Theo nhận định của Bộ Y tế, thời tiết năm nay có nhiều bất thường, mùa xuân vừa nắng nóng lại mưa ẩm. Kết hợp sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, lượng người dân di chuyển giữa các địa phương tăng cao khiến cho nhiều dịch bệnh nguy hiểm có nguy cơ lây lan, nhất là các bệnh về đường hô hấp, cúm, sởi, thủy đậu, ho gà.
Với các bệnh truyền nhiễm đã có vaccine phòng ngừa, các gia đình cần đưa trẻ nhỏ đi tiêm phòng đầy đủ. Ảnh: HẢI ANH
Viêm não do biến chứng của sởi
Chiều 19-2, thông tin từ Bệnh viện (BV) Bạch Mai cho biết, BV đang điều trị cho một bệnh nhân bị viêm não - màng não do biến chứng của sởi. Người bệnh tên ĐHV (28 tuổi, ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Theo lời kể của người nhà, ngày 8-2 bệnh nhân xuất hiện sốt cao, sau ba ngày xuất hiện phát ban, tính chất ban dạng sởi, kèm đi ngoài phân lỏng, mắt đỏ và chảy nước mắt, nước mũi. Bệnh nhân được người nhà đưa vào điều trị tại BV Hồng Ngọc với chẩn đoán sốt phát ban, xét nghiệm IgM sởi dương tính. Sau ba ngày điều trị, bệnh nhân xuất hiện khó tiếp xúc, rối loạn định hướng, bí tiểu. Sau khi được chẩn đoán theo dõi viêm não do sởi, người bệnh được chuyển đến Khoa Truyền nhiễm BV Bạch Mai ngày 17-2.
Theo Trưởng Khoa Truyền nhiễm BV Bạch Mai Đỗ Duy Cường, bệnh nhân ĐHV nhập viện trong tình trạng sốt cao và rối loạn ý thức, trên da còn nhiều vết thâm do ban sởi. Kết quả xét nghiệm dịch não tủy có biến loạn với chẩn đoán viêm não - màng não do sởi. Khai thác bệnh sử dịch tễ được biết, trước khi phát bệnh, bệnh nhân đang sống và làm việc tại quận Bình Thạnh (TP Hồ Chí Minh) - nơi được xác định đang có dịch sởi và không nhớ đã được tiêm phòng sởi trước đó hay chưa.
“Viêm não - màng não sau sởi là biến chứng hiếm gặp và đây ca bệnh đầu tiên được ghi nhận bị biến chứng viêm não - màng não trong mùa dịch năm nay. Tình trạng bệnh nhân khá nặng vì rối loạn ý thức, phải thở oxy và đang được theo dõi sát sao tại phòng hồi sức cấp cứu. Theo phác đồ của Bộ Y tế, bệnh nhân sởi có biến chứng viêm não cần được chỉ định điều trị hỗ trợ bằng Imunoglobulin miễn dịch (IVIg) là loại thuốc rất đắt tiền. Nếu điều trị tích cực bệnh có thể phục hồi nhưng cũng có nguy cơ tử vong, hoặc sau khi hồi phục để lại di chứng ảnh hưởng đến trí não, tinh thần, thể chất”, ông Đỗ Duy Cường cho biết thêm.
Ngoài biến chứng viêm não, bác sĩ cảnh báo bệnh nhân mắc sởi có nguy cơ đối mặt nhiều biến chứng khác như: viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, rối loạn hấp thu, thiếu hụt vitamin A có thể dẫn tới mù lòa... Từ cuối năm 2018 tới nay, do thời tiết diễn biến bất thường, Khoa Truyền nhiễm BV Bạch Mai tiếp nhận nhiều ca sởi người lớn, nhiều ca nặng trên cơ địa đặc biệt như phụ nữ có thai, bệnh mạn tính. Các chuyên gia cảnh báo, số lượng ca sởi ở Hà Nội cũng như các tỉnh phía nam tăng đột biến, đặc biệt ở trẻ em không được tiêm phòng và người lớn lứa tuổi 25-35 do không được tiêm nhắc vaccine sởi.
Nguy kịch vì cúm mùa
Liên tiếp trong những ngày gần đây, BV Bạch Mai tiếp nhận điều trị nhiều người bị nhiễm cúm mùa nhưng sức khỏe diễn biến rất nguy kịch, thậm chí có ca bệnh gây tử vong cả mẹ lẫn con...
Theo PGS, TS Đào Xuân Cơ, Trưởng khoa Hồi sức tích cực BV Bạch Mai, cả bốn trường hợp mới nhất bị nhiễm cúm mùa điều trị tại khoa đều đang trong tình trạng rất xấu, suy hô hấp nặng nên các bác sĩ phải áp dụng kỹ thuật cao nhất là tim phổi nhân tạo với hy vọng cứu sống bệnh nhân. Tuy nhiên, trong số các bệnh nhân này, một trường hợp là sản phụ ở Thanh Hóa mang song thai 24 tuần đã không thể qua khỏi. Trong số những trường hợp còn lại có bệnh nhân LĐC (nam, 64 tuổi, ở Sơn Tây, Hà Nội) được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực trong tình trạng khó thở, ý thức chậm, đã được đặt nội khí quản hỗ trợ hô hấp.
