyên môn dự đoán có thể dần dần phim hài sẽ không còn là mảnh đất vàng cho các nhà sản xuất tập trung khai thác nữa. Nhìn lại, cách đây vài năm, phim hài trong nước từng bị khán giả quay lưng để xem phim nhập ngoại. Ðó là đầu Xuân năm 2017, ba bộ phim Bạn gái tôi là sếp, Lục Vân Tiên và Nhà có năm nàng tiên ra rạp thì hai phim chịu cảnh ế ẩm. Nhìn ra điện ảnh khu vực và thế giới, điểm chung những phim hài đều được lồng khéo léo giữa yếu tố hài hước với thông điệp nhân văn, lạc quan trong cuộc sống; tất cả được thể hiện bằng không gian choáng ngợp của kỹ xảo hoành tráng, chuyên nghiệp; nhân vật chính trong loạt phim này thường là diễn viên nhí dễ thương, lém lỉnh hoặc hình tượng công dân đời thường bình dị.
Trước khi phim hài Việt Nam đạt được bước tiến dài hơi và trình độ sâu sắc, chúng ta cần có những sản phẩm chỉn chu nhằm mang lại tiếng cười đúng nghĩa cho khán giả. Ngoài nỗ lực "gạn đục, khơi trong" của đội ngũ người làm nghề như đạo diễn, diễn viên; động thái xem lại chính người xem... cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các cơ quan quản lý văn hóa để kiểm soát chặt chẽ những sản phẩm có nội dung không phù hợp, thiếu giá trị văn hóa nghệ thuật.
Theo MAI LỮ/nhandan.com.vn