Cập nhật: 11/03/2019 10:56:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nhờ có tình yêu nghề và khát khao cống hiến cho nghệ thuật, các diễn viên kịch luôn tìm thấy động lực để vượt qua những khó khăn hiện tại.

Sân khấu kịch nói đang đối mặt với tình trạng thiếu vắng khán giả, ít doanh thu. Dù vậy, vẫn có những sân khấu luôn sáng đèn. Điều này tạo hy vọng cho người làm nghề.

Khó khăn nhưng vẫn gắn bó với nghề

Một vở diễn được đầu tư, chuẩn bị công phu mà khi biểu diễn không nhận được sự hưởng ứng của công chúng sẽ là một rào cản đối với cảm xúc của diễn viên. Họ khó tránh khỏi cảm giác chán nản, tự ti khi màn diễn của mình không được đón đợi như mong muốn.

Khó khăn nhưng vẫn gắn bó với nghề.

Dù vậy, nhờ có tình yêu nghề và khát khao cống hiến cho nghệ thuật, họ luôn tìm thấy động lực để vượt qua những khó khăn hiện tại. Ca sĩ Long Nhật sau khi tham gia nhiều dự án kịch chia sẻ: “Kịch nói tưởng là dễ nhưng khi đứng trên sân khấu mới thấm cái cực của nghề diễn. Đối với tôi, mỗi vai diễn là một bài học. Dù thế nào tôi vẫn rất yêu nghiệp diễn, giống như câu thoại: “Đã sinh ra kiếp con tằm/Tơ không vương nữa vẫn nằm trong tơ”.

Cùng chung bầu nhiệt huyết và tình yêu nghề như các đồng nghiệp, NS Kim Quý từng công tác tại Nhà hát kịch Quân đội chia sẻ: “Có lúc đi diễn phải tự bỏ tiền túi ra may quần áo, thậm chí diễn không có cát-sê nhưng tôi cũng như nhiều chị em nghệ sĩ khác vẫn không thể bỏ nghề”.

Trau chuốt cho từng vai diễn

Dù phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức trong cuộc sống, nghệ sĩ vẫn luôn trau chuốt cho từng vai diễn. Nhiều lúc họ tìm ra cách thể hiện tốt nhất từ những điều nhỏ bé mà họ quan sát trong cuộc sống. Như tâm sự của nghệ sĩ hài Kim Xuyến: “Nghệ sĩ muốn thể hiện tốt nhân vật phải biết quan sát cuộc sống, theo kịp thời đại. Nếu chịu khó quan sát, nghệ sĩ sẽ diễn nhân vật nào ra nhân vật đấy, ví như diễn người dở thì diễn ra sao, người bán hàng thì như thế nào… Đã là nghệ sĩ, không được lướt qua những cái gì mình nhìn thấy ngoài cuộc sống”.

Trước yêu cầu của thực tế công việc cũng như sự đòi hỏi của khán giả, người nghệ sĩ ngày nay đã chủ động hơn để tạo sự mới mẻ cho mình. Sự mới mẻ đó không phải chỉ là sự tươi trẻ, đẹp đẽ ở vẻ bề ngoài mà còn là việc am hiểu về văn hóa, xã hội, sự phong phú về tâm hồn. Luôn có được những suy nghĩ đúng đắn, tích cực để thấy công việc mình làm ý nghĩa hơn như chia sẻ của NSƯT Tiến Quang: “Sân khấu cũng như xã hội thu nhỏ, chúng tôi dùng nghệ thuật để phản ánh cuộc đời.

Diễn viên cùng tham gia xây dựng kịch bản

Nhiều người cho rằng, công việc của người diễn viên không có nhiều sáng tạo bởi họ chỉ cần thực hiện theo các dạng vai mẫu hoặc làm theo chỉ dẫn của đạo diễn. Nhận xét đó là hoàn toàn sai lầm. Không có môn nghệ thuật nào có thể thiếu vắng sự sáng tạo. Họ sáng tạo trong sự cân đối giữa một bên là yêu cầu của đạo diễn và một bên là sở trường và quan niệm nghệ thuật của mình. Chỉ khi nào đạt đến sự hài hòa của cả hai yếu tố này họ mới thực sự có được sự thăng hoa trên sân khấu.

Trong nhiều vở diễn gần đây, đặc biệt là với các ê-kip trẻ, đạo diễn thường có xu hướng cho diễn viên cùng tham gia xây dựng nhân vật. Thông qua sự trao đổi, tương tác và cùng đưa ra những phương án tốt nhất, họ sẽ tạo được mẫu hình nhân vật tốt nhất. Diễn viên Khuất Quỳnh Hoa, Nhà hát Kịch Việt Nam chia sẻ: “Chúng tôi thường trao đổi với đạo diễn về vai diễn. Điều này giúp chúng tôi hiểu sâu hơn về vai diễn. Có như vậy khi diễn mới không bị cảm giác gượng gạo”.

Sự cởi mở về vai trò của diễn viên đã mang lại nhiều tác dụng. Và các đạo diễn ngày nay luôn có xu hướng phân vai dựa trên năng lực và sở trường của diễn viên nhiều hơn là dựa vào các yêu cầu chủ quan của mình. Cách làm việc này đôi khi làm đảo lộn trình tự vốn đã có sẵn từ rất lâu. Sự thay đổi này đặt người diễn viên vào vị trí trung tâm của sự sáng tạo và thúc đẩy họ làm việc tốt hơn. Khi đó, khoảng cách giữa người nghệ sĩ và nhân vật trong vở diễn sẽ được rút ngắn.

Từng làm việc trong dự án hợp tác giữa Nhà hát Kịch Việt Nam với một đơn vị sân khấu của Nhật Bản, nghệ sĩ Phương Nga tỏ ra khá tâm đắc: “Họ tìm hiểu xem diễn viên làm việc như thế nào, cách làm việc ra sao, cảm nhận về kịch bản có tốt không? Rồi xem xét năng khiếu của từng người để đề xuất những vai diễn phù hợp”.

Để đảm bảo tính hấp dẫn, nhiều vở diễn gần đây đã được tăng cường thêm các yếu tố hình thể, âm nhạc và hiệu ứng sân khấu. Điều này làm khán giả có cảm giác được tận hưởng một thực đơn nghệ thuật đầy đặn hơn.

Có ý kiến cho rằng, làm như vậy sẽ phá vỡ những nguyên tắc cơ bản của kịch nói, biến tác phẩm thành một nồi lẩu thập cẩm. Nếu đạo diễn không có ý đồ xuyên suốt thì nhận xét này là đúng.

Tuy nhiên nếu làm giỏi, cách đó sẽ tạo hiệu ứng tốt cho người xem. Để đảm nhận được vai diễn trong các tác phẩm như thế, diễn viên phải đạt chuẩn về đài từ, phải biết sử dụng nhiều hơn ngôn ngữ cơ thể, có thể hát, nhảy, múa bất kỳ khi nào.

Khán giả ngày nay khi đến nhà hát, họ muốn được đắm chìm trong một không gian nghệ thuật thực sự. Cùng với nhịp sống nhanh, hối hả, những yêu cầu họ đặt ra cho tác phẩm cũng có phần cao hơn trước đây. Vì vậy, nghệ sĩ phải rất đa năng để mang đến cho khán giả câu chuyện của ngày hôm nay, bằng nhịp độ của cuộc sống hiện tại./.

Theo Vũ Nga/VOV.VN

Tệp đính kèm