Nhân dân huyện vùng cao Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình từ lâu đã nói với nhau rằng: “Thà rằng đau ốm mà nằm/Không ai nỡ bỏ chợ rằm tháng 3”. Hội rằm tháng 3 Minh Hóa với những nét văn hóa riêng như thờ cúng Bụt, các món ăn bản địa... đang dần trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách.
Dâng hương tại đền thờ Bụt.
Vùng quê có tính ngưỡng thờ Bụt
Chung quanh nguồn gốc Hội rằm tháng ba và tục thờ cúng Bụt ít có trong cả nước. Có rất nhiều lời truyền khẩu, song đều có điểm chung là tấm lòng thành kính đối với tổ tiên và các bậc hiền tài đã tạo dựng nên huyện vùng cao Minh Hóa hiện nay.
Chuyện xưa kể lại rằng, nhà nọ có hai anh em lên lèn Ông Ngoi ở phía bắc thị trấn Quy Đạt, huyện Minh Hóa để lấy mật ong. Lên đến đỉnh lèn, họ gặp một giếng nước trong vắt, cạnh giếng có một cây quýt trĩu quả. Dưới tán cây có 12 tượng đá giống hình ông Bụt. Bên cạnh có bàn đá bằng phẳng như bàn cờ tướng và những quân cờ cũng bằng đá. Hai anh em nghỉ ngơi, ngắm nhìn những tượng đá.
Hồi sau, người anh dùng dây rừng buộc một tượng đá rồi xuống thác Cúi, đặt tượng đá xuống một tảng đá để tắm rửa. Tắm xong, người anh đến nhấc tượng đá lên để mang về thì không sao nhấc nổi… Từ đó đến nay, thác Cúi, nơi hai anh em nhà nọ đặt bức tượng đá được gọi là thác Bụt. Hằng năm, cứ đến rằm tháng ba âm lịch, người dân lại đến đây dâng hương cúng Bụt cầu mưa thuận gió hòa, cầu tài lộc, sức khỏe và dự hội chợ rằm.
Ông Đinh Xuân Đình, Chi hội trưởng Chi hội di sản Việt Nam huyện Minh Hóa cho biết, theo quan niệm của người Minh Hóa, ai cũng đến chợ rằm, nếu không xem như cả năm đó kém may mắn. Ở đó, người dân và du khách được mua bán các mặt hàng nông sản của các dân tộc anh em trên địa bàn huyện và nhiều món ăn truyền thống đặc trưng của người dân Minh Hóa mà ít nơi có như bồi (được làm bằng bột ngô, sắn và đỗ xanh rồi đồ lên thành bánh, kiểu như mèn mén của đồng bào Tây Bắc, ốc khe, trứng kiến, cá mát....
Với người dân Minh Hóa, rằm tháng ba còn là dịp gặp gỡ các thành viên trong gia đình để cầu chúc may mắn và thưởng thức các món ăn đặc sản mang tính bản địa. Nếu như con cái ở nơi khác trong tỉnh mà không về được, bố mẹ cũng gửi cho ít ốc khe và bồi để ăn trong dịp rằm.
Sản vật địa phương được bày bán, phục vụ khách thập phương đến dự hội rằm.
Không chỉ là nơi mua bán hàng hóa, chợ rằm tháng ba còn là nơi gặp gỡ, hò hẹn của các bạn trẻ ở huyện vùng cao này. Đêm trước diễn ra phiên chợ rằm, nam thanh nữ tú khắp nơi đổ về Quy Đạt để gặp gỡ, hẹn hò. Sau phiên chợ, nhiều đôi trai gái nên duyên vợ chồng.
Ông Đinh Văn Lĩnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa cho biết, nhiều năm qua, hội rằm tháng ba được tổ chức bài bản nhằm bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của ông cha. Với chủ đề “Ân tình Minh Hóa quê tôi”, Tuần lễ Văn hóa - thể thao - du lịch và hội rằm tháng ba Minh Hóa năm 2019 được huyện tổ chức quy mô với nhiều hoạt động đặc sắc, hấp dẫn.
Vùng đất có nhiều cảnh sắc tuyệt đẹp
Minh Hóa được đánh giá là một trong hai địa phương của tỉnh Quảng Bình giàu tiềm năng để phát triển du lịch với nhiều di tích lịch sử, hệ thống hang động kỳ vĩ, những khu rừng nguyên sinh, nét văn hóa, ẩm thực độc đáo.
Ông Bùi Anh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa chia sẻ, Minh Hóa từng là căn cứ địa của phong trào Cần Vương. Tại xã Hóa Sơn ngày na,y đã diễn ra những trận chiến đấu quyết liệt để bảo vệ vua Hàm Nghi. Đây còn được cho là nơi cất giấu kho báu của nhà vua.
Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Minh Hóa như mạch máu giao thông của hậu phương miền bắc chi viện cho chiến trường miền nam đánh đế quốc Mỹ. Các địa danh: Cổng Trời, trận địa pháo Nguyễn Viết Xuân, Cha Lo, đèo Đá Đẽo, ngầm Rinh, Khe Ve… đã đi vào lịch sử kháng chiến oanh liệt của dân tộc, nay thành “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống cách mạng.
Minh Hóa có những hang động lung linh, kỳ vĩ với hệ thống thạch nhũ, dòng sông ngầm như: hệ thống hang động Tú Làn ở xã Tân Hóa, hang Rục Mòn ở hai xã Hóa Sơn và Trung Hóa, hang La Vân ở xã Hóa Tiến. Cùng với đó, địa hình rừng núi đã tạo nên những khe suối có dòng chảy rất đẹp, nước rất trong mát như thác Mơ ở xã Hóa Hợp, thác Bụt, suối nước Mọc ở xã Yên Hóa, thác Nước rụng ở xã Dân Hóa...
Với cảnh quan tuyệt đẹp đó, vừa qua, đoàn làm phim Legendary Pictures đến từ Hollywood đã chọn hồ nước Yên Phú xã Trung Hóa và khu vực sông suối, hang Chuột xã Tân Hóa để thực hiện một số cảnh quay của bộ phim bom tấn “Kong: Skull island”. Mới đây, cảnh quan miền hang - động- thác - suối của Minh Hóa được giới thiệu đậm nét qua bộ phim “Người bất tử” của đạo diễn Victor Vũ.
Hiện, đã có một số doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch cộng đồng nên bước đầu du khách đã đến Minh Hóa để tham quan, thưởng ngoạn nhiều hơn. Tuy nhiên, du lịch Minh Hóa hiện tại vẫn đang ở dạng tiềm năng, chưa được khai thác hiệu quả do những khó khăn trong việc thu hút đầu tư, khó về địa hình, thời tiết…
Theo ông Đăng Đông Hà, Phó Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình, hiện du lịch trải nghiệm và thưởng ngoạn phong cảnh tại các điểm đến có cảnh quan tự nhiên tuyệt đẹp đang là xu hướng chính ở địa phương. Vì vậy, Minh Hóa hiện là vùng đất giàu tiềm năng và đang dần được đánh thức...
BÀI VÀ ẢNH: HƯƠNG GIANG
Theo nhandan.com.vn