Cập nhật: 20/03/2019 10:36:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Thành công với chỉ số rating cao ở một số phim truyền hình kịch bản thuần Việt năm 2018, sang năm 2019 nhiều dự án phim thuần Việt đã được lên khung.

Sau vài năm phim truyền hình kịch bản Việt bị trào lưu remake phim Hàn, Trung Quốc…, thêm các phim sitcom chèn ép làm cho mờ nhạt, thậm chí gần như chỉ le lói sống mòn, thì năm 2018 đã có nhiều phim thuần Việt lên sóng, một số phim đạt chỉ số raiting cao, một số phim còn đạt “đỉnh” số khán giả xem nhiều nhất.

Có thể kể tên các phim: "Nếu còn có ngày mai", "Những khúc sông dậy sóng", "Thương nhớ ở ai", "Ngày mai bình yên", "Cung đường tội lỗi", "Giọt nước của dòng sông", "Khép lại quá khứ", "Mộng phù hoa", "Con gái bố già", "Quỳnh búp bê", "Mật mã hoa hồng vàng", "Mỹ nhân Sài Thành", "Bên kia sông", "Nhà ông Hoàng có ma", "Con gái chị Hằng", "Trả giá", "Trái tim của sói", "Trả em kiếp này"…

Cảnh trong phim "Mùa cúc susi"

Phim thuần Việt chiếm sóng năm 2019?

Tuy không phải tất cả đều hay, và cũng chưa phải tạo “trend”, tạo “sóng”, nhưng  bước đầu ghi nhận các phim đã được đầu tư khá chỉn chu chất lượng, từ đề tài “nóng”, kịch bản hấp dẫn, đạo diễn đổi mới phong cách, diễn viên chuyên nghiệp hơn…, điều đó giúp cho phim truyền hình thuần Việt có chuyển biến lạc quan trong năm 2019.

Như được truyền cảm hứng, và thấy được những tín hiệu từ khán giả đang quan tâm đến những phim thuần Việt, các Hãng phim TFS (Đài Truyền hình TP.HCM- HTV), VFC (Đài Truyền hình VN-VTV) và các nhà  sản xuất tư nhân lâu năm có tiếng như: M&T Pictures, Mega GS, Aqua Blue…, cùng với một số Đài truyền hình mới như VTC (Đài Tiếng nói VN-VOV), hãng phim mới nhưng có thực lực đã và đang tiến hành đầu tư nhiều dự án phim kịch bản thuần Việt đình đám cho năm 2019.

Ngay từ đầu năm mới, là những sản phẩm thuần Việt trình khán giả màn ảnh nhỏ: "Cô Thắm về làng- phần 4", "Hoa cúc vàng trong bão", "Ngũ Hợi tấn hỉ", "Thế là Tết"… Hay dịp Tết Nguyên Đán Kỷ Hợi, VTC-VOV “chào sân” bằng hai phim thuần Việt, dù chỉ 5 tập/phim nhưng khá ấn tượng với chủ đề văn hóa truyền thống, chủ đề gia đình: Vương tơ, Bến bờ yêu thương.

Đặc biệt kênh HTVC- Thuần Việt với slogan: Phim Việt- Bản sắc Việt là kênh truyền hình giải trí chuyên biệt phát sóng các bộ phim truyền hình Việt đặc sắc, chia ra 3 khung giờ: Thể loại phim tâm lý xã hội, tình cảm lãng mạn, tình yêu gia đình; Hành động gay cấn, hình sự hồi hộp; Hài hước thú vị, bí mật huyền ảo…

Và hiện tại đang phát một loạt phim truyện thuần Việt: "Hoàng tử anh ở đâu", "Lẩn khuất một tên người", "Bố là tất cả", "Số phận diệu ký", "Chuyện gì đang xảy ra", "Lao công bí ẩn", "Sao miệt vườn", "Mật danh Rocker", "Không có gì và không một ai"…

Những “ông lớn” phim truyền hình Việt đắt khách

Năm 2018 chứng kiến sự trở lại của Hãng phim TFS với các phim như "Về quê ăn Tết", "Bên kia sông" (Huy chương bạc Liên hoan truyền hình toàn quốc 2018). Sang năm 2019, "Mùa cúc susi" khởi đầu cho sự trở lại của hãng phim TFS trong tâm thế mới, phim thể loại loại tâm lý xã hội, câu chuyện không lạ, nhưng thông điệp vẫn vẹn nguyên giá trị thời sự, người tốt sẽ được trả lại những gì thuộc về mình, được sống hạnh phúc.

