Cập nhật: 09/03/2019 09:35:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Điều trị ARV thông qua BHYT sẽ là nguồn tài chính bền vững để người nhiễm HIV tiếp tục được điều trị với chi phí hợp lý và phù hợp.

Theo tổng hợp từ các tỉnh/thành phố, tỷ lệ bệnh nhân HIV điều trị ARV có thẻ BHYT tăng lên nhanh chóng từ 30% (2015) lên 90% hiện nay. Nhiều tỉnh, thành phố đạt 100% bệnh nhân đang điều trị ARV có thẻ BHYT. Điều trị ARV thông qua BHYT sẽ là nguồn tài chính bền vững để người nhiễm HIV tiếp tục được điều trị với chi phí hợp lý và phù hợp với hầu hết người dân Việt Nam. Phóng viên VOV đã có cuộc phỏng vấn TS Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/ADIS về nội dung này.

PV: Xin ông cho biết lợi ích của điều trị ARV ở người nhiễm HIV/AIDS?

TS Hoàng Đình Cảnh: Điều trị ARV mang lại sức khỏe, giảm tử vong, nâng cao tuổi thọ cho người nhiễm HIV. Điều trị ARV cũng giúp giảm lây truyền HIV do khi điều trị bằng thuốc ARV số lượng vi rút HIV trong máu của người nhiễm HIV giảm xuống mức thấp. Khoa học đã chứng minh khi tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện tức dưới 200 bản sao/ml máu sẽ không có lây truyền HIV qua quan hệ tình dục. Phụ nữ mang thai bị nhiễm HIV nếu được điều trị ARV sớm thì có đến 98% trẻ em sinh ra không bị nhiễm HIV. Điều trị ARV sớm còn đem lại lợi ích kinh tế cho bệnh nhân và xã hội.

TS Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/ADIS.

PV: Ông có thể cho biết lợi ích của sử dụng BHYT trong khám, chữa bệnh đối với người nhiễm HIV/AIDS như thế nào?

TS Hoàng Đình Cảnh: Người nhiễm HIV tham gia BHYT có ý nghĩa rất quan trọng, bởi vì người nhiễm HIV phải điều trị bằng thuốc kháng virus liên tục, suốt đời, bên cạnh đó họ còn hay bị mắc các nhiễm trùng cơ hội hoặc mắc bệnh tật. Chi phí điều trị HIV/AIDS bao gồm thuốc ARV, các xét nghiệm CD4, tải lượng virus, các xét nghiệm chức năng gan, thận...  Số tiền mua thẻ BHYT nhỏ hơn nhiều so với số tiền họ được hưởng khi điều trị HIV/AIDS. Vì vậy, tham gia BHYT đem lại nhiều lợi ích cho người dân nói chung, đặc biệt có ý nghĩa giảm gánh nặng tài chính với người nhiễm HIV.

PV: Thưa ông, việc điều trị ARV thông qua BHYT có ý nghĩa như thế nào đối với ngành y tế nói chung và công cuộc phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam nói riêng trong bối ảnh hiện nay?

TS Hoàng Đình Cảnh: Điều trị ARV đã triển khai tại Việt Nam hơn 10 năm nay, hầu hết từ nguồn tài trợ quốc tế. Hiện nay, có trên 115.000 người nhiễm HIV đang được điều trị ARV và con số này sẽ ngày một tăng. Trong khi đó, nguồn viện trợ đang giảm dần và sẽ kết thúc vào năm 2018. Trước bối cảnh đó, Chính phủ đã chủ trương sử dụng BHYT là nguồn thay thế và chỉ đạo các địa phương phải đảm bảo 100% người nhiễm có thẻ BHYT.

Người nhiễm HIV thuộc rất nhiều các đối tượng khác nhau và sẽ tham gia BHYT theo các nhóm đối tượng đã quy định trong Luật BHYT. Tuy nhiên, phần đông người nhiễm HIV thuộc nhóm người không được hỗ trợ của nhà nước mà phải tham gia BHYT theo hộ gia đình. Các địa phương cân đối kinh phí hỗ trợ cho những đối tượng thuộc hộ cận nghèo, khó khăn để đảm bảo 100% người nhiễm có thẻ BHYT.

Điều trị ARV thông qua BHYT sẽ là nguồn tài chính bền vững để người nhiễm HIV tiếp tục được điều trị với chi phí hợp lý và phù hợp.

Với chủ trương BHYT toàn dân việc điều trị ARV thông qua BHYT sẽ khuyến khích mọi người tham gia trong đó bao gồm cả người nhiễm HIV vì BHYT không chỉ phục vụ khám điều trị HIV/AIDS hay cấp thuốc ARV mà còn để khám và chữa các bệnh khác.

