Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 2/5, từ ngày 2-31/5, tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ diễn ra các hoạt động văn hóa ý nghĩa với chủ đề “Hát về Người.”
(Ảnh minh họa: Xuân Dự/TTXVN)
Thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 2/5 cho biết, từ ngày 2-31/5, tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ diễn ra các hoạt động văn hóa ý nghĩa với chủ đề “Hát về Người.”
Đây là những hoạt động thiết thực hướng tới kỷ niệm 129 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890- 19/5/2019); kỷ niệm 50 năm thực hiện di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2019); kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh-Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959-19/5/2019).
Các hoạt động cũng góp phần thực hiện Cuộc vận động học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng những việc làm, hoạt động cụ thể của đồng bào các dân tộc và lan tỏa đến khách du lịch tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Hoạt động tháng Năm tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam có sự tham gia của gần 100 đồng bào 13 dân tộc (Tày, Dao, H'Mông, Thái, Mường, Khơ Mú, Tà Ôi, Cơ Tu, Ba Na, Xơ Đăng, RagLai, Ê Đê, Khmer) đến từ 12 địa phương…
Hoạt động điểm nhấn trong tháng Năm này là chương trình nghệ thuật, ca múa nhạc “Hát về Người” do Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc và đồng bào các dân tộc trình diễn.
Các nghệ sỹ, nghệ nhân, đồng bào sẽ trình diễn nhiều tiết mục ca, múa, nhạc ca ngợi quê hương đất nước, tình cảm của đồng bào các dân tộc với Bác Hồ kính yêu, nhân kỷ niệm 129 năm ngày sinh và 50 năm thực hiện di chúc của Người.
Cũng trong tháng Năm này, đồng bào dân tộc Ba Na tỉnh Gia Lai sẽ tái hiện lễ kết nghĩa anh em (Lễ Tơ Mon) tại làng dân tộc Ba Na, Khu các làng dân tộc II. Lễ Tơ Mon là một tập tục truyền thống của đồng bào dân tộc Ba Na, đây là nghi thức nhận con nuôi của đồng bào dân tộc Ba Na.
Sau nghi lễ này, người mẹ, cha (nuôi) có trách nhiệm thương yêu, bao bọc con nuôi như con ruột và ngược lại. Phần giới thiệu nghi thức kết nghĩa trong lễ Tơ Mon diễn ra giữa đồng bào dân tộc Ba Na và đồng bào dân tộc Tà Ôi, Xơ Đăng.
Bao đời nay người Ba Na kết nghĩa anh em, chị em, cha con, mẹ con hay buôn làng với nhau. Lễ Tơ Mon mang đậm tính nhân văn, góp phần phát huy tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau trong lúc hoạn nạn, khó khăn, cũng như chia sẻ niềm vui gia đình, cộng đồng.
Cũng trong tháng 5/2019, Ban tổ chức thực hiện Lễ Phật Đản tại chùa Khmer trong khuôn viên Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam nhằm duy trì hoạt động Phật sự hàng năm theo truyền thống Phật giáo, phục vụ đời sống văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng của phật tử Hà Nội, qua đó tăng cường đoàn kết tăng ni, phật tử các hệ phái.
Lễ Phật đản góp phần lan tỏa giá trị văn hóa, tâm linh của ngôi chùa Khmer thứ 454 và cũng là ngôi chùa duy nhất theo Phật giáo Nam tông giữa lòng Hà Nội…
Vào dịp cuối tuần cũng diễn ra chương trình giao lưu văn nghệ với các tiết mục dân ca, dân vũ (ca khúc, điệu múa về Bác Hồ, quê hương, đất nước) của đồng bào các dân tộc Ba Na, Tà Ôi, Cơ Tu, Xơ Đăng...
Bên cạnh đó là chương trình múa rối nghệ thuật “Ước mơ xanh” của Nhà hát Múa rối Việt Nam. Chương trình trải nghiệm “Ngày Hè của em” sẽ trưng bày, giới thiệu các hoạt động liên quan đến trẻ thơ tại Làng với những hình ảnh của các hoạt động ấn tượng mùa Hè năm 2016, 20170, 2018; cuộc thi viết chữ đẹp “Nét chữ, nết người;” cuộc thi vẽ tranh “Em yêu làng em” và một số trò chơi dân gian của trẻ thơ như chơi ô ăn quan, đánh chắt chơi chuyền, làm diều…
Ban tổ chức cũng trình diễn, trưng bày, giới thiệu về nhạc cụ truyền thống, có phần trải nghiệm và học thử các nhạc cụ của đồng bào. Các em thiếu nhi còn được tham gia một số trò chơi dân gian của đồng bào các dân tộc như bắn nỏ, kéo co, làm súng bắn bằng tre, súng quay bằng tre, tó má lẹ…; các hoạt động giáo dục về môi trường sinh thái, văn hóa dân tộc./.
Theo Thanh Giang (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/to-chuc-chuong-trinh-hat-ve-nguoi-tuong-nho-chu-tich-ho-chi-minh/566996.vnp