Là giải thưởng điện ảnh từng được giới chuyên môn và khán giả đề cao như một giải Oscar của Việt Nam, giải Cánh diều vàng những năm gần đây đang tỏ ra hụt hơi và không còn được dư luận đánh giá cao, bởi nguyên nhân chính là sự thiếu hụt các bộ phim nghệ thuật chất lượng trong danh sách phim truyện tranh giải.
"Song Lang" - điểm sáng hiếm hoi của dàn phim dự tranh giải Cánh diều năm nay.
Thiếu vắng phim nghệ thuật
Cánh diều là giải thưởng của Hội Điện ảnh Việt Nam, khởi đầu vào năm 2002 với bộ phim đoạt giải Cánh diều vàng năm đó là “Lưới trời” của đạo diễn Phi Tiến Sơn. Những chặng đường đầu tiên của Cánh diều, rất nhiều phim nghệ thuật, chất lượng được trao như “Chuyện của Pao”, “Người đàn bà mộng du”, “Thời xa vắng”, “Áo lụa Hà Đông”… Nhưng đó là ở những năm điện ảnh Nhà nước còn được bao cấp, và điện ảnh tư nhân mà phần lớn là phim thương mại, phim thị trường mới ngấp nghé được một vài phim tham dự giải cho xôm tụ.
Kể từ năm 2006, Nhà nước bỏ dần bao cấp trong điện ảnh, cũng là thời gian điện ảnh tư nhân bắt đầu nở rộ với dòng phim thị trường phát triển mạnh mẽ. Điều này tạo nên sự sôi động trong đời sống điện ảnh, bước đầu góp phần đưa phim Việt trở lại rạp chiếu trong bối cảnh phim nước ngoài, đặc biệt là phim Mỹ, Hàn Quốc chiếm lĩnh gần như áp đảo tại các hệ thống rạp trong cả nước. Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ của dòng phim chiếu rạp cũng đồng nghĩa với việc phim nghệ thuật gần như bị bỏ ngỏ, bởi bài toán thu hồi vốn và lợi nhuận của các nhà sản xuất. Phim nghệ thuật đứng trước tình cảnh muốn làm thì phải có tiền, mà làm xong không biết có thu hồi vốn được hay không, cho nên không phải ai cũng dũng cảm lao vào làm phim nghệ thuật trong thời buổi kinh tế thị trường. Điều đó cũng có nghĩa là phim nghệ thuật ngày càng vắng bóng.
Phim "Người bất tử".
Trở lại với giải Cánh diều. Sự thiếu hụt phim nghệ thuật, chất lượng cao không ít lần khiến Ban tổ chức giải Cánh diều gặp khó khăn. Năm 2018, bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, Ban tổ chức giải đã than thở: “Chúng tôi đã gọi điện mời rất nhiều đạo diễn gửi phim đến dự giải, nhưng họ đều từ chối, nói rằng phim của mình làm chỉ để chiếu rạp chứ không tranh giải. Có thể họ sợ rằng phim của mình đoạt giải thì sẽ giảm doanh thu chăng?”.
Năm 2017, cả nước có 38 phim ra rạp, nhưng chỉ có 13 phim đăng ký dự giải. Mặc dù số lượng phim dự thi còn rất ít ỏi, nhưng để tìm được một phim chất lượng thực sự mà trao giải cũng rất khó khăn. Ở mùa giải Cánh diều 2017, trong buổi tổng kết sau ba ngày chấm giải, nhiều thành viên Ban giám khảo đã phải “kêu trời”. Đạo diễn Phạm Nhuệ Giang cho biết, ba ngày xem phim của Ban giám khảo thì hai ngày toàn “thảm họa”, chỉ có một phần ba số phim dự thi là xem được nhưng vẫn không đem lại cảm giác hoàn chỉnh. Trưởng Ban giám khảo Cánh diều 2017, đạo diễn, NSƯT Vũ Xuân Hưng cũng phải bức bối thốt lên “Chất lượng phim rất không đồng đều, phim hay và phim dự giải cách xa nhau. Có những phim tạo cảm giác giả từ đầu đến cuối bộ phim, làm mất niềm tin của khán giả”.
Chất lượng không đồng đều
Còn năm nay, có tới 42 phim được sản xuất trong năm 2018, nhưng số lượng phim dự thi cũng chỉ vỏn vẹn 14 phim. 14 phim này vẫn tiếp tục “truyền thống” của năm trước là chất lượng không đồng đều. Trong danh sách phim dự thi, có không ít phim là bom tấn phòng vé, doanh thu hàng chục tỷ đồng nhưng điều này, tiếc thay, lại không phải là thước đo đối với chất lượng nghệ thuật của phim. Hãy thử điểm qua một vài phim trong danh sách 14 phim truyện tranh giải năm nay:
“Hồn papa da con gái”: Phim lấy đề tài hoán đổi thân xác vốn đã rất quen thuộc trong điện ảnh. Mặc dù phim có sự góp mặt của Thái Hòa – một trong những nhân tố làm nên doanh thu khủng phòng vé, nhưng vẫn không làm giảm được sự non yếu của cả kịch bản lẫn diễn xuất của tuyến nhân vật chính trong phim. “Hồn papa da con gái” được đánh giá là nhạt nhòa, hời hợt trong cách xử lý tình huống, thiếu tính hài hước. Diễn xuất của Kaity Nguyễn trong nhân vật con gái vẫn không thoát được vẻ cá tính và đanh đá như “Em chưa 18” và còn non nớt trong các đoạn xử lý nội tâm. Tuy nhiên, “Hồn papa da con gái” là một trong những phim đạt doanh thu rất cao khi mới công chiếu 5 ngày đã thu về 40 tỷ đồng tiền vé.
