Cập nhật: 25/04/2019 10:40:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nhiệt độ miền Bắc tăng cao khiến nhiều người bị sốc nhiệt khi đi ra ngoài trời. Đặc biệt, nắng nóng còn có nguy cơ gây đột quỵ, ung thư da.

Thấy đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi, bà Nguyễn Thị Thanh (59 tuổi ở Thường Tín, Hà Nội) đến khám tại Bệnh viện Nông nghiệp. Ngay lập tức các bác sĩ đã yêu cầu bệnh nhân này nhập viện để điều trị vì huyết áp tăng cao bất thường. Nắng nóng là yếu tố ảnh hưởng bất lợi cho những người mắc bệnh mãn tính như bà Thanh.

 “Tôi bị huyết áp cao, tiểu đường và xơ vữa động mạch, đi khám thì bác sĩ yêu cầu nằm viện. Nắng nóng thế này trong người mệt mỏi lắm.”- bà Thanh nói.

Nhiều bệnh nhân nhập viện cấp cứu do nắng nóng. (Ảnh minh hoạ)

Bác sĩ Đào Việt Phương, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trong đợt nắng nóng này, mỗi ngày tiếp nhận hàng chục bệnh nhân bị sốc nhiệt hoặc đột quỵ. Hầu hết là những người phải đi ra ngoài trời nắng nhiều hoặc người có tiền sử huyết áp cao, tim mạch, thiếu máu não…

 “Các dấu hiệu của bệnh đột quỵ là rối loạn ý thức, méo miệng, nói khó, thậm chí không nói được, đột ngột mất thị lực, liệt 1 nửa cơ thể, liệt 1 tay, 1 chân, vận động khó khăn, chóng mặt bất thường, đau đầu giữ dội, mất thăng bằng, bất thường về dáng đi. Đó là những dấu hiệu để phát hiện sớm bệnh đột quỵ để đưa đi bệnh viện sớm nhất có thể.”- bác sĩ Đào Việt Phương cho biết.

Theo bác sĩ Lê Văn Thành, Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, trong những ngày nắng nóng, khi ra ngoài trời lúc nhiệt độ tăng cao, không chỉ đề phòng sốc nhiệt mà còn phải trang bị bảo hộ để hạn chế đến mức thấp nhất sự ảnh hưởng của tia cực tím, hay còn gọi là tia UV.

  “Trong những ngày nắng nóng, tỷ lệ tia UV rất cao, đặc biệt từ 10 giờ đến 15 giờ. Tia UV có thể gây ung thư da, sạm da, bỏng da. Quá trình viêm da, bỏng da, sạm da kéo dài sẽ dẫn đến ung thư da. Để phòng chống, trong những lúc nắng nóng như vậy cần hạn chế tối đa đi ra đường. Nếu phải ra ngoài thì phải trang bị bảo hộ chống nắng, áo chống nắng, mũ rộng vành, nhất là kính vì tia UV có thể gây mù mắt. Có thể bôi kem dưỡng da chống nắng. Cần ăn nhiều hoa quả, uống nhiều nước…”- bác sĩ Lê Văn Thành cho biết.

Theo thống kê, tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, mỗi năm điều trị cho khoảng 300 trường hợp ung thư da và con số này tăng khoảng 15% mỗi năm, trong đó tia cực tím là nguyên nhân chính gây nên bệnh này.

Cơ thể con người có ngưỡng chịu đựng nhiệt độ nhất định. Do vậy, các bác sĩ cũng khuyến cáo, không di chuyển dưới trời nắng liên tục trong thời gian dài, hãy tìm nơi có bóng râm để nghỉ và không để cơ thể bị thay đổi môi trường nhiệt độ đột ngột để tránh bị sốc nhiệt, hay còn gọi là cảm nắng, say nắng./.

 

 

Theo Văn Hải/ VOV.VN

 

Tệp đính kèm