Theo người nhà bệnh nhân, trước đó sáu ngày, bệnh nhân này xuất hiện sốt cao liên tục, ho khan, khó thở kèm tức ngực, đi khám tại tuyến cơ sở được chẩn đoán viêm phổi, kê đơn điều trị nhưng tình trạng không cải thiện. Tại Khoa Hồi sức tích cực, bệnh nhân được chẩn đoán viêm phổi biến chứng ARDS (hội chứng suy hô hấp cấp). Mặc dù được điều trị tích cực với các kỹ thuật hiện đại nhất nhưng tiên lượng sống của bệnh nhân là rất thấp.
Một bệnh nhân nam khác (48 tuổi ở Ứng Hòa, Hà Nội) trước khi được đưa vào Khoa Hồi sức tích cực chỉ xuất hiện các triệu chứng thông thường của cúm như: ho, hắt hơi, sổ mũi, sốt, nhức mỏi toàn thân. Đáng lưu ý, trước đó gia đình anh cũng có vài người mắc cúm. Nghĩ là chỉ mắc cúm thông thường nên phải đến bốn ngày sau anh mới nhập viện điều trị. Khi được người nhà đưa đến Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu, nam bệnh nhân này đã có biến chứng suy đa phủ tạng và nhanh chóng rơi vào nguy kịch. Đến nay, sau một tuần điều trị tình trạng của bệnh nhân vẫn chưa cải thiện, suy đa tạng còn nặng và phải tiếp tục lọc máu, thở máy, điều trị kháng sinh.
Ngay khi tiếp nhận các bệnh nhân trên, Khoa Hồi sức tích cực đã lấy mẫu bệnh phẩm gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xét nghiệm với kết quả đều dương tính với virus cúm A/H1N1 hay còn gọi là cúm mùa. PGS, TS Đào Xuân Cơ cho biết thêm, mặc dù không phải nhiễm cúm gia cầm H5N1 như nghi ngờ trước đó nhưng với những biến chứng nguy kịch của các ca bệnh nêu trên, việc chúng ta cảnh giác với cúm là không thừa. Cúm A/H1N1 là cúm mùa, thường gặp ở Việt Nam, do virus gây ra và lây truyền qua đường hô hấp. Phần lớn các trường hợp cúm mùa sẽ tự khỏi. Ở giai đoạn đầu bệnh thường kéo dài khoảng ba ngày với các triệu chứng sốt, nhức đầu, đau cơ, mệt mỏi, chán ăn... Sau đó, các triệu chứng hô hấp sẽ xuất hiện như ho khan, sổ mũi, đau họng. Sốt là triệu chứng quan trọng, thường kéo dài ba ngày đầu, nhưng có thể kéo dài thêm bốn - tám ngày, nhiệt độ thường tăng nhanh và cao đến 40 - 41°C.
“Một số trường hợp bệnh có thể diễn biến nặng: sốt cao, khó thở, tím tái, phù phổi do suy tim và có thể gây tử vong. Đặc biệt là những trường hợp có tiền sử mắc các bệnh mạn tính, suy giảm đề kháng, miễn dịch như suy thận, đái tháo đường, người nghiện rượu, phụ nữ có thai, người già, trẻ nhỏ... Do đó, khi có các biểu hiện ho tăng lên, sốt tăng, tức ngực, khó thở khi đã được dùng các thuốc cảm cúm thông thường, người bệnh cần được đưa đến các cơ sở y tế chuyên sâu để khám và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng đáng tiếc”, PGS, TS Đào Quang Cơ khuyến cáo.
Để chủ động phòng tránh các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng, thủy đậu, cúm… Bộ Y tế khuyến cáo người dân thường xuyên rửa tay bằng xà-phòng hoặc dung dịch sát khuẩn (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, trước khi bế ẵm hoặc cho trẻ ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ. Thực hiện nghiêm túc việc ăn chín, uống chín, sử dụng nước sạch cho ăn uống và sinh hoạt. Không ăn thịt và các sản phẩm từ gia súc, gia cầm mắc bệnh, ốm chết; đặc biệt không ăn tiết canh cũng như các loại thịt gia súc, gia cầm chưa được nấu chín. Không mớm thức ăn cho trẻ, không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi chưa được khử trùng. Giữ vệ sinh nhà ở sạch sẽ, thoáng khí. Ngủ màn, phòng, chống muỗi đốt ngay cả ban ngày. Khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm phải đến ngay cơ sở y tế để được khám bệnh và hướng dẫn.Bộ Y tế cũng nhấn mạnh, đối với các bệnh truyền nhiễm đã có vaccine phòng ngừa, các gia đình cần đưa trẻ nhỏ đi tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch các loại vaccine trong chương trình tiêm chủng.
Theo THANH HUYỀN/nhandan.com.vn