Cập nhật: 22/04/2019 10:21:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Với hy vọng có thể thay đổi cuộc sống, nhiều cô gái trẻ, nhất là vùng nông thôn thuộc tỉnh Sóc Trăng đã chọn cách lấy chồng người nước ngoài, mặc dù chưa hề quen biết, yêu thương. Thế nhưng, phần lớn họ đều không hạnh phúc và phải đối mặt nhiều hệ lụy tiêu cực khó lường…

Cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng (bên phải) tư vấn cho gia đình có người thân lấy chồng nước ngoài hồi hương.

Những ngày tháng tư, dưới cái nắng gay gắt như đổ lửa, chúng tôi tìm đến ấp An Trạch, xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng để hỏi thăm hoàn cảnh gia đình chị Lâm Thị S, sinh năm 1985, một trường hợp lấy chồng nước ngoài vừa hồi hương. Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã An Hiệp Phạm Thị Ngọc Bích giúp chúng tôi tìm S nhưng cô đã bỏ nhà đi làm xa. Người cô ruột của S bùi ngùi kể, S sinh ra trong gia đình không hạnh phúc, cha mẹ bỏ nhau. Lớn lên, S lập gia đình, nhưng hạnh phúc lại nhanh chóng đổ vỡ cho nên phải về sống với cha tại ấp An Trạch.

Một hôm, nghe có người rủ đi làm xa có nhiều tiền, được trả lương cao, S khăn gói đi theo người vừa mới quen lên thành phố. Cuối cùng S mới biết, cô phải ra nước ngoài làm vợ và sẽ được trả 60 triệu đồng/tháng. Lỡ bước sa chân, S đành chịu qua xứ người, nhưng làm dâu cả tháng trời mà không được đồng nào, bèn hỏi thì bị gia đình chồng đánh đập. Biết là bị lừa, cô cố chịu đựng và chờ có cơ hội trốn. Sau những ngày thất vọng, đói khát, cuối cùng S được giúp đưa về Việt Nam. “Sau khi chị S trở về, Hội Phụ nữ đến động viên, chia sẻ, đưa S vào học lớp may công nghiệp và giới thiệu làm công nhân may trong Khu công nghiệp An Nghiệp, ở gần nhà. Tuy nhiên, không biết vì lý do gì, cô lại bỏ lên thành phố tìm việc làm khác từ nhiều tháng nay” - chị Ngọc Bích cho biết.

Em Thạch Thị D cũng bị lừa ra nước ngoài làm vợ cho một người đàn ông lớn tuổi. Sau khi sinh được một đứa con, D luôn bị gia đình chồng ngược đãi, phải ăn uống kham khổ. Không thể chịu đựng, D bỏ trốn về Việt Nam. Khi trở về nhà, cô được Hội Phụ nữ và chính quyền địa phương nhiệt tình giúp đỡ, tạo việc làm. Thế nhưng, vì xấu hổ với xóm giềng, D đã lên thành phố tìm việc làm.

Theo báo cáo của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Sóc Trăng, tình trạng phụ nữ lấy chồng nước ngoài tăng nhanh ở một số địa phương trong tỉnh vào những năm 2000 - 2007. Từ 2008 đến 2010, tình hình tạm lắng, nhưng đến năm 2011, nhất là năm 2012 lại tăng mạnh ở một số nơi.

Tại thị xã Vĩnh Châu, từ năm 2012 đến 2018, tiếp tục diễn ra tình trạng môi giới hôn nhân nhưng không ồ ạt như những năm trước. “Ðiều đáng quan tâm là trong số này phần lớn lấy chồng qua môi giới, không xuất phát từ tình yêu thật sự. Một số phụ nữ kết hôn với người nước ngoài hy vọng đổi đời cho gia đình, cho bản thân. Thế nhưng, khi sang đến đất khách quê người, các cô bị những người môi giới dọa dẫm, cưỡng ép, đánh đập tàn nhẫn buộc phải làm mại dâm; một số bị đưa lên vùng cao, vùng sâu, vùng xa và bắt lao động vất vả, thậm chí bán cho những người có nhu cầu tình dục, hay cần người giúp việc” - chị Nguyễn Thị Kim Hương, cán bộ Hội LHPN tỉnh Sóc Trăng nhận định.

