Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, tiếng Anh là môn học bắt buộc từ lớp 3 đến lớp 12. Đây là môn học giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực giao tiếp ngoại ngữ thông qua rèn luyện các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Tuy nhiên, việc triển khai dạy và học môn tiếng Anh phổ thông nói chung và cấp Tiểu học nói riêng hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Một tiết học tiếng Anh của học sinh Trường tiểu học Tình Cương, huyện Cẩm Khê (Phú Thọ). Ảnh: MẠNH THUẦN
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT), tiếng Anh cấp tiểu học được phân bổ thời lượng bốn tiết/tuần. Chương trình lấy năng lực giao tiếp làm mục tiêu, kiến thức ngôn ngữ làm phương tiện để hình thành các kỹ năng giao tiếp. Sau khi học xong cấp tiểu học, học sinh có thể giao tiếp đơn giản bằng tiếng Anh thông qua bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, trong đó ưu tiên hai kỹ năng nghe và nói. Ngoài ra, học sinh có kiến thức cơ bản và tối thiểu về tiếng Anh bao gồm ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp. Thông qua tiếng Anh có những hiểu biết ban đầu về đất nước, con người và nền văn hóa các quốc gia nói tiếng Anh và của các quốc gia khác trên thế giới. Đồng thời, hình thành cách học tiếng Anh hiệu quả, tạo cơ sở cho việc học các ngoại ngữ khác trong tương lai.
Thực tế việc dạy tiếng Anh tại nhiều trường học trên cả nước cho thấy tiếng Anh ngày càng chiếm vị trí quan trọng và các trường học cũng đang có nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng việc dạy và học. Cô Nguyễn Việt Hà, giáo viên dạy môn tiếng Anh Trường tiểu học Lộc Hòa B, huyện Long Hồ (Vĩnh Long), chia sẻ: Bản thân giáo viên cần chủ động và vận dụng, kết hợp nhiều phương pháp, hình thức tổ chức trong giảng dạy để bảo đảm học sinh nắm vững kiến thức qua từng bài học. Trong các tiết học, phương pháp thảo luận theo cặp, nhóm thường từ bốn đến sáu học sinh, qua đó giúp các em phát huy sở trường của mình, những học sinh nhút nhát dần tự tin hơn trong giao tiếp. Với hình thức này, giáo viên là người quan sát, động viên các em hoàn thành nhiệm vụ, đồng thời, đánh giá, bổ sung và cung cấp kiến thức khi học sinh chưa nắm vững. Ngoài phương pháp thảo luận theo nhóm, phương pháp lấy học sinh làm trung tâm cũng được cô giáo Việt Hà áp dụng, giúp cho người học tự khám phá tri thức, tích cực và tự giác trong học tập, phát huy tốt nhất điểm mạnh cũng như khả năng sáng tạo của bản thân.
Hiệu trưởng Trường tiểu học Thới Hòa A (Vĩnh Long), Nguyễn Thị Phượng cho biết: Hiện nhà trường có ba giáo viên dạy tiếng Anh đều đạt chuẩn năng lực B2 trong khung tham chiếu ngôn ngữ chung châu Âu và thường xuyên được tập huấn về phương pháp giảng dạy theo quy định. Chính vì vậy, giáo viên tiếng Anh của trường hoàn toàn đủ năng lực, chuyên môn để đáp ứng cho nhu cầu dạy và học môn tiếng Anh trong nhà trường. Giờ học tiếng Anh trong trường rất sinh động và bổ ích, tạo hứng khởi cho học sinh. Nội dung kiến thức phù hợp với học sinh, xoay quanh các chủ đề quen thuộc giúp các em dễ dàng làm quen, nắm bắt kiến thức và mạnh dạn vận dụng trong các tiết thực hành giao lưu cùng bạn bè. Cùng quan điểm nêu trên, giáo viên Trường tiểu học Nguyễn Trung Trực (Hà Nội) Hà Thị Bích Hạnh cho biết: Học ngoại ngữ là một bước tiến để vượt qua những rào cản về văn hóa cũng như phong tục tập quán của các nước trên thế giới. Chính vì thế, vai trò dạy tiếng Anh của giáo viên nói chung và giáo viên tiểu học nói riêng rất quan trọng. Trong năm học 2018-2019, nhà trường đã áp dụng phương pháp học trải nghiệm vào giảng dạy môn tiếng Anh. Nhờ đó, vốn từ của học sinh được tăng lên đáng kể, học sinh được làm chủ các tình huống và học ngữ pháp thú vị, không gò ép. Giáo viên là người hỗ trợ học sinh còn học sinh được làm chủ tiết học.
Hiện nay, điều kiện dạy và học môn tiếng Anh ở cấp tiểu học còn bộc lộ nhiều khó khăn, bất cập. Giáo viên dạy môn tiếng Anh tại Trường tiểu học Lộc Hòa B, huyện Long Hồ (Vĩnh Long) Nguyễn Việt Hà nhìn nhận: Phần lớn học sinh trên địa bàn thuộc vùng nông thôn, cho nên nhận thức về việc học tiếng Anh rất mơ hồ và thiếu sự quan tâm. Ngoài ra, một bộ phận học sinh tại trường còn nhút nhát, thụ động, ngại khi nói tiếng Anh, cho nên các em rất khó phát triển năng lực giao tiếp để bắt kịp mục tiêu ngôn ngữ dành cho cấp tiểu học. Mặt khác, do sĩ số học sinh trong một lớp đông, trình độ chưa đồng đều cho nên khó truyền đạt kiến thức cũng như áp dụng các phương pháp giảng dạy trên lớp. Vì vậy, để dạy và học môn tiếng Anh tiểu học hiệu quả hơn, một số địa phương đề nghị cần có thêm nhiều tài liệu Tiếng Anh chuẩn để các địa phương lựa chọn cho phù hợp. Ngoài ra, tăng cường tổ chức các buổi tập huấn để giáo viên tiếng Anh cùng trao đổi kinh nghiệm và cập nhật những phương pháp dạy hay; trang bị và đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng dạy và học cho các điểm trường lẻ nhằm bảo đảm công bằng cho học sinh ở các điểm trường.
Theo quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD và ĐT Thái Văn Tài: Hiện nay, hầu hết phụ huynh học sinh đều có nhận thức về tầm quan trọng của tiếng Anh và muốn trang bị kiến thức ngoại ngữ cho con em mình. Cả nước hiện có hơn 86% số học sinh tiểu học được học tiếng Anh từ lớp 3 đến lớp 5, trong đó có 67% được học bốn tiết/tuần trở lên, nhiều em có thể giao lưu trên diễn đàn quốc tế. Tuy nhiên, trong số 400 nghìn giáo viên tiểu học hiện nay, số lượng giáo viên tiếng Anh đang chiếm tỷ lệ khá thấp. Khi chương trình giáo dục phổ thông mới được ban hành, tiếng Anh là môn học bắt buộc, vì vậy khó khăn này sẽ được giải quyết bằng cách xây dựng lại vị trí việc làm, tổng định biên cho giáo viên tiếng Anh sẽ được thực hiện theo lộ trình bài bản nhất.
QUỲNH NGUYỄN VÀ THÙY DƯƠNG
Theo nhandan.com.vn