Cập nhật: 24/02/2019 10:05:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Tưởng chừng sẽ chỉ còn lại trong ký ức, nhưng với sự tâm huyết, cố gắng của những nghệ nhân nơi đây, nghệ thuật múa rối nước làng Đồng Ngư, xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) dần được khôi phục. Đồng Ngư hôm nay, các phường rối đều tất bật với các vở diễn mới, như một sự khẳng định về sức sống lâu bền của loại hình nghệ thuật độc đáo mảnh đất này.

Các nghệ nhân làng Đồng Ngư , xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh chuẩn bị con rối để biểu diễn. Ảnh: KHẢ ANH

Nghề cổ

Đến làng Đồng Ngư, ghé vào Phường rối nước dân gian Luy Lâu, cũng là lúc chuyến xe chở đoàn đi biểu diễn “xa nhà” vừa trở về. Không hề tỏ vẻ mệt mỏi sau chuyến đi dài ngày, nghệ nhân Nguyễn Thành Lai, Trưởng phường cho biết: “Chúng tôi đi diễn quanh năm, nhất là vào dịp năm mới. Tiết trời giá lạnh, anh em ngâm mình trong nước nhiều, nhưng vui lắm. Nói đến đi diễn ai cũng vui vẻ, phấn khởi”. Nói rồi ông Lai dẫn khách vào nhà tham quan. Đúng phong cách nhà của một nghệ nhân rối nước với các con rối đủ loại, đủ mầu sắc, từ con trâu, con ngựa cho đến ông quan, chú Tễu… được bày biện khắp mọi ngóc ngách. Phía góc vườn, nghệ nhân Nguyễn Thành Lai đang xây dựng một khu biểu diễn, với ao, sân khấu, buồng trò… Ông bảo, lịch biểu diễn bên ngoài nhiều, nhưng vẫn phải xây dựng sân khấu trong vườn nhà, vừa để phục vụ người dân trong làng, ngoài xã, vừa để phục vụ du khách xa gần trong các tua du lịch.

Theo nghệ nhân Nguyễn Thành Lai, hiện rối nước Đồng Ngư đang được rất nhiều khán giả trong và ngoài tỉnh ưa chuộng bởi sự độc đáo, đặc sắc riêng. Cái độc đáo của rối nước Đồng Ngư là những con trò không chỉ được điều khiển bằng sào mà còn dùng dây. Điều này cho phép con rối có thể đi ra xa buồng trò, đến gần với khán giả, con rối lại thực hiện được nhiều động tác hơn. Rối cũng được chế tác tinh xảo, với bộ phận máy phức tạp để có thể di chuyển linh hoạt, đa dạng, thường làm bằng các loại gỗ nhẹ, thớ mịn và không có mấu như gỗ xoan, gỗ duối hay gỗ sung. Để điều khiển được con rối, nghệ nhân phải trải qua quá trình tập luyện rất vất vả, vì rối dây đòi hỏi người biểu diễn phải có tay nghề cao, đôi bàn tay dẻo dai, uyển chuyển mới thổi hồn được vào con trò. Đáng chú ý, nét văn hóa đậm bản sắc Kinh Bắc là hát quan họ cũng đã được sáng tạo để đưa vào các tiết mục biểu diễn như Hái cau mời trầu, Đám cưới chuột, Vinh quy bái tổ... Trong quá trình biểu diễn, nghệ nhân điều khiển rối đồng thời là người đọc lời thoại cho nhân vật. Tiếng trống, tiếng tù và, tiếng mõ, đàn nguyệt, đàn tranh được cất lên, hòa quyện cùng làn điệu quan họ mượt mà. Ngoài ra, các buổi diễn sẽ có những “anh Hai”, “chị Hai” quan họ phụ họa. Thí dụ như tiết mục Hái cau mời trầu, trên nền nhạc quan họ, con rối sẽ trèo lên cây cau mô phỏng được làm bằng tre, trên cây treo sẵn buồng cau và những lá trầu. Sau khi con rối hái cau, hái trầu xuống sẽ đem đến cho các “chị Hai”. Các “chị Hai” vừa ngân nga bài Mời nước mời trầu, vừa đem trầu cau đi mời khán giả.