Đây cũng là phim đánh dấu phong cách và xu hướng mới của TFS, xác định mục tiêu hướng tới khán giả, nội dung phim sẽ có nhiều yếu tố phù hợp với thị hiếu chung của khán giả mang tính đương đại, hiện đại, hấp dẫn, bắt mắt. Sắp tới TFS có những dự án phim kịch bản thuần Việt hiện đang xong hậu kỳ, đang trên trường quay, đang casting phim… như: "Rừng thiêng", "Ráng chiều ấm áp".

Cảnh trong phim "Ngày mai bình yên".

VFC sau những cú “câu view” nóng màn ảnh nhỏ với các phim remake thì việc “thắng” ngoạn mục với "Quỳnh búp bê" như một cảm hứng đầy năng lượng cho hãng phim, để không những có dự án "Quỳnh búp bê"- phần 2 trong năm 2019, mà một loạt dự án phim thuần Việt với nhiều đề tài có tính đương đại như chống tham nhũng, phim hình sự, phim tâm lý xã hội... đã và đang sản xuất chờ lên sóng VTV.

"Mê cung" (30 tập) - phim thể loại hình sự của đạo diễn Khải Anh (dự kiến sẽ ra mắt khán giả VTV3 vào tháng 3).

Tiếp theo là hai phim lên sóng “giờ vàng” VTV năm 2019: "Nàng dâu order" (28 tập), kể về cuộc sống gia đình của một cô dâu có sở thích sắm đồ qua mạng, vừa bước chân về nhà chồng, cô gái bất đồng không chỉ với gia đình chồng mà ngay cả với chính cha mẹ đẻ.

"Gà trống ba con"- (30 tập) xoay quanh câu chuyện cuộc sống của một người đàn ông góa vợ, nỗ lực vượt qua nỗi đau, những khó khăn để dạy 3 cô con gái nên người.

Ngoài ra còn có những phim dự kiến sẽ phát sóng trên kênh VTV1 kế tiếp bao gồm: "Những nhân viên gương mẫu", "Lối rẽ trái muộn màng", "Bán chồng", "Ai rồi cũng già"…

Các nhà sản xuất tư nhân cũng âm thầm cạnh tranh nhau với hàng loạt phim kịch bản thuần Việt: "Vòng tròn tội ác", "Kẻ tàng hình", "Ngày đông có nắng", "Một chàng ba nàng", "Tiếng thét trong mưa"…, và thay vì “nước đến chân mới nhảy”, họ đã chuẩn bị từ trước, để có thể lên sóng bất cứ lúc nào thương thảo có sóng.

Rõ ràng việc phim thuần Việt đang được khán giả chú ý cũng một phần chất lượng được nâng cao hơn, không những kịch bản hấp dẫn với những câu chuyện đương đại hay mượn xưa nói nay đầy tính thời sự, còn là sự chỉn chu chuyên nghiệp của cả ekip làm phim từ đạo diễn đến diên viên, bối cảnh phim có sự đầu tư kỹ càng, kỹ thuật cũng được làm không khác gì với phim điện ảnh.

Năm 2019 còn dài, hy vọng những phim truyền hình thuần Việt trên sóng sẽ thu hút khán giả màn ảnh nhỏ với chỉ số raiting cao, mang đến nhiều cảm hứng cho các nhà sản xuất càng nâng cao chất lượng và đầu tư hơn nữa đến phim thuần Việt./. 

Theo CTV Hoài Hương/VOV.VN

Tệp đính kèm