Cập nhật: 23/03/2019 10:35:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Giai đoạn 2011-2018, có 18.571 vụ việc vi phạm pháp luật, bạo lực học đường liên quan cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên với 32.418 đối tượng, trong đó có 251 đối tượng là giáo viên, 163 cán bộ quản lý giáo dục.

Đó là con số được đưa ra trong báo cáo thực hiện Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT/BCA-BGDĐT về việc phối hợp triển khai nhiệm vụ bảo vệ an ninh tổ quốc, trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật khác trong ngành giáo dục.

Theo liên bộ Công an, Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), tình trạng cán bộ, nhà giáo vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp xảy ra gây bức xúc trong dư luận xã hội. Một số vụ việc bạo lực học đường nghiêm trọng như: Cô giáo bắt học sinh súc miệng bằng nước giặt giẻ lau bảng ở An Dương, Hải Phòng; cô giáo cho học sinh tát vào mặt bạn 231 cái ở Quảng Bình. Ngoài ra, tình hình học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật hình sự, bạo lực học đường diễn biến phức tạp về tính chất, mức độ…

Trong số 18.571 vụ vi phạm pháp luật, bạo lực học đường liên quan cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên, có 11.888 vụ đánh nhau gây thương tích, 256 vụ xâm hại tình dục, 915 vụ uy hiếp tinh thần, còn lại bằng các hình thức vi phạm khác...

Đáng chú ý, trong số các vụ việc, có 9.961 vụ (chiếm 53,6%) diễn ra trong nhà trường, số còn lại diễn ra ngoài nhà trường. Số vụ việc xảy ra ở khu vực nông thôn chiếm tỷ lệ cao nhất khoảng 51,8% tổng số các vụ vi phạm còn lại các vụ việc diễn ra khu vực thành thị, miền núi…

Cũng theo đánh giá của liên Bộ Công an và GD-ĐT, một trong những hạn chế của công tác phối hợp bảo vệ an ninh, phòng chống vi phạm pháp luật… trong ngành giáo dục thời gian qua do có quy chế phối hợp nhưng chưa có nội dung hành động cụ thể, không giao ban, đánh giá thường xuyên. Nhiều trường học chỉ giao khoán cho phòng bảo vệ chuyên lo việc phòng, chống tội phạm cho nên hiệu quả thấp. Phương pháp giáo dục nói chung, giáo dục pháp luật, phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội nói riêng chậm đổi mới, thụ động. Đáng chú ý, tinh thần trách nhiệm của một số cán bộ, chiến sĩ công an và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục trong thực hiện công tác phối hợp chưa cao, có trường hợp đùn đẩy trách nhiệm, vì “bệnh thành tích” nên che dấu, không xử lý dứt điểm các vi phạm…

Vì vậy, ngoài các giải pháp tuyên truyền, nắm tình hình, phòng ngừa, đấu tranh… liên bộ Công an và GD-ĐT sẽ giải quyết dứt điểm các vụ việc phức tạp trong ngành giáo dục, bảo đảm quyền lợi người dạy, người học. Nhất là không để xảy ra các vụ việc bạo lực học đường ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, trật tự trường học, bảo đảm an toàn của cán bộ, giáo viên và người học... 

Theo GIANG SƠN/nhandan.com.vn

 

Tệp đính kèm