Nhiều nghệ nhân cao tuổi ở làng Đồng Ngư cho biết, còn rất ít tài liệu ghi chép về nét văn hóa rối nước ở đây. Chỉ biết, nghề xuất hiện khoảng cuối thời kỳ nhà Lý, đã trải qua nhiều thế kỷ. Hiện, làng lưu giữ được một bức tượng phủ sơn nâu, làm bằng gỗ mít là tượng Tổ trò của làng, là người có công truyền dạy và phát triển nghệ thuật rối nước Đồng Ngư. Tương truyền, ông mất vào ngày 20 tháng Giêng, vì thế ngày này hằng năm trở thành Ngày giỗ Tổ trò của làng. Nhắc đến những kỷ niệm với con rối làng Đồng Ngư, nghệ nhân Dương Văn Giáo kể lại: “Tôi vẫn còn nhớ như in, những năm 50 - 60 của thế kỷ trước, làng có phường múa rối nước, thường xuyên biểu diễn, nhất là vào những dịp hội làng. Ngày đó, mỗi khi nghe ba hồi trống hiệu cất lên dồn dập là người dân Đồng Ngư và các làng, xã bên cạnh biết có biểu diễn rối nước. Chỉ một lúc sau, sân khấu ở ao làng đã đông nghịt khán giả. Trước giờ biểu diễn, một nghệ nhân cao niên, có uy tín trong phường làm lễ rất trang nghiêm xin phép Tổ trò và Thành hoàng làng. Các buổi biểu diễn thời bấy giờ chưa có âm nhạc, chủ yếu là tiếng trống, tiếng tù và cũng như tiếng hô của người diễn, nhưng bao giờ cũng nhận được những tràng pháo tay tán thưởng của khán giả”.

Thế rồi chiến tranh, loạn lạc, cuộc sống khó khăn, phường múa rối của làng giải tán. Nghệ nhân trở lại với đồng ruộng, chân lấm, tay bùn cuốc cày sinh nhai. Trải qua hàng chục năm, nghề múa rối nước Đồng Ngư chìm dần vào quên lãng, chỉ còn đọng lại trong ký ức của những bậc cao tuổi trong làng. Mãi đến cuối những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỷ trước, khi cuộc sống đã bớt vất vả, người dân Đồng Ngư mới bắt đầu cùng nhau khôi phục lại nghề rối tổ truyền. Thời bấy giờ, chỉ sau một thời gian ngắn tập hợp, đã có khoảng 60 người, già có, trẻ có, tập trung lại, tổ chức thành đoàn để khôi phục nghề cổ. Để biểu diễn, đầu tiên phải có con rối. Rất may, một số người làng từng học nghề mộc, họ tìm lại những con rối cổ, bắt chước người xưa để chế tạo theo. Mất không ít thời gian, những con rối đầu tiên mới ra đời. Mọi người lại góp sức, góp công, vận động từng nhà, xin tre, nứa, vật liệu để làm sân khấu, buồng trò… Các nghệ nhân cũng mày mò đi “tầm sư” khắp nơi để học biên đạo, dựng vở, nhạc lý… “Lúc đó tôi đã ngoài 50 tuổi, vừa đi bộ đội về không lâu, là thương binh hạng 2/4 với nhiều mảnh đạn còn nằm trong phổi. Sức khỏe không được tốt, nhưng không khí làng khi ấy rất sôi nổi, ai cũng háo hức, lại từng học nghề hồi bé cho nên tôi cũng xin tham gia. Nhà có bụi tre cũng chặt để góp vật liệu làm sân khấu. Mỗi người nhớ một ít các tiết mục rối ngày xưa, cùng tập hợp lại những ký ức vụn vặt đó thành bài, thành vở”, nghệ nhân Dương Văn Giáo nhớ lại.

Bảo tồn và phát triển

Thấm thoắt đã chừng 30 năm kể từ những ngày đầu người dân Đồng Ngư cùng chung tay bảo tồn và phát triển nghề rối nước truyền thống. Hiện nay, làng đã có hai phường múa rối nước dân gian là Đồng Ngư và Luy Lâu. Nghệ nhân Nguyễn Đăng Dung, Trưởng Phường rối nước dân gian Đồng Ngư chia sẻ, ông bắt đầu tham gia múa rối nước vào năm 1986. Thời gian đầu, rối nước Đồng Ngư gặp muôn vàn khó khăn trong việc khôi phục, bảo tồn. Nghề mới bắt đầu khôi phục, chỉ biểu diễn quanh quẩn trong làng, phục vụ người dân vào các dịp lễ hội với các tích trò như Mời trầu, Vào chùa, Chăn trâu thổi sáo, Đánh đu… Cuộc sống của các diễn viên còn khó khăn, chỉ tranh thủ học nghề, tập vở vào những lúc rảnh rỗi, nông nhàn. Qua nhiều năm, bao thăng trầm, với sự nhiệt tình, tâm huyết của các nghệ nhân, nghề múa rối nước Đồng Ngư mới đi vào quy củ, chuyên nghiệp, thành đoàn, thành phường để vượt lũy tre làng đến với nhiều vùng miền trong cả nước.

