Những năm qua, tỉnh Phú Thọ đã tập trung mọi nguồn lực, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, phấn đấu đưa du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế chủ lực của tỉnh, tạo khâu đột phá then chốt như Nghị quyết Đảng bộ tỉnh đã đề ra.
Trình diễn Hát Xoan tại đình Hùng Lô, TP Việt Trì. Ảnh: PHƯƠNG THANH
Tìm hướng phát huy tiềm năng, thế mạnh
Là mảnh đất cội nguồn với nhiều di tích, di sản văn hóa quốc gia, Phú Thọ được đánh giá là "vùng đất vàng" cho phát triển du lịch. Trên địa bàn tỉnh hiện có 1.372 di tích văn hóa, lịch sử và các địa điểm liên quan đến di tích, trong đó có một di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, 72 di tích cấp quốc gia, 209 di tích cấp tỉnh, 260 lễ hội mang nét văn hóa đặc trưng vùng đất Tổ. Trong đó, Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Ðền Hùng là một không gian văn hóa thiêng liêng của dân tộc; hai di sản văn hóa thế giới là "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương" và "Hát Xoan Phú Thọ" là điểm nhấn để Phú Thọ xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có Vườn quốc gia Xuân Sơn, mỏ nước khoáng nóng Thanh Thủy, đền Mẫu Âu Cơ, chùa Tam Giang, ao Giời - suối Tiên, đầm Ao Châu... Tất cả đã tạo cho Phú Thọ một tiềm năng lớn về du lịch, có thể phát triển đa dạng các loại hình du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử, tham quan, nghỉ dưỡng.
Tuy nhiên, theo các nhà quản lý và đại diện các công ty du lịch lữ hành, mặc dù là địa phương có nhiều tiềm năng lợi thế để phát triển du lịch, song trong những năm qua, du lịch Phú Thọ vẫn chưa phát huy hết lợi thế để ngành công nghiệp không khói thật sự cất cánh. Nhiều danh lam, thắng cảnh chưa được khơi dậy và khai thác hết tiềm năng; Vườn quốc gia Xuân Sơn (huyện Tân Sơn), đầm Ao Châu, ao Giời - suối Tiên (huyện Hạ Hòa) vẫn là những "nàng công chúa ngủ quên", chưa phát triển tương xứng tiềm năng vốn có.
Ðể thật sự trở thành điểm du lịch hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế, tỉnh Phú Thọ đang nỗ lực tìm giải pháp khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ Nguyễn Ðắc Thủy cho biết, Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ 18 xác định phát triển du lịch là một trong bốn khâu đột phá của giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã huy động khoảng 4.300 tỷ đồng đầu tư phát triển du lịch, trong đó tập trung nâng cấp hạ tầng giao thông kết nối đến bốn trung tâm du lịch trọng điểm của tỉnh là TP Việt Trì và các huyện: Thanh Thủy, Tân Sơn, Hạ Hòa.
Bên cạnh đó, các khu, điểm du lịch tại trung tâm TP Việt Trì, Khu di tích lịch sử Ðền Hùng, Khu du lịch nước khoáng nóng Thanh Thủy, Khu du lịch Vườn quốc gia Xuân Sơn, khu vực huyện Hạ Hòa và đền Mẫu Âu Cơ... cũng được đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật khang trang. Qua đó, đã kết nối giao thông thuận tiện với các khu, điểm du lịch của tỉnh với các tỉnh, thành phố trong khu vực, góp phần thu hút du khách đến với đất Tổ. Tỉnh cũng đưa ra nhiều cơ chế ưu đãi, chính sách thông thoáng thu hút đầu tư, khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh du lịch, phát triển khu, điểm du lịch của tỉnh; phát triển du lịch cộng đồng; hỗ trợ các cơ sở sản xuất sản phẩm, sản vật đặc trưng, quà tặng lưu niệm.
Nhiều đoàn khách quốc tế đến tham quan và trải nghiệm tại làng nón Gia Thanh, huyện Phù Ninh.
Với cách làm này, trong những năm qua, tỉnh đã thu hút hơn 30 lượt doanh nghiệp đến khảo sát, nghiên cứu, đánh giá, tìm kiếm cơ hội đầu tư thương mại, du lịch. Trong đó, đã có 10 dự án được UBND tỉnh thông qua chủ trương đầu tư với tổng mức đầu tư gần 500 tỷ đồng. Ðến thời điểm này, toàn tỉnh có gần 300 cơ sở lưu trú với hơn 3.700 phòng, 33 khách sạn (năm khách sạn từ ba đến năm sao), cơ bản đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch.
Xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù
Thời gian qua, tỉnh Phú Thọ đã có nhiều giải pháp để tìm được hướng đi phù hợp cho phát triển du lịch như xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, liên kết hình thành các tua, tuyến du lịch hấp dẫn, phù hợp điều kiện thực tế của địa phương. Qua đó, lượng khách du lịch đến Phú Thọ ngày càng tăng lên, nhiều điểm trở thành địa chỉ tin cậy, thu hút du khách trong những ngày nghỉ lễ của đất nước.
