Cập nhật: 12/04/2019 10:52:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Có tên gọi đầy hấp dẫn, hoành tráng, được tuyên truyền rầm rộ, nhưng trên thực tế không ít lễ hội lại diễn ra nhếch nhác, chất lượng khác xa so với những gì quảng cáo, gây thất vọng cho công chúng. Thực trạng này cho thấy, công tác tổ chức và quản lý lễ hội cần có sự đổi mới, có giải pháp chấn chỉnh kịp thời để lễ hội thật sự là hoạt động văn hóa lành mạnh, mang ý nghĩa tích cực và hấp dẫn của cộng đồng.

10 triệu đồng là số tiền phạt mà Ban tổ chức sự kiện Festival văn hóa truyền thống Việt, giao lưu văn hóa quốc tế 2019 đã phải nộp do có hành vi treo, dựng băng-rôn có nội dung quảng cáo về sự kiện tại các tuyến đường trên địa bàn TP Hà Nội, không thông báo nội dung quảng cáo đến cơ quan chức năng có thẩm quyền. Tuy nhiên, đây mới chỉ là một trong số hàng loạt sai phạm mà báo chí và dư luận chỉ ra trong quá trình hoạt động của festival từ ngày 5 đến 9-4 tại Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội).

Thực tế, dù mang tên gọi rất hoành tráng và được quảng cáo có sự tham gia của khoảng 30 đại sứ quán với gần 300 gian hàng nhằm "tái hiện văn hóa truyền thống, tạo ra sợi dây kết nối tinh hoa dân tộc và gây dựng tình hữu nghị", nhưng ngay từ ngày khai mạc, Festival văn hóa truyền thống Việt, giao lưu văn hóa quốc tế 2019 đã bị biến tướng thành một kiểu hội chợ thương mại với phần lớn các gian trưng bày được dùng bày bán đủ loại hàng hóa, từ đồ ăn nhanh, quần áo giá rẻ, sản phẩm vệ sinh, thông tắc bể phốt, đồ chơi trẻ em... cho đến ghế massage. Bước vào lễ hội, du khách lập tức bị tra tấn bởi vô số âm thanh hỗn tạp từ các gian hàng, cùng với sự chèo kéo, đeo bám của nhân viên bán hàng.

Nội dung "văn hóa truyền thống Việt Nam giao lưu văn hóa quốc tế" - trọng tâm của các hoạt động tại festival, trên thực tế chỉ được cụ thể hóa một cách nghèo nàn thông qua một số tiểu cảnh tái hiện hình ảnh làng quê Việt Nam trên một phần diện tích rất "khiêm tốn" trong khu vực Hoàng thành. "Treo đầu dê, bán thịt chó", có lẽ là cách đánh giá chính xác nhất về festival này. Tổ chức tại một địa điểm linh thiêng của Thủ đô, Festival văn hóa truyền thống Việt, giao lưu văn hóa quốc tế 2019 không những không góp phần tôn vinh văn hóa truyền thống của dân tộc, mà còn khiến hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trở nên nhếch nhác trong con mắt của nhiều du khách cũng như bạn bè quốc tế.

Ðây không phải là lần đầu tiên một lễ hội văn hóa bị dư luận phê phán gay gắt. Trước đây đã từng xuất hiện nhiều lễ hội, dù tổ chức dưới nhiều tên gọi, hình thức khác nhau, nhưng công tác tổ chức yếu kém, nội dung không đúng như quảng cáo đã gây thất vọng cho du khách. Thí dụ năm 2012, ngay khi được quảng bá, lễ hội khinh khí cầu ở Bình Thuận đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm của nhiều người bởi yếu tố lạ. Việc tổ chức lễ hội này được đánh giá là ý tưởng sáng tạo giúp địa phương thu hút khách du lịch, và thực tế thì chỉ trong bốn ngày diễn ra, lễ hội đã thu hút tới 180 nghìn lượt du khách. Tuy nhiên, không ít người đã không khỏi hẫng hụt khi tham gia lễ hội, bởi sự luộm thuộm trong công tác tổ chức, hay việc tự ý cắt bỏ một số chương trình mà không hề thông báo người tham dự. Chưa kể để thu hút khách, Ban tổ chức còn dùng máy phụt lửa của khinh khí cầu để tạo những con rồng lửa bất chấp nguy cơ mất an toàn khi di chuyển qua các đường dây điện, thậm chí xe chứa nhiên liệu. Hoặc Lễ hội Ẩm thực quốc tế - Food Fest năm 2017 tổ chức tại Hà Nội cũng nhanh chóng trở thành một trong các lễ hội "tai tiếng" nhất trong năm, vì tổ chức theo kiểu "nói một đằng, làm một nẻo". Cụ thể, dù mang tên "lễ hội ẩm thực quốc tế" song những gì diễn ra tại đây lại bị nhiều người đánh giá chẳng khác gì một "hội chợ sinh viên". Thay vì được thưởng thức những món ăn mang "tinh hoa ẩm thực" đặc trưng của Việt Nam và các nước như giới thiệu của Ban tổ chức, thực khách chỉ được mời mua các món ăn không có gì đặc sắc, chủ yếu là đồ ăn nhanh hoặc đồ nguội, nhưng phải trả với mức giá của nhà hàng.

