Hai tập tản văn của hai nhà thơ trẻ Nguyễn Quang Hưng và Lữ Mai vừa ra mắt có nhiều điểm chung, trong đó cả hai đều có những dòng văn hoài niệm về những vùng quê chứa đầy kỷ niệm của thời thơ ấu, cũng như những góc nhìn độc đáo về Hà Nội mà không phải ai yêu Hà Nội cũng nhìn ra.
TS Nguyễn Anh Vũ, Tổng Biên tập NXB Văn học tặng hoa cho hai tác giả.
“Từ núi đồi gặp phố” là tên chương trình tọa đàm, giao lưu nhân dịp ra mắt hai tập tản văn “Nối những vệt không gian” của Nguyễn Quang Hưng và “Hà Nội không vội được đâu” của Lữ Mai, do NXB Văn học ấn hành. Nhiều nhà văn, nhà thơ tên tuổi đã tham dự và đưa ra những nhận xét, cảm nhận đầy trân trọng với tập tản văn, trong đó có PGS. TS Ngô Văn Giá, nguyên Trưởng khoa Viết văn – Báo chí (ĐH Văn hóa Hà Nội), nhà văn Đỗ Bích Thúy (Tạp chí Văn nghệ Quân đội), nhà phê bình văn học Nguyễn Hoài Nam, cùng nhà thơ Hữu Việt giữ vai trò dẫn chương trình.
Nguyễn Quang Hưng và Lữ Mai là hai cây bút trẻ, thuộc thế hệ 8x đời đầu và đời cuối, viết rất sung sức. “Hà Nội không vội được đâu” là tập văn xuôi, gồm cả tản văn và truyện ngắn, viết bằng cảm nhận từ một người từ vùng quê khác đến sinh sống tại Hà Nội. Những góc nhỏ của Hà Nội được Lữ Mai miêu tả rất gần gũi và thú vị, thí dụ như hàng bánh mì ở phố Huế, quán trà cóc ở phố Chân Cầm, hàng kẹo kéo đường Thanh Niên, sấu ở phố Phan Đình Phùng, mùa hoa sưa đón mưa phùn… Mỗi chi tiết, hình ảnh tưởng chừng lướt qua rất nhanh trong mắt mọi người mỗi ngày ấy, thì với Lữ Mai, lại chứa đựng những câu chuyện rất riêng. Nhà phê bình Nguyễn Hoài Nam cho rằng, cách Lữ Mai nhìn Hà Nội là một cách nhìn khác và lạ, cô phát hiện những chi tiết rất nhỏ, và có cách thể hiện những chi tiết đó một cách rất riêng.
Nhà thơ Hữu Việt chia sẻ: “Tôi thích đọc câu chuyện “Thương mùi áo cũ” của Lữ Mai. Câu chuyện gợi nhắc tới tuổi thơ của tôi hồi ở khu tập thể Nam Đồng. Hồi chiến tranh, cha mẹ tôi gửi tôi về ở với bà, khi đó, tôi nhớ nhất là mùi áo cũ của bà, và sau này, khi bố mẹ đón về, tôi nhất định không chịu về mà một mực đòi ở lại với bà. Bố mẹ tôi đã phải dỗ dành rất lâu, tôi mới chịu về. Tản văn của Lữ Mai gợi cho tôi nhớ lại ký ức đó”.
Với Quang Hưng, một người gắn bó với mảnh đất Hà Nội, tản văn của anh cũng mang nhiều tính khám phá và những chi tiết “độc” như ở Lữ Mai, nhưng, theo lời nhận xét của nhà văn Đỗ Bích Thúy, mỗi câu chuyện mà Hưng kể đều mang lại một thông điệp ở cuối tản văn. “Các tản văn của Hưng đều có sự níu giữ người đọc ở một khía cạnh nào đó, và cách viết của Hưng mang phong cách của một nhà nghiên cứu, hơi giống nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng. Tản văn của Hưng làm cho người ta yêu cuộc sống hơn, thấy cuộc sống đẹp và bình dị”- nhà văn chia sẻ.
Còn nhà phê bình Nguyễn Hoài Nam nhận xét: “Quang Hưng nắm bắt được những câu chuyện rất hay, thí dụ như “những người già trên đường”, giống như một di chỉ của quá khứ. Hay cảm giác “thức dậy ở một nơi xa”, mỗi lần là một nơi khác nhau, đem lại cho Hưng rất nhiều cảm xúc. Tản văn của Hưng cho người ta thấy được sự bộn bề của cuộc sống và mọi thứ đang dần dần mất đi. Trong những trường hợp như vậy, tản văn của Hưng không chỉ là lời kêu cứu mà còn như một lời ai điếu”.
Bản thân tác giả Quang Hưng chia sẻ, anh đã lấy cảm hứng từ rất nhiều những câu chuyện, những chi tiết của đồng nghiệp, các bạn văn thơ để kể những câu chuyện trong tản văn của mình. “Có lần đứng ở 19 Hàng Buồm, anh Hữu Việt đã chỉ cho tôi góc phố và kể về thời thơ ấu của anh ở đó. Tôi nhớ chi tiết ấy và tìm hiểu để kể những câu chuyện về ký ức trên những con phố…”
Với Quang Hưng, viết tản văn về những điều đã mất cũng đồng thời là viết về những điều còn tồn tại hôm nay. “Những điều đó còn tồn tại trong cuộc sống hiện nay, trong phẩm hạnh, trong lời ăn tiếng nói… Đó cũng là cách để chúng ta giữ gìn, cho đến khi không thể giữ được nữa…” – tác giả chia sẻ.
Theo TUYẾT LOAN/nhandan.com.vn