Sau bốn năm dịch sởi cướp đi sinh mạng hàng trăm bệnh nhi, dịch sởi rất có thể quay trở lại trong năm 2019 này khi thời gian qua ghi nhận sự tăng đột biến số ca mắc sởi.
Theo báo cáo của ngành y tế, hiện dịch sởi đang bùng phát mạnh ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam dịch sởi đã lan rộng ra 44 tỉnh, thành, trong đó riêng TP Hồ Chí Minh có hơn 20.000 ca mắc. Còn tại Hà Nội, số ca mắc theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội là hơn 150 trường hợp.
Ghi nhận của phóng viên tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, nếu trong cả năm 2018 chỉ ghi nhận 86 trường hơp mắc sởi thì chỉ trong những ngày đầu năm 2019 đã có hơn 200 ca mắc sởi đến khám và điều trị. Những ca bệnh này chủ yếu ở các địa phương như Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Hoà Bình...
GS, TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, trung bình mỗi ngày BV tiếp nhận 3-5 trường hợp bệnh nhân nhi nhập viện trong đó nhiều ca mắc biến chứng viêm phổi. Phần lớn các ca mắc sởi của bệnh nhân đều do chưa tiêm phòng hoặc chưa tiêm phòng đủ mũi. Điều này cho thấy dịch sởi đang bùng phát rất nhanh, nhiều khả năng đây sẽ là chu kỳ của đại dịch sởi bùng phát bốn năm/ lần có thể xảy ra.
Tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai, mỗi tháng có 10 trường hợp nhập viện, số trường hợp mắc sởi chỉ những ngày đầu năm 2019 đã gần bằng một nửa số người mắc năm 2014
PGS, TS Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai, cho hay, ngoài trẻ em, năm nay tại cơ sở cũng ghi nhận có đến 50% ca bệnh là người lớn. Đặc biệt, có nhiều trường hợp thai phụ mắc bệnh sởi. Trong khi đó, bệnh sởi là căn bệnh khá nguy hiểm với các đối tượng này, có thể khiến họ sinh non hoặc thai lưu.
Theo đánh giá của GS, TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, dịch sởi có mức độ lây lan rất nhanh, nhiều trường hợp biến chứng nặng. Trong đó, biến chứng phổ biến là viêm phổi, viêm phế quản gây ngừng thở, tắc thở, bị bội nhiễm, viêm não…
Bệnh sởi có thể chăm sóc tại nhà nhưng nếu trẻ có biểu hiện sốt tăng cao, khó thở, thân nhiệt không kiểm soát… thì cha mẹ nên đưa con đến cơ sở y tế để điều trị. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh không được sai lầm khi thấy trẻ có biến chứng nhưng không đưa con đị bệnh viện lại để ở nhà chữa trị, nghe theo quan niệm dân gian, khiến trẻ đến viện quá muộn gây biến chứng nguy hiểm. Nhiều người không tắm cho trẻ làm trẻ bị bội nhiễm trên da, viêm kết mạc…
“Các bậc phụ huynh nên cho trẻ tiêm vaccine đầy đủ, đúng lịch cho con em mình. Riêng phụ nữ mang thai thường dễ mắc sởi cũng nên tiêm nhắc lại để tránh truyền bệnh từ mẹ sang con. Với người lớn có thể tiêm nhắc lại 5 năm/lần”, BS Kính nói.
Theo THIÊN LAM/nhandan.com.vn