Cập nhật: 19/04/2019 10:31:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Tính riêng trong năm 2018, cả nước có 1.547 vụ xâm hại thân thể trẻ em với hơn 1.579 trẻ bị xâm hại. Xâm hại tình dục trẻ em là hành vi phạm tội nghiêm trọng, cần thiết lên án, trừng trị thích đáng, cũng như đòi hỏi cả xã hội và mọi người dân có trách nhiệm ngăn chặn, cảnh giác, đề phòng, dũng cảm lên tiếng bảo vệ chính mình và những người chung quanh.

Theo thống kê, hiện nay, mỗi trẻ em Việt Nam hiện có gần 20 cơ quan, tổ chức có trách nhiệm quan tâm giúp đỡ, bảo vệ. Nhưng đáng tiếc, trên thực tế thời gian qua vẫn còn không ít vụ xâm hại trẻ em gây phẫn nộ trong dư luận chưa được giải quyết, hoặc vì lý do nào đó mà chưa được đem ra ánh sáng. Theo một báo cáo do Economist Intelligence Unite (EIU - một doanh nghiệp độc lập chuyên cung cấp những dịch vụ dự đoán và cố vấn qua nghiên cứu, phân tích) thực hiện và công bố ngày 16-1-2019, thì Việt Nam đứng thứ 37 trong 40 nước về chống xâm hại tình dục trẻ em. Báo cáo mang tên Out of the shadows: Shining light on the response to child sexual abuse (tạm dịch: Ra khỏi vùng tối: Tìm hiểu về phản ứng đối với xâm hại tình dục trẻ em) nêu rõ, Việt Nam có ba điểm yếu trong hoạt động chống xâm hại tình dục trẻ em là: thu thập dữ liệu, chế tài dành cho người phạm tội và sự can thiệp của truyền thông. Hơn 1.500 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện trong năm 2018 là con số thực sự đáng báo động, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, đó mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Đáng quan ngại là các tội “hiếp dâm trẻ em”, “giao cấu với trẻ em”, “dâm ô với trẻ em” chiếm tỷ lệ lớn nhất trong tổng số vụ xâm hại trẻ em. Các vụ án xâm hại trẻ em xảy ra nhiều nhất tại hai thành phố lớn là Hà Nội với 88 vụ (đã khởi tố 47 vụ, trong đó 44 vụ xâm hại tình dục); TP Hồ Chí Minh: 77 vụ. Các tỉnh thành tiếp theo là: Đác Lắc: 52 vụ, Tây Ninh: 51 vụ, Đồng Nai: 46 vụ... Tình trạng xâm hại tình dục trẻ em đang có nguy cơ trở thành một vấn nạn xã hội khi thời gian gần đây số vụ việc bị phát hiện liên tục gia tăng, với hành vi gây án ngày càng táo tợn, nghiêm trọng. Chưa kể, đối tượng gây án còn có cả những người có học thức, trình độ, vị trí, thậm chí là người thân quen, gây phẫn nộ trong dư luận. Gần nhất, tại TP Hồ Chí Minh, một bé gái 9 tuổi đang chơi trong công viên bị tên Lương Tuấn B. (28 tuổi, ở phường 6, quận 5) dụ dỗ rồi hiếp dâm. Cùng ngày, tên này còn thực hiện hành vi dâm ô với một bé gái khác. Đầu tháng 4-2019, một cựu công chức cư trú tại Đà Nẵng có hành vi dâm ô bé gái ngay trong thang máy một chung cư tại quận 4, TP Hồ Chí Minh. Trước đó không lâu, tháng 12-2018, hiệu trưởng một trường phổ thông dân tộc nội trú ở huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) đã bị khởi tố, bắt tạm giam vì hành vi dâm ô với nhiều học sinh nam. Tháng 6-2018, một bé gái 10 tuổi tố giác bị cha ruột lạm dụng tình dục trong một thời gian dài đã gây rúng động dư luận. Người đàn ông vô nhân tính này còn là nghi can dâm ô một bé gái 8 tuổi và một bé gái 13 tuổi khác. Trước đó, vụ án Nguyễn Khắc Thủy có hành vi dâm ô, xâm hại nhiều bé gái tại chung cư Lakeside ở TP Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu) khiến nhiều phụ huynh chưa hết bàng hoàng...

