Đái tháo đường (tiểu đường) là nguyên nhân gây tử vong thứ 3 sau tim mạch và ung thư. Bệnh có xu hướng trẻ hoá rất nhanh, trẻ hơn 10 tuổi đã mắc bệnh.
Mỗi năm có gần 29.000 người tử vong
Theo thống kê, tại Việt Nam hiện có 3,53 triệu người chung sống với bệnh tiểu đường. Mỗi năm có gần 29.000 người tử vong, tương đương hơn 80 người tử vong/ngày do các biến chứng liên quan như biến chứng tim mạch, thần kinh, thận, mạch máu, mắt... Trong đó bệnh nhân tiểu đường có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim, đột quỵ cao gấp 2-3 lần người bình thường. Tiểu đường là nguyên nhân gây tử vong hàng thứ 3 sau tim mạch và ung thư.
Việt Nam hiện có 3,53 triệu người chung sống với bệnh tiểu đường. (Ảnh minh họa: KT)
Năm 2017, Việt Nam đã tốn khoảng 765 triệu USD cho điều trị bệnh tiểu đường. Ước tính vẫn còn 63% bệnh nhân tiểu đường chưa được chẩn đoán trong cộng đồng. Trong đó, chỉ có 30% tuân thủ phác đồ điều trị, gây ra gánh nặng rất lớn cho gia đình, xã hội.
Trẻ hơn 10 tuổi đã mắc tiểu đường
Mới đây, Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị tiểu đường type 2 cho bé gái mới 13 tuổi. Người nhà bé gái cho biết, từ nhỏ cháu đã thích uống nước ngọt và thường xuyên uống nước ngọt hàng ngày. Lớn lên, cân nặng của bé tăng nhanh ở mức béo phì. Khi tới bệnh viện khám, chỉ số glucose trong máu của bé gái này đã lên tới 11, trong khi ở mức 6,5 đã được chẩn đoán mắc tiểu đường.
GS Thái Hồng Quang, Chủ tịch Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam cho biết, tiểu đường xuất hiện do rối loạn chuyển hoá đường trong máu, phổ biến nhất là type 1 và type 2 (chiếm khoảng 90%).
Trong đó tiểu đường type 1 chủ yếu gặp ở trẻ em hay còn gọi đái tháo đường phụ thuộc insulin kèm theo các triệu chứng rầm rộ như: Khát nước, tiểu nhiều và thường xuyên đói, ăn nhiều nhưng vẫn sút cân, hay mệt mỏi...
Tiểu đường type 2 không phụ thuộc insulin, là bệnh mạn tính và diễn tiến suốt cuộc đời, thường gặp ở người trưởng thành trên 40 tuổi nhưng hiện nay có xu hướng trẻ hoá rất nhanh.
Theo GS Thái Hồng Quang, hiện nay tiểu đường type 2 có thể gặp ở những bệnh nhân rất nhỏ mới 9-10 tuổi, 13- 14 tuổi. Nguyên nhân là do béo phì, nhất là khi tình trạng này ngày càng tăng ở Việt Nam.
GS Quang cho rằng, để dự phòng tiểu đường type 2 ở người trẻ, cha mẹ không nên ép trẻ ăn nhiều và không để trẻ ngồi một chỗ quá lâu.
Với những trường hợp đã mắc tiểu đường, GS Quang khuyến cáo, người bệnh cần phải thực hiện chế độ ăn uống nghiêm ngặt, tập luyện thể lực đều đặn. “Chỉ cần duy trì dinh dưỡng và tập luyện có thể giúp 58% bệnh nhân kiểm soát được lượng đường trong máu, trong khi nếu chỉ dùng thuốc thì tỉ lệ này chỉ ở mức 31%”- GS Quang cho biết.
GS Thái Hồng Quang cũng cho rằng, với tình hình gia tăng nhanh chóng bệnh đái tháo đường tại Việt Nam, đội ngũ y bác sĩ cần thường xuyên cập nhật kiến thức để tối ưu hoá phác đồ điều trị; Bên cạnh đó, cần phải truyền thông rộng rãi hơn nữa kiến thức phòng bệnh cho người dân./.
Theo T.H/VOV.VN