Phim "Siêu sao siêu ngố".
Giống như “Hồn papa da con gái”, “Siêu sao siêu ngố” của đạo diễn Đức Thịnh cũng là phim doanh thu “khủng” với 109 tỷ đồng, cùng bảo chứng của gương mặt hài quen thuộc Trường Giang. Tuy nhiên, doanh thu khủng không đồng nghĩa với chất lượng tốt. “Siêu sao siêu ngố” chỉ được đánh giá ở mức trung bình, nhàn nhạt.
Một phim khác có sự tham gia của Thái Hòa: “Chàng vợ của em”, là một trong số năm phim đạt doanh thu cao nhất năm 2018 với 86 tỷ đồng tiền vé. Phim được khán giả yêu thích, nhưng cũng vẫn chỉ dừng lại ở mức thương mại giải trí, với một vài hạt sạn như có những đoạn diễn tiến không hợp lý…
“Ống kính sát nhân” có sự tham gia của hai gương mặt khá nổi trội là Diễm My 9x và Hứa Vĩ Văn, nhưng kịch bản được đánh giá là yếu, nhiều tình tiết thừa thãi và phi lý, diễn xuất của cả hai diễn viên chính đều không đạt, nhiều đoạn hời hợt. “Ống kính sát nhân” trước khi ra rạp được đánh giá là “món ăn lạ” bởi thể loại kinh dị, trinh thám xưa nay vốn không có nhiều trong các phim Việt ra rạp.
“11 niềm hy vọng”, bộ phim hiếm hoi về môn thể thao vua, nhưng lại gây thất vọng cho khán giả khi ra rạp với câu chuyện phi lý, non nớt, tâm lý nhân vật mâu thuẫn.
Phim "Tháng năm rực rỡ".
Một số phim khác, như “100 ngày bên em”, phim tình cảm nhẹ nhàng, phim tốt, nhưng vẫn có sạn ở một số rối rắm trong xử lý kịch bản, có những đoạn rườm rà không cần thiết. “Trạng Quỳnh” mượn chất liệu dân gian và có sự góp mặt của Trấn Thành, nhưng không được đánh giá cao bởi kịch bản quá ôm đồm và rời rạc, diễn xuất của các diễn viên không sáng tạo, một màu, và có nhiều chi tiết thừa thãi. “Thạch Thảo”, phim dành cho lứa tuổi học trò, hồn nhiên, dễ thương, nhưng chỉ dừng ở mức đó, với cốt truyện ít kịch tính, nhịp phim chậm và nhiều đoạn dễ đoán, khó có thể là một phim nghệ thuật “nặng ký”. “Vu quy đại náo” với sự tham gia của Ngọc Trinh, hài hước nhưng chỉ dừng lại ở phim thương mại, được đánh giá là cách xử lý còn nhiều chỗ dài dòng, chưa hợp lý. “Nơi ta không thuộc về” – bộ phim Nhà nước duy nhất, của điện ảnh Quân đội Nhân dân thực hiện, sản phẩm của đạo diễn “mát tay” Đặng Thái Huyền, lại chưa có nhiều thông tin, và khả năng là một ẩn số gây bất ngờ trong “mùa Diều” năm nay.
Những phim còn lại như “Tháng năm rực rỡ”, “Người bất tử”, và đặc biệt là “Song Lang” được đánh giá tốt về mặt chuyên môn. “Song Lang” thu hút sự chú ý của dư luận với nội dung về cải lương truyền thống, và được đánh giá tới 5 sao trên trang web phim danh tiếng imdb.com. “Tháng năm rực rỡ” là phim làm lại kịch bản, dàn diễn viên tốt, doanh thu cao. “Người bất tử” là sự sáng tạo mới của Victor Vũ, hình ảnh đẹp, được đầu tư công phu, chuyên nghiệp, tỉ mỉ…
Trông chờ “Diều” cất cánh
Quá nửa số phim dự giải ở mức trung bình, vậy thì làm sao có thể đòi hỏi một giải thưởng chất lượng và phản ánh đúng yêu cầu khán giả?
Thiếu vắng phim nghệ thuật chất lượng cao là một chuyện, tuy nhiên, những năm gần đây giải Cánh diều cũng vấp phải những ý kiến đánh giá trái chiều từ phía công chúng và dư luận, bởi cách tổ chức và lựa chọn phim đoạt giải có nhiều điều không ổn. Phim đoạt giải không thuyết phục, một số phim thắng giải không được đánh giá cao hơn các phim khác về mặt nghệ thuật. Chiến thắng của “Cô Ba Sài Gòn” hay "Thần tượng" không thuyết phục... Một số phim còn non nớt, thậm chí “thảm họa” hay diễn viên “thảm họa” được tôn vinh trong lễ trao giải, cũng như những sơ suất không đáng có trong các lễ trao giải hằng năm đang là nguyên nhân khiến khán giả và công luận đang giảm dần sự quan tâm đến giải thưởng này. Đã có những cá nhân đoạt giải cao nhất không đến nhận giải, thậm chí có đạo diễn trả lại giải thưởng… Nếu không thay đổi, giải Cánh diều sẽ tự làm giảm giá trị cũng như uy tín của mình, và cái tên “giải Oscar của điện ảnh Việt” không còn là mong muốn của công chúng, mà sẽ trở thành một sự “trào phúng” không vui vẻ gì đối với điện ảnh Việt.
Theo ĐỖ QUYÊN/nhandan.com.vn