Với chủ đề “Tinh hoa đại ngàn”, Lễ hội được tổ chức nhằm tiếp tục quảng bá thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột.
Tối 9/3, tại Quảng trường 10-3, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019 đã khai mạc. Phó Thủ tướng Thường trực chính phủ Trương Hòa Bình; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương và lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk qua các thời kỳ; đại diện các đơn vị sản xuất, chế biến và xuất khẩu cà phê trong nước và quốc tế cùng đông đảo đồng bào các dân tộc trong và ngoài tỉnh tham dự.
Chiều 9/3, tại thành phố Buôn Ma Thuột đã diễn ra Lễ hội đường phố. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột.
Với chủ đề “Tinh hoa đại ngàn”, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019 được tổ chức nhằm tiếp tục quảng bá thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột, góp phần nâng tầm giá trị và khẳng định vị thế cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới. Đặc biệt, điểm nổi bật của Lễ hội lần này là chú trọng quảng bá phát triển cà phê đặc sản Việt Nam, từng bước đưa Buôn Ma Thuột trở thành điểm đến của cà phê thế giới.
Theo diễn văn khai mạc của ông Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk , sau 44 năm giải phóng, diện tích cà phê của Đăk Lăk đã ổn định ở mức trên 200.000 ha, sản lượng 460.000 tấn, tăng gấp hàng trăm lần so với trước giải phóng.
Hiện cà phê vẫn là cây trồng chủ lực của kinh tế Đắk Lắk, đóng góp lớn vào sản lượng 1,9 triệu tấn của cả nước và doanh thu 3,5 tỷ USD, đồng thời thúc đẩy phát triển các lĩnh vực phụ trợ như công nghiệp chế biến, thương mại, dịch vụ. Qua 7 lần tổ chức Lễ hội, ngành cà phê ngày càng tạo ra sức hút lớn đối với các đối tác đầu tư, kinh doanh trong và ngoài nước.
Tại lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đánh giá cao những đóng góp của ngành cà phê vào sự phát triển kinh tế đất nước. Phó Thủ tướng cũng ghi nhận những cố gắng của Đảng bộ, nhân dân các dân tộc Đắk Lắk trong xây dựng kinh tế, phát triển một ngành cà phê mạnh, góp phần tạo nên vị thế lớn của ngành cà phê Việt Nam hiện nay.
Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, có các giải pháp thực sự bứt phá và hiệu quả hơn nữa hoàn thành xuất sắc kế hoạch đề ra năm 2019 và kế hoạch 5 năm 2016-2020, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đề nghị tỉnh Đắk Lắk cùng với các tỉnh có trồng cà phê rà soát tổng thể việc phát triển ngành cà phê theo xu thế thị trường thế giới và bảo đảm các điều kiện sản xuất bền vững, đẩy mạnh cơ cấu lại cho ngành cà phê theo hướng phát triển sản xuất quy mô lớn, tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, khuyến khích và thu hút đầu tư tư nhân, tái canh cà phê.
Tăng cường áp dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao nhằm tăng năng suất chất lượng, giảm giá thành và thích ứng với biến đổi khí hậu. Khuyến khích phát triển cà phê đặc sản Việt Nam với tính chất là cà phê cao cấp có hương vị đặc biệt được đánh giá theo tiêu chuẩn Quốc tế, đáp ứng nhu cầu, xu thế tiêu thụ của thế giới và gia tăng giá trị cho cây cà phê nhất là tăng lợi nhuận trực tiếp cho người nông dân trồng cà phê.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cũng đề nghị các Bộ ngành Trung ương tích cực hơn nữa trong việc hỗ trợ cho các tỉnh về nghiên cứu khoa học, tạo cơ chế chính sách cho người trồng cà phê, sản xuất chế biến cà phê. Đề nghị Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam phát huy vai trò đầu mối để các tỉnh chia sẻ kinh nghiệm phát triển cà phê tạo ra những sản phẩm cà phê chất lượng, cạnh tranh lành mạnh với thị trường cà phê thế giới.
Tại Lễ khai mạc, tỉnh Đắk Lắk đón tiếp nhiều du khách trong nước và quốc tế, các vị lãnh đạo các bộ ngành, các lĩnh vực. Điều này càng khẳng định thêm vị thế của Đắk Lắk, vùng đất có lịch sử, văn hoá và địa chất từ rất lâu đời. Buôn Ma Thuột ngày nay đang khoác lên mình một diện mạo mới, vươn mình thành đô thị năng động, mang tầm vóc của đô thị hạt nhân của vùng Tây Nguyên./.
Theo Hương Lý/VOV.VN