Phần lớn các cô gái trẻ sau khi có con đều về quê gửi cho bà ngoại hoặc người thân nuôi dưỡng, còn bản thân thì đi làm ăn xa. Chị D.T.H, ở thị xã Vĩnh Châu, bỏ trốn về nước lúc đứa con trai mang về từ nước ngoài, năm nay vẫn được học ở một trường tiểu học. Nhưng điều này vẫn là nỗi lo của chị Thạch Thị Tha, ở ấp Trà Sết, xã Vĩnh Hải, vì đứa cháu ngoại sắp tới cũng phải được đến trường. Trưởng phòng Giáo dục thị xã Vĩnh Châu Lê Văn Vui cho biết, hiện nay ngành giáo dục chủ trương vẫn cho các em vào học theo độ tuổi nhưng không có giấy khai sinh, đồng nghĩa các trẻ không phải là công dân Việt Nam. Khi đến ngưỡng cửa đại học, các em không được vào các trường công lập. Những vướng mắc nêu trên nếu không sớm được tháo gỡ, sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến quyền lợi và tương lai của trẻ em mang hai dòng máu này.

Theo số liệu của Sở Tư pháp tỉnh Sóc Trăng, đến tháng 11-2018, có 8.782 trường hợp kết hôn với người nước ngoài, trong đó lấy chồng Trung Quốc, Ðài Loan (Trung Quốc) chiếm 68%. Riêng năm 2018, có 391 trường hợp kết hôn với người nước ngoài, trong đó có 23 trường hợp kết hôn với người Hàn Quốc. Tổng số trẻ em là con của công dân Việt Nam với người Trung Quốc, Ðài Loan qua khảo sát từ năm 2015 đến nay là 226 em. Trong đó, số trẻ em đã được đăng ký khai sinh và có quốc tịch Việt Nam là 180 em, trẻ em đã có hộ chiếu nước ngoài mang quốc tịch nước ngoài 30 em, số trẻ chưa đủ điều kiện đăng ký khai sinh là bảy em và còn chín em đang được rà soát, xác minh.

Ðáng nói là gần đây, những cuộc hôn nhân du lịch được xếp đặt ngày càng nhiều để tránh việc đăng ký kết hôn. Nhiều cá nhân môi giới liên tục tiếp cận, thuyết phục những cô gái mới lớn sống ở nông thôn, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, hoặc chưa có công việc ổn định... Họ hứa hẹn về viễn cảnh tốt đẹp khi kết hôn với người nước ngoài để tạo niềm tin đối với các cô gái. Lợi dụng sự thiếu hiểu biết, cả tin và mong muốn có được sự bảo đảm kinh tế của các cô dâu Việt Nam, các công ty môi giới sẵn sàng cung cấp thông tin giả mạo.

Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Sóc Trăng Nguyễn Thị Huệ Chi cho biết: Trước thực trạng phụ nữ lấy chồng nước ngoài không hạnh phúc, Hội LHPN tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền kiến thức phòng, chống mua bán người, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật, trang bị kỹ năng về phòng, chống mua bán người cho cán bộ hội viên phụ nữ, chú trọng tuyên truyền trong các xã nghèo, xã có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống.