Chị Nguyễn Thu Trang, du khách ở Hà Nội cho biết, thời gian gần đây, vào các dịp lễ, Tết, gia đình chị thường đến một số điểm du lịch ở Phú Thọ, trong đó có Vườn quốc gia Xuân Sơn để khám phá cảnh rừng núi kỳ vĩ; được cùng ăn, cùng ở với người dân bản địa, tìm hiểu về văn hóa, tham gia các hoạt động cộng đồng cho chị nhiều trải nghiệm thú vị. Chị Hồ Thị Nhung, Việt kiều đến từ Ðức, chia sẻ, mỗi dịp về Việt Nam, chị cùng người thân trải nghiệm du lịch cộng đồng (homestay) ở Xuân Sơn và cảm thấy rất thích thú! Anh Nguyễn Anh Tuấn đến từ TP Hồ Chí Minh cho biết, sau khi thăm Khu di tích lịch sử Ðền Hùng, thưởng thức những làn Xoan mượt mà, ấm áp tại miếu Lãi Lèn, trên đường vào Xuân Sơn, anh và nhóm bạn được thưởng ngoạn những rừng cọ, đồi chè xanh mướt và không gian văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Dao, Mường nơi đây.
Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh Phú Thọ Phùng Thị Hoa Lê cho biết, hiện nay Phú Thọ đã hình thành được ba dòng sản phẩm du lịch đặc thù gồm: Du lịch văn hóa tâm linh gắn với Việt Trì mà điểm nhấn là Khu di tích lịch sử Ðền Hùng và hai di sản văn hóa là Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Hát Xoan; nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí gắn với khu nước khoáng nóng Thanh Thủy và du lịch sinh thái cộng đồng gắn với Vườn quốc gia Xuân Sơn, đầm Ao Châu. Những dòng sản phẩm du lịch này đang từng bước phát huy hiệu quả, thu hút du khách, đưa du lịch Phú Thọ có mặt trên bản đồ du lịch cả nước với các sản phẩm du lịch tâm linh, nghỉ dưỡng và du lịch cộng đồng. Cùng với đó, tỉnh tập trung khai thác các tuyến du lịch liên tỉnh theo cung đường các tỉnh Tây Bắc; xây dựng tuyến du lịch tâm linh dọc sông Hồng, qua ba tỉnh Lào Cai - Yên Bái - Phú Thọ và nhiều tuyến du lịch kết nối với các điểm du lịch trong cả nước... Với cách làm đó, năm 2018, tỉnh Phú Thọ đón hơn tám triệu lượt khách tham quan và thực hành tín ngưỡng, phục vụ 580 nghìn lượt khách lưu trú, trong đó 7.200 lượt khách quốc tế. Doanh thu từ du lịch dịch vụ đạt khoảng 3.000 tỷ đồng, thu hút hơn 13.000 lao động trực tiếp và gián tiếp.
Tuy nhiên, quá trình tìm hướng đi trong phát triển du lịch còn gặp không ít khó khăn do công tác thu hút doanh nghiệp lớn đầu tư vào du lịch còn hạn chế, việc đầu tư các điểm du lịch cộng đồng còn manh mún, cơ chế khuyến khích phát triển du lịch chưa rõ nét; các sản phẩm du lịch đặc thù chưa được quan tâm đầu tư, chưa thật sự hút khách; nguồn nhân lực cho phát triển du lịch còn thiếu và yếu; các sản phẩm, đặc sản địa phương tại các điểm du lịch chưa được địa phương quan tâm...
Trong thời gian tới, tỉnh Phú Thọ tập trung ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng then chốt tại các trung tâm du lịch, chú trọng đầu tư nguồn lực, phấn đấu xây dựng Việt Trì trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam; gắn kết các di sản văn hóa được UNESCO ghi danh với các khu sinh thái nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí; khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, phát triển khu, điểm du lịch của tỉnh; hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng; có cơ chế hỗ trợ các cơ sở sản xuất sản phẩm, sản vật đặc trưng của tỉnh, quà tặng lưu niệm. Nâng cao và đẩy mạnh việc xây dựng sản phẩm du lịch gắn việc khai thác, phát huy giá trị hai di sản văn hóa phi vật thể là Hát Xoan Phú Thọ và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Tăng cường liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp lữ hành hoạt động theo chuỗi sản phẩm ở trong và ngoài tỉnh, xây dựng các tua du lịch có sức thu hút, hấp dẫn khách du lịch đến Phú Thọ; khuyến khích các cơ sở, đơn vị kinh doanh du lịch tăng cường đào tạo và thu hút nguồn nhân lực du lịch chất lượng, góp phần đưa du lịch Phú Thọ ngày càng phát triển, tương xứng với tiềm năng, lợi thế.
BÀI VÀ ẢNH: NGỌC LONG
Theo nhandan.com.vn