Tây Nguyên từ lâu được xem là nơi lưu giữ tương đối nguyên vẹn các sắc thái văn hóa như các kho tàng văn học truyền miệng, nghệ thuật cồng chiêng, dệt thổ cẩm của đồng bào bản địa… Hiểu được điều đó, nhiều địa phương ở đây từ lâu đã đưa ra các giải pháp bảo tồn, tổ chức các lễ hội truyền thống nhằm phát huy nét tinh hoa trong văn hóa của đồng bào.
Phát huy và bảo tồn tốt văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đang là thử thách đối với nhiều địa phương.
Nguy cơ mai một
Người Mạ tại bon N’Jriêng, xã Đác Nia (thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đác Nông) là cư dân một trong số ít địa phương tại Đác Nông hiện còn dệt thổ cẩm. Nhà cửa trong làng xa xa nhìn lác đác bên sườn núi. Khách vào đầu làng chỉ thấy rặt đám con nít mũi dãi thò lò trốn trong góc nhà.
Cụ H’Bạch (75 tuổi), nhà giữa làng, thấy khách vào nhà ngưng luồn tơ, vội rót nước rồi giải thích: “Trong làng, lớp thanh niên lớn lên đều vào các tỉnh phía nam, lên thị xã Gia Nghĩa tìm việc. Bởi thế nên ban ngày, trong làng chỉ toàn trẻ con và người nhà nhìn mặt nhau”. Cụ H’Bạch là một trong những nghệ nhân dệt thổ cẩm lâu đời ở bon N’Jriêng. Qua đôi bàn tay cần cù của cụ, những sợi bông vải lần lượt lên hình dáng mềm mại, uyển chuyển. Cụ Bạch kể, một đời lầm lũi dệt hàng nghìn bức tranh đa sắc mầu nhưng lúc về già, niềm hạnh phúc của cụ vẫn là năm đứa con nên người cùng đám cháu nhỏ líu ríu.
Người Mạ bao đời xem thổ cẩm là trang phục quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần. Mỗi nhà trong làng coi thổ cẩm luôn là một tài sản giá trị để trao đổi hàng hóa, là của hồi môn khi con gái khi về nhà chồng. “Ngày xưa trong làng, con gái mới lớn lên, đứa nào cũng biết dệt lụa, luồn tơ, nhưng giờ thì tụi nó đều không mấy mặn mà. Nguyên nhân là bởi thu nhập từ nghề dệt bấp bênh so công việc ở các thành phố lớn. Đó là chưa kể nghề dệt thổ cẩm không chỉ cần đến nhẫn nại và còn cả sự khéo léo… Nếu đám trẻ lớn lên không mặn mà với nghề thì theo đà này, nghề dệt thổ cẩm của người Mạ sớm mai một mất thôi”, cụ Bạch nuối tiếc.
Câu chuyện cụ Bạch trăn trở với nghề dệt thổ cẩm đang là thực trạng chung của nhiều địa phương Tây Nguyên trước sự mai một của các làng nghề truyền thống... Có nhiều ý kiến giải thích khác nhau nhưng không ít ý kiến đồng tình với quan điểm chính sự giao thoa thiếu chọn lọc giữa các nền văn hóa là một nguyên nhân khiến bản sắc văn hóa Tây Nguyên dần mai một.
Đơn cử như “Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên” đã hơn 10 năm từ khi UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đến nay vẫn gặp vô số thử thách. Đó là sự ra đi của các nghệ nhân cồng chiêng hay tình trạng buôn bán, trao đổi các chiêng cổ diễn ra thời gian dài. Đứng trước nguy cơ mai một của văn hóa cồng chiêng, nhiều địa phương ở Tây Nguyên đang nỗ lực bảo tồn, tổ chức các lễ hội nhằm tôn vinh các nghệ nhân, già làng. Tuy vậy, hiệu quả phải cần được thời gian trả lời!
Phát huy đúng giá trị văn hóa bản địa
Bên cạnh các giải pháp bền vững của các bộ ngành T.Ư, nhiều địa phương tại Tây Nguyên đã tổ chức các lễ hội như cồng chiêng, thổ cẩm để bảo tồn, tôn vinh cộng đồng người bản địa. Đơn cử như tại Đác Nông vừa qua đã tổ chức Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ nhất nhằm quảng bá, giới thiệu những nét độc đáo về hoa văn, trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số cả nước nói chung và tỉnh Đác Nông nói riêng... Bà Tôn Nữ Ngọc Hạnh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đác Nông từng chia sẻ, lễ hội thổ cẩm là dịp để Đác Nông xúc tiến, tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định cho sản phẩm thổ cẩm, để người dệt có thể sống được với nghề và hướng đến tạo sản phẩm du lịch thương hiệu thổ cẩm Đác Nông.
Việc tổ chức lễ hội định kỳ nhằm bảo tồn, phát huy các nét văn hóa bản địa là điều đáng hoan nghênh. Tuy vậy, trong thực tế vẫn còn nhiều lễ hội ngoại lai, không có dấu ấn riêng hay chưa chú trọng lấy cộng đồng làm trung tâm của lễ hội… Trong mấy ngày Lễ hội Cà-phê Buôn Ma Thuột năm 2019 diễn ra, chúng tôi gặp nguyên Thứ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch - NSND Vương Duy Biên tại triển lãm lịch sử cà-phê. Một trong những điều mà ông Biên trăn trở đối với các lễ hội không riêng gì ở Tây Nguyên đó là điểm nhấn lễ hội! “Điểm nhấn ở đây chính là nét đặc trưng để mọi người nhớ và ngóng đợi khi mùa lễ hội lại về”, ông Biên phân tích và nói thêm, như câu chuyện của lễ hội cà-phê Buôn Ma Thuột năm nay, điểm nhấn đáng chú ý có lẽ là triển lãm về lịch sử cà-phê thế giới.
Bên cạnh đó, ông Biên cũng cho rằng, thay vì các địa phương đua nhau tổ chức nhiều lễ hội hiện đại thì nên lựa chọn một nét văn hóa cốt lõi để tổ chức lễ hội nhằm tôn vinh, bảo tồn và tạo điểm nhấn riêng. “Tôi thí dụ các địa phương làm thế nào khi nhắc đến Buôn Ma Thuột người ta chỉ nhớ đến cà-phê, Đác Nông được nhắc đồ thổ cẩm hay Gia Lai là văn hóa cồng chiêng… Làm được như vậy chúng ta đã thành công ở mặt quảng bá rộng rãi lễ hội. Sau khi quảng bá chúng ta sẽ phát triển bền vững; bảo tồn, phát huy và đem lại thu nhập cho người dân…”, ông Biên gợi mở.
Trước trực trạng nghề thổ cẩm Đác Nông dần mai một, Sở Lao Động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đác Nông đã đưa nghề dệt thổ cẩm vào chương trình dạy nghề. Sau thời gian thí điểm, ý tưởng này đã nhận được nhiều kết quả tốt khi hàng chục lớp đào tạo nghề dệt thổ cẩm cho đồng bào dân tộc M’Nông, Mạ, Ê Đê được mở ra. Trong tương lai, các phụ nữ, học sinh dân tộc thiểu số tham gia lớp học sẽ có thể mở lớp và tạo ra thu nhập.
BÀI & ẢNH: LONG HỮU
Theo nhandan.com.vn