Trong gần một tuần qua, Thủ đô Hà Nội đã tiếp đón gần 3.000 phóng viên quốc tế đến từ hơn 200 hãng thông tấn, báo chí lớn trên thế giới đưa tin về Hội nghị cấp cao Hoa Kỳ - Triều Tiên lần hai. Việc đăng cai và tổ chức thành công sự kiện này đã khẳng định vị thế ngày càng cao của đất nước ta trên trường quốc tế, tăng cường khả năng thu hút đầu tư và nhất là quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới, là cơ hội vàng thúc đẩy du lịch phát triển.
Ðược biết, trong số các phóng viên quốc tế tới tác nghiệp, hơn một nửa đến từ Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc (những quốc gia đóng góp 70% tổng lượng khách quốc tế tới Việt Nam). Vì thế, làm tốt công tác quảng bá du lịch chính là cách xúc tiến tại chỗ hữu hiệu nhất, đẩy mạnh tăng trưởng khách quốc tế đến từ những thị trường trọng điểm.
Trung tâm báo chí quốc tế đã dành một không gian trưng bày các ấn phẩm, quà tặng truyền thống Việt Nam. Vi-đê-ô, tích hợp công nghệ trải nghiệm thực tế ảo giới thiệu về các danh thắng, di sản, văn hóa Việt Nam đã được dựng lên để các phóng viên có thể trải nghiệm tại chỗ. Bên cạnh đó, những món ăn truyền thống, đặc trưng của ẩm thực Việt Nam được phục vụ miễn phí; những tua du lịch tham quan Hà Nội, Ninh Bình, Quảng Ninh được thiết kế miễn phí dành riêng cho phóng viên, giúp họ có trải nghiệm thực tế sống động về chất lượng dịch vụ, hình ảnh điểm đến… Hiệu ứng tích cực thu về là trên các kênh truyền thông quốc tế uy tín đã đưa dày đặc hình ảnh đẹp về thiên nhiên, văn hóa đất nước, con người Việt Nam. Xuất hiện liên tục trên các bản tin của tờ New York Times (Mỹ) những ngày qua là hình ảnh thân thiện, mến khách của người dân TP Hà Nội cùng những điểm đến như: Bảo tàng Lịch sử, phố cổ Hà Nội… Hãng tin CNN (Mỹ) dành cả loạt bài giới thiệu kinh nghiệm du lịch Hà Nội và những món ăn truyền thống Việt Nam như bún chả, chả cá, bánh tôm… Lịch sử khách sạn Metropole cũng được giới thiệu khá chi tiết trên tờ Straits Times (Xin-ga-po).
Ngày 1-3, ngay sau khi Hội nghị cấp cao Hoa Kỳ - Triều Tiên kết thúc, nhiều đoàn khách là các phóng viên quốc tế đã đi tham quan các danh thắng Tràng An (Ninh Bình), Hạ Long (Quảng Ninh) và thể hiện sự thích thú, thán phục trước phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp và con người Việt Nam thân thiện, mến khách. Nhiều phóng viên cho biết, ngay khi về nước, họ sẽ có bài viết giới thiệu về các địa điểm du lịch hàng đầu của Việt Nam. Chúng ta đã có một cơ hội quảng bá tuyệt vời về hình ảnh đất nước, con người Việt Nam tới bạn bè thế giới.
Tuy nhiên, điều khiến nhiều người quan tâm hơn là ngành du lịch Việt Nam sẽ có những động thái gì để khai thác đón nhận thành quả có được từ những hiệu ứng sau hội nghị.
Nhìn sang Xin-ga-po, sau đăng cai Hội nghị cấp cao Hoa Kỳ - Triều Tiên lần một (tháng 6-2018), ngành du lịch nước này đã có bước tạo đà mạnh mẽ để “cất cánh”. Nhờ sức lan tỏa từ hội nghị, Xin-ga-po đã có thêm hai triệu lượt tìm kiếm trên Google tại Mỹ. Năm 2018, lượng khách quốc tế đến Xin-ga-po đã đạt mức kỷ lục với 18,5 triệu lượt. Tất nhiên, đó là kết quả hợp thành từ nhiều yếu tố trong tổng thể ngành du lịch Xin-ga-po, trong đó có cả việc tận dụng khai thác một cách hiệu quả cơ hội mang lại.
Việt Nam đã làm khá tốt công tác quảng bá du lịch từ Hội nghị cấp cao Hoa Kỳ - Triều Tiên lần hai. Ðại diện Tổng cục Du lịch cho biết, sắp tới sẽ tổ chức một loạt các hoạt động xúc tiến du lịch lớn tại Mỹ, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản..., trong đó lấy việc tổ chức thành công Hội nghị cấp cao Hoa Kỳ - Triều Tiên lần hai làm điểm nhấn để gia tăng ảnh hưởng tích cực tại các thị trường trọng điểm, tăng cường thu hút khách du lịch. Song nếu muốn du lịch Việt Nam thật sự tạo dấu ấn thì thu hút khách tới thôi chưa đủ, điều quan trọng là cần tiếp tục hoàn thiện chất lượng dịch vụ, nhất là khi thời gian qua, các yếu tố về hạ tầng, sản phẩm, nhân lực du lịch, tính chất “mở” của chính sách visa vẫn luôn được xác định là những “điểm nghẽn” cản trở sự phát triển du lịch. Tổ chức tốt Hội nghị cấp cao Hoa Kỳ - Triều Tiên góp phần khẳng định Việt Nam là điểm đến an toàn, thân thiện; Việt Nam đủ năng lực để tổ chức những sự kiện quốc tế quan trọng, đẳng cấp, cũng là cơ hội đẩy mạnh thu hút dòng khách đến tham quan theo loại hình MICE (du lịch kết hợp tham gia hội nghị, hội thảo, triển lãm...). Ðây là dòng khách được nhiều nước quan tâm bởi có thời gian lưu trú, chi tiêu khá ổn định. Nhưng muốn trở thành điểm đến của du lịch MICE, ngoài yếu tố cảnh quan, lịch sử, văn hóa, thì môi trường du lịch còn phải thỏa mãn đòi hỏi khắt khe về an ninh, an toàn. Và để có được môi trường du lịch văn minh, lành mạnh, ngành du lịch Việt Nam cần nhiều nỗ lực hơn nữa để nâng cao ý thức của cộng đồng những người làm du lịch và liên quan đến du lịch nói chung.
Theo TRANG ANH/nhandan.com.vn