Hay tình trạng của nhiều lễ hội hoa được tổ chức tại một số tỉnh, thành phố trên cả nước những năm gần đây. Bên cạnh những lễ hội tổ chức thành công, tạo tiếng vang, góp phần hữu hiệu trong việc quảng bá văn hóa, thu hút khách du lịch có không ít lễ hội hoa bị ví như "thảm họa", vì thực tế khác xa với nội dung giới thiệu của Ban tổ chức. Tiêu biểu có thể kể đến lễ hội hoa anh đào tổ chức tháng 4-2016 tại Hoàng thành Thăng Long. Tò mò với loài hoa đặc trưng của đất nước mặt trời mọc, hàng nghìn du khách đã nô nức tìm đến để rồi không khỏi hụt hẫng, thất vọng khi chỉ nhìn thấy duy nhất một cây hoa anh đào được ghép từ 300 cành hoa giả và 300 cành hoa thật đang dần bị héo úa, với các mấu nối bọc ni-lông phản cảm. Trong khi đó, phần lớn diện tích tại lễ hội lại dành cho các gian hàng kinh doanh những mặt hàng không phù hợp với đặc trưng của một lễ hội hoa. Dư âm buồn về lễ hội hoa anh đào còn chưa lắng xuống thì chỉ một tháng sau, lễ hội hoa tử đằng Fuji Matsiru diễn ra tại một trung tâm thương mại ở Long Biên (Hà Nội) cũng phải gánh chịu nhiều lời chỉ trích khi "con đường hoa tượng trưng cho tình yêu vĩnh cửu" thực tế chỉ dài 20 m tràn ngập hoa giả. Sân khấu của lễ hội cũng được trang hoàng bằng hoa giả. Cùng với đó - như một công thức, một thành phần không thể thiếu là sự áp đảo của các hàng quán chen chúc, xô bồ, nhếch nhác, và biến lễ hội hoa trở thành một kiểu hoạt động tương tự một hội chợ thương mại thông thường.

Sau những lễ hội hoa đầy tai tiếng, ngỡ rằng tưởng những đơn vị tổ chức các sự kiện tương tự sẽ rút ra bài học kinh nghiệm để hoàn thiện hơn, thế nhưng đến với Lễ hội Hoa hồng Bulgaria & Bạn bè năm 2017, du khách lại tiếp tục có nhiều trải nghiệm đáng buồn. Theo quảng cáo, du khách sẽ được chiêm ngưỡng "vẻ đẹp của hơn 300 loài hoa hồng đến từ khắp thế giới", và Công viên Thống Nhất (Hà Nội) sẽ biến thành "Ðảo hoa Hồng" hứa hẹn nhiều trải nghiệm thú vị với "các kiệt tác nghệ thuật hoa hồng được tái hiện lại như: Lâu đài tình yêu, Bức tường hò hẹn, Vườn hồng tình ái, Giếng cổ nguyện ước,...", nhưng thực tế thì hầu hết các hạng mục trang trí tại lễ hội được kết từ hoa giả. Số hoa thật chiếm tỷ lệ thưa thớt, nghèo nàn, chủ yếu là hoa trong nước được chuyển tới từ các địa phương như Sa Pa (Lào Cai), Nam Ðịnh,... phần lớn đều trong tình trạng héo úa, trong khi giá vé tham quan lên tới 120 đến 150 nghìn đồng/người. Cũng trong năm 2017, du khách tham dự Tuần lễ Du lịch Ðồng Tháp tổ chức tại TP Sa Ðéc không khỏi bất bình trước "thác hoa tươi cao nhất Việt Nam". Bởi lẽ dù thác hoa được quảng cáo là được kết từ 2.500 giỏ hoa thật, đặc trưng của làng hoa Sa Ðéc có chiều cao 12 m, đường kính 19 m mô phỏng dòng thác hoa chảy xuống bốn hướng, tượng trưng cho bốn mùa của Ðồng Tháp đều có hoa rực rỡ, nhưng thực tế, thác hoa lại được làm hầu hết từ hoa giả. Sự phô trương giả tạo đã vô tình làm hỏng những nỗ lực từ một sự kiện lớn nhằm quảng bá cho du lịch địa phương.

