Cập nhật: 29/04/2019 08:07:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Đây là chuyến thăm thứ 8 của đoàn kiều bào đến với Trường Sa, một chuyến đi để lại nhiều cảm xúc khó quên đối với mỗi thành viên.

Trong hải trình hơn 1.000 hải lý từ ngày 14/4, tàu KN 490 đón hơn 200 đại biểu trong đó có 55 kiều bào trở về 19 quốc gia, cùng nhiều cán bộ đến từ các bộ ngành địa phương tới thăm quân và dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1/20 thuộc thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Đây là chuyến thăm thứ 8 của đoàn kiều bào đến với Trường Sa, một hành trình từ trái tim, mang hơi ấm của bà con người Việt trên khắp thế giới vì biển đảo quê hương, vì chủ quyền của Tổ quốc. Chuyến đi đã để lại nhiều cảm xúc khó quên đối với mỗi thành viên.

Kiều bào và các chiến sỹ chụp ảnh tại cột mốc chủ quyền ở Trường Sa.

Với hầu hết các đại biểu, đây là lần đầu tiên họ đến với Trường Sa. Khi được đặt chân lên những cái tên địa danh quen thuộc trên bản đồ như  Sơn Ca, Tiên Nữ, Sinh Tồn đông, Tốc Tan B, Phan Vinh B, Đá Đông , Trường Sa... các đại biểu cảm thấy vô cùng xúc độngvà tự hào khi được chứng kiến nỗ lực của cán bộ, chiến sĩ và người dân tại nơi tuyến đầu Tổ quốc. Họ bắt tay trò chuyện để hiểu hơn về cuộc sống của những người lính đảo, các đại biểu và các chiến sĩ cùng quây quần hát vang những bài ca thắm tình yêu quê hương và biển đảo thân thương….

“Tôi đang nghe Tổ quốc gọi tên mình. Bằng tiếng sóng Trường Sa – Hoàng Sa dội vào ghềnh đá”. Tiếng hát của kiều bào và các chiến sỹ vang lên giữa biển khơi, trên con tàu KN 490. Mỗi người trở về Việt đi thăm Trường Sa đều mang tâm sự của riêng nhưng có một điểm chung vì chủ quyền biển đảo của Tổ quốc để từ đó truyền đi những thông điệp, những yêu thương đến với người Việt khắp năm châu cùng hướng về biển đảo.

Anh Nguyễn Xuân Hoàn, kiều bào tại Liên bang Nga, tham gia cùng đoàn kiều bào đi thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1 chia sẻ: “Khi thăm các điểm đảo và gặp gỡ các chiến sỹ chúng tôi rất khâm phục các anh. Sự khắc nghiệt của thời tiết, thiếu thốn cả về vật chất và tinh thần nhưng các anh vẫn kiên trì bám trụ, bám biển sẵn sàng hoàn thành mọi nhiệm vụ. Tình cảm của kiều bào dành cho các chiến sỹ rất lớn. Chúng tôi mong các cán bộ chiến sỹ có nhiều sức khỏe kiên trì bám biển bám đảo để giữ mảnh đất thiêng liêng của tổ quốc”.

 “Khi trải nghiệm hành trình, tôi hiểu hơn về Trường Sa, một nơi rất đẹp và rất thiêng liêng. Một điều mà tôi cảm nhận đó là nhất định, nhất quyết chúng ta hãy bảo vệ quần đảo này của chúng ta”. Chị Võ Ngọc Tuyết, đến từ Hàn Quốc bày tỏ.

Anh Nguyễn Xuân Hào, một người Việt trẻ tại Đức đã nói lên những cảm xúc của tất cả các kiều bào trong hải trình Trường Sa 2019: “Thực sự rất tự hào và cảm thấy thế hệ trẻ cần phải cố gắng và phát huy hơn nữa tất cả những phẩm chất để xứng đáng hơn với tinh thần tuổi trẻ, xứng đáng hơn với công sức, sự hi sinh to lớn của các chiến sỹ, các thế hệ đi trước. Khi tới thăm Trường Sa, tôi rất vui và yên tâm hơn về cuộc sống của các chiến sỹ cũng như các công trình cơ sở vật chất. Chuyến đi là một trải nghiệm thực tế để kiều bào ở xa tổ quốc hiểu hơn về sự quan tâm của Đảng, Nhà nước  đối với Trường Sa. Và Trường Sa, Hoàng Sa ngày hôm nay đã không còn xa nữa”.

Các kiều bào đã cùng các đại biểu trong nước tới thăm các điểm đảo trong hải trình Trường Sa và Nhà giàn DK1/20, giao lưu văn nghệ và tặng quà cán bộ chiến sỹ.

Giao lưu văn nghệ với các chiến sỹ Trường Sa.

Kiều bào đã gửi tặng các cán bộ chiến sỹ đang làm nhiệm vụ trên các điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 những món quà có ý nghĩa thiết thực phục vụ và cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho chiến sỹ như máy tính, máy lọc nước, máy tập thể thao… với trị giá lên tới hơn 1,2 tỷ đồng. Đây không phải là con số quá lớn, song cũng là tấm lòng của bà con kiều bào trên khắp thế giới chung lòng hướng về biển đảo quê hương. Không chỉ tặng quà, nhiều kiều bào cho biết, sau chuyến đi Trường Sa và Nhà giàn lần này, khi trở về nước sở tại, họ sẽ tiếp tục vận động để có những đóng góp thiết thực hơn đối với Trường Sa.

Ông Lương Thanh Nghị, phó chủ nhiệm Uỷ ban người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao khẳng định: “Chúng tôi hy vọng 55 kiều bào sẽ là đại sứ lan tỏa tới cộng đồng ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế, không chỉ thông tin chính xác về vấn đề bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng mà trên hết là tình yêu đối với biển đảo quê hương”.

Một hải trình dài đầy ắp những yêu thương của Kiều bào dành cho các cán bộ chiến sỹ và của cán bộ chiến sỹ dành cho kiều bào. Khi đoàn tàu rời bến, những tiếng gọi yêu thương cất lên từ trái tim "Kiều bào yêu Trường Sa" và những lời đáp lại "Trường Sa yêu kiều bào" cứ vang lên tha thiết, át những tiếng sóng biển vỗ rì rào.

Những tiếng gọi thân thương ấy sẽ theo từng người đi mãi những năm tháng về sau. Đoàn công tác số 5 trên con tàu KN 490 cũng đã trở thành một gia đình đặc biệt, nơi đầy ắp tình yêu quê hương, biển đảo, tràn ngập tiếng cười và có cả những giọt nước mắt xúc động, cảm phục trước nghị lực và tinh thần của cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại nơi đầu sóng ngọn gió để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc./.

Theo Châu Anh/VOV.VN

Tệp đính kèm