Nghệ nhân Dương Văn Giáo cho biết, việc bảo tồn và phát triển nghệ thuật múa rối nước Đồng Ngư gặp nhiều thuận lợi khi lớp trẻ đã quan tâm hơn đến môn nghệ thuật truyền thống. Thế hệ nghệ nhân cao tuổi, có nhiều kinh nghiệm, gắn bó gần như cả cuộc đời mình với những con rối như ông bây giờ còn lại không nhiều nhưng đều dốc sức truyền dạy cho các thế hệ kế cận. “Đã gần 80 tuổi, nhưng tôi vẫn theo chân phường rối đều đặn đi biểu diễn ở khắp các vùng miền. Nhiều khi tuổi cao, sức yếu, lại ngâm mình trong nước lâu, ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng mỗi khi đón nhận những tràng pháo tay tán thưởng của khán giả lại thấy như trẻ, khỏe lại. Quan trọng hơn, mình biểu diễn cũng là để truyền đạt các kỹ năng cũng như sự nhiệt huyết cho giới trẻ. Để những nghệ sĩ trẻ bây giờ thấy được việc biểu diễn không chỉ vì tình yêu nghệ thuật mà còn là trách nhiệm đối với việc gìn giữ, bảo tồn những giá trị truyền thống quý báu, đặc sắc mà cha ông để lại”, nghệ nhân Dương Văn Giáo chia sẻ.

Theo nghệ nhân Nguyễn Đăng Dung, với sự tâm huyết của các thế hệ người làng Đồng Ngư, bộ môn truyền thống địa phương không còn lo sẽ bị mai một trong tương lai. Nghệ thuật rối của làng đang phát triển tốt, thể hiện qua lịch biểu diễn đều đặn của các phường rối nơi đây. Quan trọng nhất, hơn 200 tích trò cổ cũng đã phần nào được khôi phục. Mặc dù thu nhập của diễn viên còn chưa cao, chỉ khoảng 6 triệu đồng/người/tháng, nhưng gần đây, nguồn thu đã có phần cải thiện khi một số công ty du lịch đã chọn Đồng Ngư là điểm đến trong chương trình du lịch của mình. Các buổi biểu diễn đều mang lại nhiều cảm tình cho khán giả cả trong và ngoài nước. Tương tự, Phường rối nước dân gian Luy Lâu cũng quy tụ được hàng chục nghệ nhân tâm huyết tham gia biểu diễn. Phường có sân khấu lưu động, nhận được rất nhiều lời mời biểu diễn tại nhiều chương trình trong và ngoài tỉnh. Đáng chú ý, Phường hiện đang cộng tác với một doanh nghiệp biểu diễn thường xuyên ở tỉnh Quảng Ninh, mang đến nguồn thu đều đặn cho phường và thu nhập ổn định cho các nghệ nhân.

Hôm chúng tôi đến, các công trình như thủy đình, nhà văn hóa tại làng Đồng Ngư đang được xây dựng mới khang trang, đẹp đẽ hơn. Các nghệ nhân trong làng khoe, UBND tỉnh Bắc Ninh vừa phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị Múa rối nước làng Đồng Ngư, xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh” với mục tiêu tôn vinh, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của môn nghệ thuật múa rối nước của làng. Đề án có thời gian thực hiện từ năm 2018 đến 2020, với tổng kinh phí gần 17 tỷ đồng. Sau khi có đề án, chính quyền địa phương đã cho xây dựng lại các công trình phục vụ biểu diễn rối nước như thủy đình, nhà văn hóa. Các phường múa rối nước cũng được tài trợ kinh phí để đầu tư sân khấu, hệ thống âm nhạc, con trò…

Chia tay Đồng Ngư, khi nghệ nhân Nguyễn Thành Lai đang sửa soạn những con rối để chuẩn bị cho chuyến lưu diễn dài ngày tiếp theo. Ông hẹn tôi, chỉ một thời gian ngắn nữa, trở lại đây, khi thủy đình, nhà văn hóa của làng và sân khấu nhỏ trong vườn nhà ông được xây dựng xong, sẽ thấy một Đồng Ngư khác hẳn, những sân khấu rối nước đều đặn “sáng đèn”. Không chỉ ông Lai, các nghệ nhân nơi đây luôn tràn đầy lạc quan về một ngày mai tươi sáng của nghệ thuật múa rối nước Đồng Ngư.

HOÀNG ĐỨC NHÃ

Theo nhandan.com.vn

Tệp đính kèm