Cập nhật: 22/03/2019 14:01:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Sinh mổ cần nhiều thời gian để hồi phục hơn là sinh tự nhiên, tuy vậy phương thức này cũng làm giảm nguy cơ mắc những bệnh lý sàn chậu cho người mẹ.

Một nghiên cứu vào cuối năm 2018 của Tạp chí Hiệp hội Y học Mỹ (JAMA) đã phát hiện rằng những người phụ nữ sinh con đầu lòng bằng cách mổ có nguy cơ mắc chứng tiểu tiện không tự chủ (xảy ra mỗi khi ho hay hắt hơi) hoặc bàng quang tăng hoạt thấp hơn một nửa so với những sản phụ vượt cạn bằng phương pháp tự nhiên.

Phụ nữ sinh mổ có nguy cơ mắc bệnh lý sàn chậu thấp hơn những phụ nữ sinh thường. Ảnh minh họa.

Phát hiện được dựa trên thông tin về lần sinh sản đầu tiên của hơn 1500 phụ nữ. Trong số đó, 778 người đã thực hiện sinh mổ, 565 người còn lại sinh thường và 185 trường hợp còn lại đã sinh ngả âm đạo – hoặc bác sĩ sẽ sử dụng kẹp forces hoặc một số dụng cụ hỗ trợ khác để trợ sản cho người mẹ sinh qua âm đạo.

Các nhà nghiên cứu đã theo dõi những người phụ nữ trên đến chín năm để xác định xem liệu họ có mắc chứng rối loạn sàn chậu hay không. Sàn chậu là một nhóm cơ và mô liên kết hình cái bát trong xương chậu, có tác dụng nâng đỡ các cơ quan nội tạng trong cơ thể. Khi những cấu trúc trong khu vực này bị suy yếu hoặc tổn thương, cơ thể phụ nữ sẽ gặp phải tình trạng tiểu tiện không tự chủ, đau đớn và một số vấn đề khác.

Nguy cơ sa tạng chậu ở những phụ nữ sinh mổ thấp hơn so với những phụ nữ sinh thường. Ảnh minh họa.

Bên cạnh tỉ lệ thấp hơn khi mắc phải chứng tiểu mất kiểm soát và bàng quang tăng hoạt, những người phụ nữ sinh mổ cũng có nguy cơ bị sa tạng vùng chậu thấp hơn 70% so với những sản phụ sinh thường. Tình trạng này bao gồm việc tử cung và cổ tử cung bị sa từ khoang  chậu xuống vùng âm đạo.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng rối loạn sàn chậu có thể chữa trị được thông qua một số bài tập tăng cường các cơ bắp để làm giảm các triệu chứng, ngoài ra thuốc và phẫu thuật cũng là những biện pháp chữa trị hiệu quả.

Yến Nhi

Theo suckhoedoisong.vn

Tệp đính kèm