Ngoài ra, Hội LHPN tỉnh tổ chức nói chuyện chuyên đề về “Phòng, chống mua bán người” tại các điểm trường THCS, THPT, tính đến cuối năm 2017, đã tổ chức 188 buổi ở 132 điểm trường, với 76.461 lượt học sinh và 2.551 lượt giáo viên tham dự. Tổ chức 22 buổi truyền thông diện rộng tìm hiểu kiến thức pháp luật nói chung, Luật Phòng, chống mua bán người nói riêng tại 22 xã nông thôn mới. Tổ chức 36 buổi nói chuyện chuyên đề về phòng, chống mua bán người, bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình cho 1.800 phụ nữ nghèo tại 36 ấp trong tỉnh.

“Qua các buổi nói chuyện chuyên đề, giáo viên, học sinh và người dân hiểu rõ hơn thủ đoạn của bọn buôn người và biết được các giải pháp phòng tránh, từ đó tuyên truyền cho người thân, bạn bè và tự bảo vệ bản thân mình” - Chủ tịch Hội LHPN Sóc Trăng Nguyễn Thị Huệ Chi hy vọng.

Nhằm giúp các thiếu nữ trang bị những hiểu biết cần thiết trước khi bước vào cuộc sống hôn nhân và gia đình, giúp cho việc kết hôn đúng pháp luật, bảo vệ tốt hơn các quyền của nhân dân trong quan hệ hôn nhân, nhất là phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài; ngăn chặn các hoạt động môi giới, kết hôn vì mục đích kinh doanh, vụ lợi, không lành mạnh, góp phần làm lành mạnh hóa tình trạng kết hôn với người nước ngoài và phù hợp phong tục tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, một trung tâm hỗ trợ kết hôn trực thuộc Hội LHPN tỉnh Sóc Trăng đã được thành lập. Qua hơn 10 năm hoạt động, trung tâm này đã tư vấn hàng nghìn trường hợp kết hôn với người nước ngoài và tư vấn về hôn nhân, các vấn đề về gia đình. “Chị em đến trung tâm được tư vấn cặn kẽ về những yếu tố của một cuộc hôn nhân bền vững, kiến thức pháp luật cơ bản, phong tục tập quán, văn hóa, điều kiện địa lý nơi họ sắp đến. Ðáng chú ý, chị em còn được tư vấn về kiến thức tiền hôn nhân, vai trò người con dâu, người vợ, người mẹ và người công dân, qua đó giúp chị em có thêm kiến thức, kinh nghiệm sống và tự tin hơn khi bước vào bước ngoặt mới của cuộc đời” - chị Kim Hương, cán bộ Hội LHPN tỉnh Sóc Trăng chia sẻ. Trung tâm còn tuyên truyền kỹ năng ứng xử trong cán bộ, hội viên phụ nữ, khuyến khích vận động nhân dân phát hiện, tố giác tội phạm, chống phân biệt kỳ thị nạn nhân bị buôn bán và phân biệt đối xử với con lai giữa phụ nữ Việt Nam với người nước ngoài.

Kết hôn với người nước ngoài là một thực tế, là một vấn đề xã hội nảy sinh trong quá trình hội nhập quốc tế; giải pháp ngăn chặn hành chính, hoặc buông lỏng tự phát đều gây hệ lụy. Vấn đề là các cấp, các ngành cần xử lý tốt hơn nhằm bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ. “Ðể hạn chế tình trạng phụ nữ lấy chồng nước ngoài thiếu hạnh phúc, Bộ Tư pháp cần ban hành văn bản pháp lý hướng dẫn giải quyết thủ tục nhập hộ khẩu cho con lai giữa phụ nữ Việt Nam với người nước ngoài. Nhà nước cần quản lý chặt chẽ hơn về công tác xuất cảnh, nhập cảnh trong kết hôn có yếu tố nước ngoài, vì hiện nay nhiều người kết hôn với người nước ngoài không qua Sở Tư pháp đăng ký, nhưng vẫn kết hôn và xuất cảnh dễ dàng” - Chủ tịch Hội LHPN Sóc Trăng Nguyễn Thị Huệ Chi kiến nghị.

Theo NGUYỄN PHONG/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm