Cập nhật: 24/03/2019 10:39:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Trong lịch sử Phật giáo Quảng Nam - Đà Nẵng, Ngũ Hành Sơn giữ vai trò quan trọng thúc đẩy sự phát triển, tạo nên sự đa dạng của Phật giáo nơi đây.

Chiều 23/3, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng, Ủy ban nhân dân quận Ngũ Hành Sơn phối hợp với Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán tổ chức Tọa đàm khoa học với chủ đề “Thư tịch cổ và văn khắc Hán Nôm Ngũ Hành Sơn”.

Chùa Linh Ứng ở Ngũ Hành Sơn.

Tọa đàm tập trung bàn luận về lịch sử hình thành phát triển, danh lam cổ tự, pháp tượng pháp khí, thư tịch cổ, bia ký Phật giáo và hệ thống bia ma nhai Ngũ Hành Sơn; Giới thiệu nội dung thư tịch cổ “Ngũ Hành Sơn lục”; Thơ văn ma nhai tại các hang động Ngũ Hành Sơn;... Hiện nay, tại Ngũ Hành Sơn đang lưu giữ một số lượng lớn các văn bản “ma nhai” – hệ thống các văn khắc Hán Nôm trong các hang động.

Đây là nguồn tư liệu quý, có giá trị được giới nghiên cứu từ trước đến nay đặc biệt quan tâm. Qua khao sát, có khoảng 90 văn bản ma nhai hiện lưu tại 5 hang động; 8 bia ký phật giáo thời các chúa Nguyễn được lưu trên các vách động Huyền Không, Tàng Chơn và Vân thông.

Tại buổi Tọa đàm có 9 tham luận không chỉ mô tả cụ thể nội dung các văn khắc mà còn đưa ra nhiều giải pháp bảo tồn di sản của cha ông xưa. Đại Đức Thích Không Nhiên, Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán cho biết, trong lịch sử Phật giáo Quảng Nam - Đà Nẵng, Ngũ Hành Sơn giữ vai trò quan trọng thúc đẩy sự phát triển, tạo nên sự đa dạng của Phật giáo trên vùng đất này. Hiện, hệ thống các văn khắc Hán Nôm Ngũ Hành Sơn đang xuống cấp, cần phải có biện pháp kịp thời nhằm cứu vãn nguồn tư liệu quý giá này.

“Tất cả các văn bản, thư tịch cổ, bi ký, tư liệu cũng như các di vật di sản hiện nay đang còn lưu lại trên Ngũ Hành Sơn, đó là cơ sở, bằng chứng xác thực để chứng minh rằng Ngũ Hành Sơn là một trung tâm phật giáo, quy tụ rất nhiều các bậc cao tăng, các vị tín đồ ở trong nước cũng như quốc tế đến đây hành hương, chiêm bái”, đại đức Thích Không Nhiên nói./.

Theo Phương Cúc/VOV.VN

Tệp đính kèm