Điều trị ARV là điều trị liên tục và suốt đời nếu không tham gia BHYT người nhiễm HIV sẽ phải chi trả khoản kinh phí lớn hàng năm. Vì vậy, điều trị ARV thông qua BHYT sẽ là nguồn tài chính bền vững để người nhiễm HIV tiếp tục được điều trị với chi phí hợp lý và phù hợp với hầu hết người dân Việt Nam.

PV: Hiện, các cơ sở khám, chữa bệnh đã chuẩn bị như thế nào để chuyển đổi khám và điều trị HIV/AIDS qua BHYT, thưa ông?

TS Hoàng Đình Cảnh: Với sự hỗ trợ kỹ thuật của các dự án, đối tác quốc tế, đến nay hơn 90% cơ sở điều trị HIV/AIDS đã kiện toàn để được ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT, khoảng 85% cơ sở điều trị đã thanh toán ít nhất một dịch vụ từ nguồn quỹ BHYT. Năm 2019, năm đầu tiên sẽ triển khai khám chữa bệnh BHYT ở 188 cơ sở, dự kiến đến hết năm 2019 sẽ có 48.000 bệnh nhân nhận thuốc ARV từ BHYT.

Hôm nay (8/3), những bệnh nhân nhiễm HIV đầu tiên chính thức nhận thuốc ARV từ nguồn bảo hiểm y tế.

Bộ Y tế đang phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng cơ sở dữ liệu bệnh nhân điều trị ARV phục vụ cho việc theo dõi thanh toán thuốc ARV nguồn BHYT và thiết lập hệ thống thông tin quản lý đến từng bệnh nhân tham gia điều trị ARV để tránh tình trạng nhận thuốc nhiều nguồn.

Để người nhiễm HIV hiểu và chủ động tham gia bảo hiểm y tế,  Bộ Y tế đã triển khai mạnh mẽ công tác truyền thông bằng các kênh truyền thông trực tiếp và đại chúng nhằm cung cấp thông tin về lợi ích của điều trị ARV, lợi ích của điều trị ARV sớm, lợi ích và quyền lợi khi tham gia BHYT để được điều trị liên tục tới người nhiễm HIV nhằm khuyến khích, vận động người nhiễm HIV tự tham gia BHYT. Các nhân viên y tế đã được cung cấp đầy đủ thông tin về BHYT và điều trị ARV và được tập huấn nhằm tăng cường kỹ năng tư vấn, truyền thông, giáo dục cho người nhiễm HIV tầm quan trọng tham gia BHYT và tự nguyện tham gia BHYT.

PV: Xin ông cho biết, hiện việc thực hiện chi trả thuốc ARV qua BHYT cho người nhiễm HIV còn gặp những khó khăn gì và những giải pháp trong thời gian tới?

TS Hoàng Đình Cảnh: Theo quy định tại khoản 1, Điều 22 của Luật BHYT năm 2008, người tham gia BHYT phải đồng chi trả chi phí KCB tùy theo các nhóm đối tượng tham gia BHYT. Do đó, người nhiễm HIV có thẻ BHYT có trách nhiệm cùng chi trả tiền thuốc ARV theo quy định. Tuy  nhiên, việc cùng chi trả là rất khó khăn cho người nhiễm HIV. Bởi hầu hết bệnh nhân HIV/AIDS đều ở mức thu nhập thấp. Điều trị ARV là điều trị liên tục và suốt đời. Đây là một thách thức lớn cho bệnh nhân. Bên cạnh đó trong bối cảnh còn nhiều nguồn thuốc hỗ trợ miễn phí và để tiếp cận công bằng giữa các nhóm bệnh nhân có thẻ BHYT và không có thẻ BHYT, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 2188 ngày 15/11/2016 quy định các địa phương đảm bảo các nguồn ngân sách cho hỗ trợ phần cùng chi trả thuốc ARV.

Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã có công văn số 380/AIDS-VP ngày 30/5/2018 hướng dẫn các tỉnh, thành phố xây dựng  kế hoạch đảm bảo kinh phí mua thẻ BHYT và hỗ trợ đồng chi trả thuốc ARV giai đoạn 2018-2020. Hiện nay đã có 35/63 tỉnh thành phố được cấp thẩm quyền phê duyệt kế hoạch hỗ trợ mua thẻ (gần 30.000 thẻ đã được mua và cấp cho người nhiễm HIV). 18/63  tỉnh thành phố phê duyệt ngân sách cho hỗ trợ đồng chi trả thuốc ARV. Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã đề xuất và được Quỹ toàn cầu phê duyệt hỗ trợ mua thẻ BHYT và đồng chi trả thuốc ARV cho 32 tỉnh dự án và 16 tỉnh ngoài dự án trong giai đoạn 2019-2020.

Vâng xin cảm ơn ông!./.

Theo Thy Hạt/VOV.VN

Tệp đính kèm