Cập nhật: 20/03/2019 10:34:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Chấn thương đám rối thần kinh cánh tay khiến cho trẻ khi sinh ra đã bị liệt tay. Chấn thương gây ra rất nhiều khó khăn trong vận động cũng như sinh hoạt của trẻ và nếu không điều trị trẻ lớn lên sẽ bị tàn tật một bên tay.

Phẫu thuật chỉnh hình chấn thương đám rối thần kinh cánh tay là một trong những kỹ thuật rất khó, trước kia cần có các chuyên gia nước ngoài trực tiếp mổ hoặc hỗ trợ. Hiện nay Việt Nam cũng đã làm chủ được những kỹ thuật tiên tiến này. Theo thống kê, tỷ lệ mắc phải chấn thương này là 1-1,2% số trẻ đẻ ra. Tuy nhiên, nếu phẫu thuật sớm, chức năng cánh tay sẽ phục hồi được khoảng 80-85%.

Bé Bùi Huy Việt (9 tháng tuổi, quê Gia Lai) vừa được các bác sĩ phẫu thuật chữa liệt tay. Bố của Việt cho biết, khi mới sinh ra, gia đình đã phát hiện tay cháu bé không cựa quậy. Sáu ngày tuổi, gia đình đưa cháu xuống Bệnh viện tỉnh Nghệ An chụp chiếu nhưng không phát hiện bị tổn thương đám rối thần kinh cánh tay.

“Con tôi nằm viện sáu tháng để tập phục hồi chức năng. Sau đó gia đình cho con vào một bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh cũng không phát hiện ra. Gia đình quyết định cho cháu ra Bệnh viện Nhi Trung ương và phát hiện ra bệnh và được chỉ định mổ. Khi phát hiện ra bệnh, gia đình vừa mừng, vừa lo vì lo không biết sau phẫu thuật cháu sẽ như thế nào”, bố Việt cho hay.

Thạc sĩ Hoàng Hải Đức, Trưởng khoa Chỉnh hình nhi, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bé Việt ở độ tuổi phẫu thuật tốt. Kết quả phim chụp MRI cho thấy, bé bị tổn thương đứt rễ dây thần kinh C5-C6, có bật nhổ rễ C7-C8, tổn thương khá nặng. Khám lâm sàng cho thấy, bé có triệu chứng vai khép, hoàn toàn không dang vai, gấp duỗi khuỷu tay. Việc cử động ngón tay hạn chế.

Theo BS Đức, tổn thương này hay gặp ở trường hợp trẻ sinh khó, thai to, ngôi ngược. Khi bác sĩ cần phải đưa trẻ ra sớm có những tác động đưa bé ra nhanh làm tổn thương đám rối.

“Tùy mức độ tổn thương, trong vòng ba tháng đầu có thể có bé phục hồi dần. Nếu tổn thương nặng không thể phục hồi thì phải có phương tiện chẩn đoán xác định mức độ tổn thương. Nếu bị đứt dây thần kinh, nhổ rễ thần kinh tạo khối xơ không thể phục hồi thì phải tiến hành phẫu thuật”, BS Đức nói.

Thời điểm vàng để phẫu thuật cho trẻ là từ 3-9 tháng, tốt nhất trước 6 tháng tuổi vì khả năng phục hồi tốt hơn sau phẫu thuật. Khi đó bó sợi thần kinh còn đường dẫn, sau khi nối còn mọc xuống, nếu để lâu bị thoái hóa thì việc mọc bó sợi thần kinh từ trên xuống khó khăn hơn.

Phẫu thuật chỉnh hình chấn thương đám rối thần kinh tay là một kỹ thuật khó, các bác sĩ sẽ lấy một đoạn thần kinh ở cẳng chân để chia thành các đoạn ghép nối lên trên tay vào vùng đám rối bị tổn thương.

Kể từ khi Việt Nam chủ động triển khai kỹ thuật này, từ 2016 đến nay, Bệnh viện Nhi Trung ương đã phẫu thuật khoảng 40 trường hợp, tỷ lệ phục hồi khoảng 70-80%, có trẻ phục hồi toàn bộ cánh tay. Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo, cha mẹ cần phát hiện và đưa trẻ đến viện sớm khi thấy những bất thường ở tay trẻ như khó cử động, không gập duỗi được. Ba tháng đầu đa số tập phục hồi nếu không phục hồi mới chẩn đoán phẫu thuật.

Theo LÂM TRẦN/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm