Cập nhật: 01/05/2019 15:51:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

TS, BS Hoàng Cương, Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, trong thời tiết giao mùa xuân hè, nhiều mặt bệnh về mắt do thời tiết gây ra như dị ứng, miễn dịch; virus; do côn trùng tấn công… khiến các ca bệnh về mắt khám và điều trị tăng cao.

Những bệnh về mắt dễ mắc trong thời tiết giao mùa xuân hè

Thời tiết xuân hè giao mùa là thời điểm bệnh nhân khám tăng lên rõ rệt tại Bệnh viện Mắt Trung ương, tăng từ 800-1000. Trong những ngày nắng nóng cuối tháng 4-2019, số người đến khám tăng lên 1.600 và dự kiến vào tâm điểm mùa hè, có thể tăng lên tới 3.000 người/ngày.

BS Hoàng Cương cho biết, các mặt bệnh về mắt đa dạng, đa phần là dị ứng, miễn dịch, liên quan thời tiết thay đổi, do không khí ô nhiễm khói bụi đậm đặc, do hoa nở phấn hoa… Bệnh nhân có những biểu hiện ban đầu như dị ứng cơ địa và bị ngứa, hắt hơi sổ mũi, viêm kết mạng dị ứng… Mùa xuân hè cũng là mùa virus như chân tay miệng, thủy đậu, sởi… tấn công khiến ngoài việc gây bệnh toàn thân, virus cũng tấn công vào mắt, dẫn tới các ca viêm kết mạc do virus tăng lên.

Đây cũng là thời điểm các con côn trùng như con thiêu thân và bọ sẽ tấn công những người nông dân, người đi ngoài đường mà không đeo kính… Khi côn trùng đốt sẽ gây đau đớn ở mắt. Phản ứng dụi mắt sẽ khiến các chân đốt của côn trùng xiên sâu vào mô chéo, mô mềm, xiên thủng các mô. Nếu không may những con vật này chết khi chui vào mắt sẽ khiến mắt xót như bỏng, gây phù nề mi, sưng tấy, tiết dịch… Bệnh nhân bị đau đớn, khó mở mắt, nước mắt chảy giàn giụa, giảm thị lực.

“Cách xử lý tự day dụi mắt hay tự vạch mắt tìm ra dị vật là xử lý sai. Người bệnh phải rửa mắt bằng nước sạch để làm trôi con vật hoặc hoặc chất độc ra. Hoặc có nhiều người tự tra bừa các loại thuốc càng làm nặng hơn, gây đau hơn”, BS Cương nói.

Thời điểm mùa hè rất dễ bùng phát dịch đau mắt đỏ do virus gây ra, lây lan nhanh, biểu hiện chung là sốt nhẹ, ho, đau họng, nổi hạch, đỏ mắt, ra ghèn, cộm rát, nhìn mờ. Tuy nhiên, có khi chỉ là đau mắt đỏ lành tính, nhưng dùng thuốc sai gây nhiễm herpes làm mưng mủ gây tai biến mù lòa. Rất nhiều trường hợp thấy mắt đỏ sau khi bị dị vật đã tự ý mua và nhỏ các thuốc kháng sinh có thành phần corticoid để nhỏ. Việc sử dụng không đúng cách có thể gây tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể, viêm kết mạc bề mặt, mỏng lớp giác mạc, suy giảm thị lực và những tổn thương này không thể cứu vãn.

Chuyên gia khuyến nghị khi bị đau mắt đỏ, nếu người bệnh ngại đến bệnh viện, đầu tiên cần dùng nước muối thường xuyên để làm sạch mắt hoặc dùng loại kháng sinh phổ rộng. Nếu 3-5 ngày không khỏi, người bệnh nên đến cơ sở y tế ban đầu nếu bệnh ở cấp độ thấp. Nếu mức độ nặng hơn có thể có biến chứng, bắt buộc phải chuyển tuyến y tế cao hơn.

Để phòng tránh dịch đau mắt đỏ, biện pháp tốt nhất là tránh xa khỏi nguồn gây bệnh. Cách phòng bệnh thụ động thứ hai là đeo khẩu trang, đeo kính, không nói chuyện với bệnh nhân ở khoảng cách khoảng 1m để giảm bớt nguy cơ.

Bên cạnh đó, nhỏ nước muối sinh lý thường xuyên là cách phòng bệnh hiệu quả. Đặc biệt, khi có virus tình cờ bám vào mắt, việc dùng nước muối rửa trôi đi là an toàn nhất. Trong môi trường có người bị đau mắt đỏ, tốt nhất nên nhỏ nước muối khoảng 6 giờ/lần để loại bỏ virus lây bệnh. 

Theo TRẦN NGUYÊN/nhandan.com.vn

 

Tệp đính kèm