Vật sau những lễ hội tổ chức theo kiểu "treo đầu dê, bán thịt chó", ai là người phải chịu thiệt hại? Trước hết, đương nhiên là các du khách, trong đó không ít người lặn lội từ xa hàng trăm cây số. Chỉ vì tin vào những lời quảng cáo mà tốn kém không ít thời gian, tiền bạc. Tiếp theo là sự mất mát thuộc về nơi diễn ra lễ hội. Vì sẽ có nhiều người nhớ đến những thất vọng liên tiếp từ lễ hội hoa anh đào đến Festival văn hóa truyền thống Việt, giao lưu văn hóa quốc tế 2019. Sẽ nhiều người nhớ đến thủ phủ hoa Sa Ðéc từng xuất hiện thác hoa giả nhưng lại muốn lập nên kỳ tích. Và đáng ngại hơn, thiệt hại phía sau đó là ấn tượng về hình ảnh kém hấp dẫn của một vùng đất, một địa danh trong việc thu hút khách du lịch ở trong nước và ngoài nước.

Dễ nhận thấy điểm chung từ nhiều lễ hội đang diễn ra rầm rộ hiện nay là yếu tố thương mại dường như đang chi phối các hoạt động. Không thể phủ nhận khi lễ hội được tổ chức theo hình thức xã hội hóa thì đơn vị tổ chức phải tính toán để thu về lợi ích vật chất cụ thể. Tuy nhiên, nếu yếu tố kinh doanh nhằm kiếm lợi nhuận lấn át, lễ hội văn hóa sẽ biến tướng thành lễ hội thương mại, đồng thời cũng hủy hoại luôn vai trò, ý nghĩa văn hóa của lễ hội. Thực tế lễ hội văn hóa chỉ có ý nghĩa nếu mang lại những giá trị văn hóa tích cực, phù hợp nhu cầu và lợi ích văn hóa của cộng đồng, đi ngược điều này thì cần phải loại trừ. Thực trạng đáng buồn tại không ít lễ hội đặt chúng ta trước một câu hỏi nhức nhối: Công chúng dễ dãi hay việc quản lý, tổ chức lễ hội quá lỏng lẻo? Bởi dù bị dư luận phản ứng song dường như một số đơn vị tổ chức vẫn "mũ ni che tai", tiếp tục làm theo ý muốn của họ; nếu vì sức ép của dư luận mà buộc phải lên tiếng thì kịch bản quen thuộc của họ vẫn là đổ lỗi cho các nguyên nhân khách quan, sau đó xin lỗi, rút kinh nghiệm. Ðể rồi các lễ hội "nấp bóng văn hóa" tiếp tục xuất hiện. Việc xử phạt sai phạm nếu có, thông thường chỉ là biên bản xử phạt hành chính với mức phạt vài chục triệu đồng. So với lợi ích thu về từ bán vé, cho thuê gian hàng kinh doanh và các hoạt động quảng cáo tại lễ hội,... số tiền phạt rất nhỏ, do vậy, việc xử phạt thiếu tính răn đe, không có tác dụng ngăn ngừa trong thực tế.

Để chấn chỉnh hiệu quả tình trạng các lễ hội núp bóng văn hóa nhưng nặng về tính chất thương mại, cần phải tăng cường trách nhiệm của đơn vị quản lý. Hơn ai hết, cơ quan quản lý cần thường xuyên, trực tiếp nắm bắt mọi biểu hiện, diễn biến trong chương trình được cấp phép để kịp thời chấn chỉnh, không đợi dư luận lên tiếng mới đưa ra biện pháp xử lý. Ðồng thời cần phải xem xét trách nhiệm của đơn vị tổ chức sự kiện nếu xảy ra hiện tượng làm ảnh hưởng xấu đến sinh hoạt văn hóa của xã hội. Về phía công chúng, cần phát huy ý thức công dân, kịp thời lên tiếng trước mọi hành vi phản văn hóa ở các lễ hội văn hóa. Khi có được sự đồng bộ, quyết tâm của cơ quan chức năng, đơn vị tổ chức và cả cộng đồng thì việc bảo đảm sự lành mạnh tại các lễ hội văn hóa sẽ sớm được lập lại.

 

 

Theo THI PHONG/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm