Tỉnh Thừa Thiên-Huế vừa ban hành Quyết định công nhận Làng nghề truyền thống hoa giấy Thanh Tiên và tranh dân gian làng Sình thuộc xã Phú Mậu, huyện Phú Vang là điểm du lịch của tỉnh.
Xã Phú Mậu thu hút khách tham quan nghề làm hoa sen giấy Thanh Tiên. (Ảnh: Quốc Việt/TTXVN)
Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế vừa ban hành Quyết định số 949/QĐ-UBND ngày 16/4, công nhận Làng nghề truyền thống hoa giấy Thanh Tiên và tranh dân gian làng Sình thuộc xã Phú Mậu, huyện Phú Vang là điểm du lịch của tỉnh.
Với việc được công nhận là điểm du lịch, Làng nghề truyền thống hoa giấy Thanh Tiên và tranh dân gian làng Sình có điều kiện phát triển thành điểm du lịch cộng đồng, làng nghề hấp dẫn, thu hút khách tham quan trong và ngoài nước.
Làng Sình nằm cách trung tâm thành phố Huế khoảng 9km về phía Đông được nhiều người biết đến với nghề làm tranh dân gian nổi tiếng.
Tranh làng Sình gồm hơn 50 đề tài, chia thành 3 nhóm chủ đề chính là tranh nhân vật, tranh đồ vật và tranh súc vật. Khi làm ra một bức tranh, bản khắc gỗ chỉ giữ vai trò làm khuôn và in màu chính. Những màu sắc còn lại được nghệ nhân vẽ thủ công, tạo nên nét riêng biệt cho những bức tranh nơi đây.
Ngay từ khi hình thành, tranh làng Sình tuy có nhiều đặc điểm giống với dòng tranh Đông Hồ nhưng để phù hợp với nhu cầu tín ngưỡng trong các lễ cầu an, giải hạn ở đây nên các nghệ nhân đã chế ra các bản khắc hình vẽ khác.
Nhờ vậy, tranh làng Sình mới nổi danh là dòng tranh thờ cúng, khác với tranh Đông Hồ dùng để trang trí. Tranh làng Sình không chỉ được đánh giá cao về nghệ thuật tạo hình tranh dân gian mà còn gắn liền với văn hóa tâm linh của xứ Huế.
Nét độc đáo của tranh dân gian làng Sình là ở màu sắc, mỗi bức tranh mang một nét riêng, gắn liền với cảm xúc của nghệ nhân trong quá trình làm tranh. Những màu sắc của tranh chủ yếu được làm ra từ yếu tố thiên nhiên.
Màu vàng làm từ lá đung giã với búp hoa hòe non; màu xanh dương từ hạt mồng tơi; hạt hòe làm nên màu vàng đỏ; nước lá bàng sẽ cho màu đỏ sẫm; tro rơm nếp hòa tan trong nước rồi lọc sạch, cô lại thành màu mực đen bóng.
Để tạo ra giấy in những bức tranh truyền thống người dân làng Sình xuôi thuyền dọc phá Tam Giang về vùng cầu Hai, thị trấn Lăng Cô để cào điệp. Đây là loại sò có vỏ mỏng nhiều màu sắc. Sò sau khi cào về giã thành bột, rồi trộn với hồ, sau đó phết hỗn hợp này hai lần lên giấy dó, tạo nét độc đáo, riêng biệt của dòng tranh dân gian ở làng Sình.
Nghệ nhân Kỳ Hữu Phước, người đã có trên 60 năm tuổi đời làm tranh dân gian làng Sình cho biết, để phát triển dòng tranh này phục vụ du khách, ông đã làm ra những bản khắc gỗ với nội dung mới, không bó hẹp trong việc thờ cúng như trước đây.
Những nội dung như trò chơi dân gian, phong cảnh, làm lịch cũng được ông đưa vào tranh và nhiều du khách yêu thích.
Bên cạnh đó, ông đã nghĩ ra cách làm ống tre rồi cuộn tranh cho vào bên trong, giúp giữ tranh được lâu và giúp sản phẩm du lịch thêm hấp dẫn, du khách dễ dàng mang tranh đi xa. Chính vì sự tận tâm yêu nghề tạo ra những sản phẩm độc đáo, sản phẩm của Nghệ nhân Kỳ Hữu Phước luôn được mời tham gia trưng bày các kỳ Festival nghề truyền thống Huế.
Tranh làng Sình vì thế vừa tượng trưng cho nét văn hóa đặc sắc của xứ Huế thơ mộng mà còn góp phần làm phong phú cho dòng tranh dân gian của dân tộc.
Cùng với tranh dân gian làng Sình, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang còn nổi tiếng với làng nghề hoa giấy Thanh Tiên.
Làng nghề ra đời cách đây hơn 300 năm do người dân trong làng sáng tạo nên. Nghề làm hoa giấy Thanh Tiên xuất phát từ tín ngưỡng dân gian.
Hằng năm, trước ngày 23 tháng Chạp, hoa giấy được người dân trong làng cắm vào những cây chông vác đi, tỏa ra khắp thôn xóm, phố chợ để người dân mua về thờ cúng. Tục xưa, hoa giấy được trang trí ở những nơi trang trọng như Trang Ông, Trang Bà, Am cảnh và ông Táo.
Cứ như thế, hoa giấy Thanh Tiên từ bao đời nay đã trở thành một nét văn hóa trong tín ngưỡng dân gian của người dân xứ Huế và lan tỏa ra các tỉnh, thành phố lân cận như Quảng Trị, Đà Nẵng cũng như những nơi có người Huế cư ngụ mỗi khi Tết đến, Xuân về.
Từ xưa, người dân làng Thanh Tiên đã biết tận dụng những nguyên liệu có sẵn ở địa phương cộng với sức sáng tạo phong phú, người dân nơi đây đã tạo nên những bông hoa rực rỡ sắc màu.
Để làm được một cánh hoa phải trải qua nhiều công đoạn phức tạp đòi hỏi sự kiên nhẫn, khéo léo và tỉ mỉ của người thợ. Nguyên liệu được chọn là tre, sau đó được vót nhỏ và phơi khô; giấy được nhuộm màu; hoa và nhụy được cắt tỉa một cách tỉ mỉ để khi lấy hồ dán sẽ tạo được cành hoa hài hòa về màu sắc lẫn bố cục.
Ngoài các loại hoa giấy như hoa lan, huệ, hồng, cúc…vốn chỉ phục vụ cho nhu cầu thờ tự, lễ nghi và chỉ được làm trong dịp Tết, năm 2008 nghệ nhân Thân Văn Huy đã phục chế nghề hoa sen giấy Thanh Tiên từ nguyên liệu hoa giấy Thanh Tiên.
Hiện, sản phẩm hoa sen giấy Thanh Tiên được quảng bá rộng rãi và tạo nên thương hiệu trong và ngoài nước. Những màu sắc rực rỡ mà giản dị của hoa giấy Thanh Tiên không chỉ tô đẹp thêm văn hóa tâm linh nơi đây mà còn thể hiện nét độc đáo của con người xứ Huế.
Nghệ nhân Thân Văn Huy, người đã có hơn 50 năm kinh nghiệm làm hoa giấy cho biết, mỗi năm, cơ sở của ông làm ra từ 2.000-3.000 sản phẩm. Để làm được cành hoa, người thợ phải chuẩn bị các công đoạn từ mấy tháng trước khi Huế vào mùa mưa.
Ngay từ tháng Bảy Âm lịch, cơ sở đã chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu để đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong dịp Tết Nguyên Đán sắp đến.
Hiện cơ sở tập trung nhân lực sản xuất để chuẩn bị nguồn hàng cho Festival Nghề truyền thống Huế 2019 đầy đủ và chất lượng./.
Theo Quốc Việt (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/hue-lang-nghe-hoa-giay-thanh-tien-tranh-lang-sinh-thu-hut-du-khach/565005.vnp