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực ngăn chặn từ các cơ quan chức năng, nhưng tới nay tình trạng xâm hại tình dục trẻ em vẫn đang là một vấn đề nhức nhối trong xã hội. Độ tuổi trẻ bị xâm hại cũng ngày càng nhỏ hơn. Nếu trước đây, trẻ bị xâm hại thường từ 13 tuổi đến 18 tuổi, thì nay xuất hiện rất nhiều vụ việc mà nạn nhân chỉ từ 5 tuổi đến 13 tuổi. Thậm chí, có trường hợp trẻ còn nhỏ dưới 5 tuổi. Đáng nói, hơn 90% số đối tượng xâm hại đều là người quen (bảo mẫu, giáo viên, hàng xóm,...), trong đó có cả người thân trong gia đình. Theo TS Trần Thành Nam - Giảng viên Tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên, Trường đại học Giáo dục thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, thì tội phạm xâm hại tình dục có thể xảy ra với tất cả mọi người, mọi lứa tuổi, mọi lúc, mọi nơi. Nguy hiểm hơn, hành vi phạm tội cũng ngày càng đa dạng với nhiều biểu hiện rất khó đoán biết nhằm “lách luật”, thí dụ như: dẫn dụ nạn nhân, làm quen, tán tỉnh qua mạng, tặng quà rồi yêu cầu gặp mặt… Do vậy, theo ông Nam, con số hơn một nghìn vụ mỗi năm thực chất chỉ là những vụ việc được báo cáo. Tội phạm xâm hại tình dục trẻ em cũng ngày càng manh động, coi thường pháp luật, đối tượng thực hiện hành vi phạm tội ở cả những nơi công cộng, dễ bị phát hiện như: trong công viên, trong thang máy các chung cư, thậm chí ngay tại nhà nạn nhân.

Trên thực tế, đối với hành vi xâm hại tình dục trẻ em phần lớn các nước trên thế giới đều có chế tài và biện pháp xử lý rất nghiêm khắc. Tại Ấn Độ mức án dành cho kẻ cưỡng hiếp trẻ dưới 16 tuổi có thể lên đến tử hình. Tại Australia (Ô-xtrây-li-a), bên cạnh mức án tương tự, một số nước như Ba Lan, Nga, Argentina (Ác-hen-ti-na), New Zealand (Niu Di-lân)... quy định “thiến hóa học” bắt buộc đối với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, chính phủ nước này còn dành 7,8 triệu đô-la Australia (AUD) để xây dựng hệ thống lưu trữ công khai tội phạm xâm hại tình dục trẻ em quốc gia. Thông qua hệ thống lưu trữ này, người dân có thể tìm tên, tuổi, ngoại hình,... của các tội phạm ấu dâm. Ở Mỹ, đã có chín bang áp dụng thiến hóa học đối với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em gồm: California (Ca-li-pho-ni-a), Florida (Phlo-ri-đa), Georgia (Gê-oóc-gia), Iowa (Ai-ô-oa), Lousiana (Lu-di-a-na), Texas (Tếch-dát), Montana (Môn-ta-na), Oregon (Ô-rê-gôn), Wisconsin (Uyn-côn-xin)...

Hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam, mọi hành vi xâm hại tình dục trẻ em sẽ bị xử lý hình sự. Tuy nhiên, vẫn còn một số lỗ hổng và thiếu quy định rõ ràng về hành vi dâm ô trẻ em, khiêu dâm trẻ em. Điều 146 Bộ luật Hình sự năm 2015 (BLHS 2015) đã có quy định khung hình phạt đối với tội “Dâm ô với người dưới 16 tuổi” nhưng không đưa ra quy định cụ thể thế nào là hành vi dâm ô. Tương tự, nội dung này cũng chưa được làm rõ trong Luật Trẻ em năm 2016, sửa đổi bổ sung năm 2018. Theo đó, tại khoản 8, Điều 4 quy định: “Xâm hại tình dục trẻ em là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ trẻ em tham gia vào các hành vi liên quan đến tình dục, bao gồm hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu, dâm ô với trẻ em và sử dụng trẻ em vào mục đích mại dâm, khiêu dâm dưới mọi hình thức”. Tuy nhiên, đây chính là một trong những nguyên nhân khiến nhiều đối tượng phạm tội lợi dụng để “lách luật”, vì không phải mọi trường hợp phạm tội đều có những biểu hiện kể trên. Thực tế vẫn có một số hình thức xâm hại trẻ em khác không có sự tiếp xúc trực tiếp cơ thể giữa kẻ phạm tội và trẻ em, chưa được quy định trong BLHS 2015 nên chưa có chế tài xử phạt như: gạ gẫm, dụ dỗ, tán tỉnh trẻ thông qua mạng in-tơ-nét. Đồng thời, các hành vi dâm ô cũng ít để lại bằng chứng gây khó khăn trong công tác điều tra. Nhiều chuyên gia cho rằng, cần phải xác định xâm hại tình dục trẻ em là tất cả các hành vi dụ dỗ, xúi bẩy, lôi kéo, ép buộc trẻ em thực hiện một số hành vi mang tính chất kích dục không phù hợp với lứa tuổi của các em. Bên cạnh lỗ hổng về mặt luật pháp, rào cản văn hóa cũng đang là một trong những yếu tố khiến xâm hại tình dục trẻ em chưa được nhìn nhận đúng mức. Vẫn còn không ít nạn nhân vì ngại ngùng, xấu hổ mà không dám lên tiếng. Vẫn còn có gia đình dù phát hiện sự việc nhưng thay vì đưa ra ánh sáng lại đã bỏ qua vì sợ điều tiếng, sợ ảnh hưởng đến tương lai của con mình. Thậm chí, có bậc phụ huynh còn quở trách con em mình nặng nề khiến vết thương tâm lý càng hằn sâu. Chưa kể, sự kỳ thị ác ý của những người chung quanh đối với trẻ em là nạn nhân của các vụ xâm hại tình dục cũng là áp lực không nhỏ, khiến nhiều em, nhiều gia đình chọn cách im lặng thay vì lên tiếng...

Xâm hại tình dục trẻ em không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật, vô đạo đức mà còn gây ra nỗi đau về mặt thể chất cùng những tổn thương nghiêm trọng, lâu dài về cả thể xác và tinh thần cho nạn nhân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự trong lành và phát triển bền vững của xã hội. Do đó, những kẻ xâm hại tình dục trẻ em nhất thiết phải bị trừng trị nghiêm khắc. Để làm được điều này, cần sớm hoàn chỉnh, bổ sung các quy định, chế tài phù hợp trong các văn bản pháp luật. Trước mắt, cần sớm có những quy định cụ thể về hành vi dâm ô để làm cơ sở cho việc truy tố tội danh dâm ô với người chưa đủ 16 tuổi. Việc thực thi pháp luật phải nghiêm minh, bảo đảm mọi hành vi xâm hại trẻ em nói chung cũng như xâm hại tình dục trẻ em nói riêng đều được phát hiện, điều tra, xử lý kịp thời, nghiêm khắc, có tính răn đe. Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức của cộng đồng, trong đó đặc biệt quan trọng là nhận thức của chính các em, các bậc phụ huynh về trách nhiệm bảo vệ trẻ em, về nguy cơ xâm hại tình dục để nâng cao ý thức cảnh giác, biết nhận diện khi gặp đối tượng khả nghi... Ngoài ra, cần đẩy mạnh việc tuyên truyền trong cộng đồng để thay đổi các hành vi ứng xử và chuẩn mực văn hóa, trong đó cần coi các biểu hiện (đôi khi ngỡ là để biểu hiện tình cảm) như: vỗ mông hay đặt tay vào bộ phận nhạy cảm của trẻ em cũng là hành vi dâm ô. Bởi, không ít người đang cố tình đánh tráo khái niệm giữa hành vi xâm hại tình dục trẻ em với trêu ghẹo, đùa vui, bày tỏ sự quý mến để lạm dụng. Hiện nay, “Đừng im lặng!” đã và đang là thông điệp chống xâm hại tình dục trẻ em của nhiều tổ chức bảo vệ trẻ em trên thế giới, cũng tức là mọi người có lương tri, có trách nhiệm trước vấn nạn này đều cần phải lên tiếng. Cần phải nhìn nhận rằng, nếu lỗ hổng pháp luật sẽ có các cơ quan chức năng sửa đổi, bổ sung, áp dụng để xử lý trước pháp luật, thì sự nghiêm túc và nghiêm khắc về đạo đức, khả năng nâng cao nhận thức của mỗi người về nạn xâm hại tình dục trẻ em sẽ là yếu tố quan trọng hàng đầu giúp bảo vệ được trẻ em một cách thiết thực và hiệu quả. 

Theo KHÁNH MINH/nhandan.com.vn

 

Tệp đính kèm