Hiện cả Bộ GD-ĐT cũng như các trường đại học đều lúng túng trong việc xử lý những thí sinh gian lận điểm thi THPT Quốc gia 2018.
Đến thời điểm này, ngành chức năng đã công bố kết quả chấm thẩm định đối với 222 thí sinh ở Hòa Bình, Hà Giang, Sơn La được can thiệp nâng điểm trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018.
Những sai phạm của các cá nhân trong khâu chấm thi ở kỳ thi này được đánh giá là rất nghiêm trọng, nhưng hiện cả Bộ GD-ĐT cũng như các trường đại học đều lúng túng trong việc xử lý những thí sinh này. Nguyên nhân là do quy chế thi THPT Quốc gia 2018 không có bất cứ điều khoản nào xử lý thí sinh được gian lận ở khâu chấm thi.
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018.
Đối với các thí sinh tại Hà Giang, kết quả chấm thẩm định có sớm, nên nhiều thí sinh được can thiệp nâng điểm đã không tham gia vào xét tuyển đại học, cao đẳng. Đối với Hòa Bình, Sơn La, trong khi ngành chức năng đang điều tra, rà soát, nhiều thí sinh được can thiệp nâng điểm đã trúng tuyển và theo học tại các trường đại học, cao đẳng.
Sau khi có kết quả chấm thẩm định, Bộ Công an đã bàn giao 53 thí sinh trong danh sách này (kể cả những thí sinh có điểm chấm thẩm định vẫn đủ điểm xét tuyển) về đơn vị sơ tuyển tại Sơn La, Hòa Bình và xử lý theo quy định. Các trường khối dân sự cũng hủy kết quả trúng tuyển với những thí sinh có điểm chấm thẩm định thấp hơn điểm chuẩn, nhưng với những thí sinh có điểm chấm thẩm định không thấp hơn điểm chuẩn trúng tuyển thì vẫn tiếp tục được theo học.
Ông Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội cho biết, tại trường có 1 thí sinh ở Hòa Bình điểm chấm thẩm định đối với 3 môn xét tuyển vào trường là Toán, Hóa, Sinh bằng với điểm trước đây đã chấm, nhưng điểm môn Ngữ văn lại giảm nên vẫn để thí sinh này tiếp tục theo học.
“Thí sinh có điểm môn Ngữ văn giảm 2 điểm. Chúng tôi đã làm công văn gửi Sở GD-ĐT tỉnh Hòa Bình và cũng được Sở trả lời là thí sinh này dù xuống điểm thấp hơn lần trước nhưng vẫn đủ điều kiện tốt nghiệp. Vì vậy, đối với trường hợp này thì chúng tôi vẫn để cho thí sinh học tập bình thường tại trường, vì các điều kiện vẫn trúng tuyển vẫn đảm bảo. Khi nào có kết luận của cơ quan điều tra, thí sinh này có sai phạm thì lúc ấy nhà trường sẽ xử lý theo luật định”, ông Tú nói.
Nhiều chuyên gia và lãnh đạo các trường cho rằng, các trường đại học đang làm đúng quy định trong việc xử lý đối với thí sinh liên quan đến gian lận điểm thi tại Hòa Bình và Sơn La. Nguyên nhân là Quy chế thi THPT quốc gia và xét tốt nghiệp 2018 không có bất kỳ mục nào quy định chế tài xử lý thí sinh gian lận điểm thi tại khâu chấm thi mà chỉ hướng đến xử lý thí sinh vi phạm trực tiếp trong phòng thi.
Chính “lỗ hổng” này của quy chế đã dẫn đến việc thí sinh gian lận trong kỳ thi THPT năm 2018 bị buộc thôi học, nhưng năm nay vẫn tiếp tục được thi như bình thường; thí sinh gian lận bị hạ điểm, nhưng vẫn đủ điểm trúng tuyển vào trường đại học đang theo học thì vẫn được học. Đây là điều khó chấp nhận bởi đã có hành vi gian lận thi (trực tiếp hay gián tiếp) thì đều phải bị xử lý như nhau.
Giáo sư Phạm Tất Dong, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nêu quan điểm: “Vi phạm này lớn quá, không bình thường vì thi cử vốn xưa nay quy định rất chặt chẽ. Một em học sinh mang một tài liệu gì đó hoặc một điện thoại di động chưa chắc đã dùng vào phòng thi thì bị đuổi ngay lập tức. Bây giờ gian lận điểm từ điểm thấp thành điểm cao, từ không đỗ thành đỗ thì cái này lớn hơn nhiều. Thứ 2 là số lượng người tham gia vào vụ tiêu cực này lớn hơn rất nhiều. Thứ 3 là tính chất là có vẻ là tham nhũng, tức là dùng tiền biến nơi thi thành thương trường. Ba cái đó làm xã hội bức xúc”.
Xét trên góc độ của xã hội hay các thí sinh dự thi kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 thì thật khó có thể chấp nhận được cách xử lý các sinh viên dởm này như hiện nay. Nếu nói thí sinh được can thiệp nâng điểm là nạn nhân từ hành vi vi phạm của người lớn là không hoàn toàn chính xác bởi các em hoàn toàn có thể đánh giá được năng lực học và thi của mình.
Bà Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội đoàn thành phố Hà Nội nói: “Có thể những em được nâng ít điểm, 1 hay 2 điểm có thể các em không biết. Tôi thấy có những em nâng đến hơn 26 điểm thì tôi nghĩ rằng các em đủ biết đánh giá năng lực thi của mình và đánh giá số điểm tương xứng với kết quả của bài, có thể là không chuẩn xác 100%. Tôi nghĩ rằng đất nước Việt Nam rất cần chất lượng nguồn lực nhưng trên sự phát triển lành mạnh, trung thực chứ nếu tiếp tục bao che cho các em, các em lại tiếp tục phát triển trên nền sai lầm ấy thì các em sẽ dẫn tới một con người không chuẩn”.
Nhiều ý kiến cho rằng, tất cả những trường hợp gian lận trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 ở Hòa Bình, Hà Giang, Sơn La đều phải bị tước quyền vào học đại học và tốt nghiệp. Đó mới là sự công bằng, nghiêm minh và đủ sức răn đe đối với các hành vi gian lận tương tự.
Từ những bất cập của quy chế, nhiều chuyên gia cũng khuyến nghị, Bộ GD-ĐT cần có sự rà soát kỹ hơn về những vấn đề có thể nảy sinh trong tất cả các khâu từ thi đến chấm thi để bổ sung và hoàn thiện cho quy chế thi năm nay.
Theo Minh Hường/VOV.VN