Cập nhật: 06/05/2019 07:42:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Ra thăm đảo Trường Sa hằng năm có nhiều văn nghệ sĩ đi thực tế sáng tác, ngoài các nhà văn, nhạc sĩ, nghệ sĩ nhiếp ảnh… còn có nhiều họa sĩ. Dù còn ít được nhắc đến... nhưng họ đều có những giây phút tác nghiệp trực tiếp, thú vị. Họa sĩ Lê Thế Anh, giảng viên Trường ĐH SK&ĐA Hà Nội vừa trở về sau chuyến thực tế Trường Sa. Thời Nay xin giới thiệu bài viết và một số bức ký họa của anh.

Ký họa trong chuyến đi Trường Sa.

1. Các đoàn từ đất liền ra thăm cán bộ, chiến sĩ Trường Sa đều bao gồm rất nhiều thành phần. Mục đích để các tổ chức, cơ quan xã hội có dịp chia sẻ tình cảm, vật chất, những đóng góp cụ thể từ đất liền đến Trường Sa, giúp Trường Sa gần hơn trong tim mọi người và củng cố thêm tình yêu biển đảo cũng như Tổ quốc yêu thương.

Với các nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, đến với Trường Sa còn là cơ hội, trải nghiệm quý bởi thông qua những trải nghiệm trực tiếp ngoài biển đảo, các nghệ sĩ có cơ hội hiểu sâu sắc hơn đời sống tinh thần và vật chất của lính đảo, những khó khăn, sự can trường của người lính... Qua đó, các nghệ sĩ có được những chất liệu quý giá làm nên những tác phẩm giàu sức thuyết phục về hải đảo, về chiến sĩ Hải quân. Mỗi nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ hay họa sĩ... bằng đặc thù nghề nghiệp đều có thể có những sáng tác trực tiếp, khi cảm xúc đong đầy.

Với họa sĩ, khả năng tương tác với chiến sĩ có vẻ khá trực diện. Chúng tôi có thể mời chiến sĩ ngồi để vẽ ký họa rồi tặng lại họ hoặc vẽ phong cảnh biển đảo bằng các chất liệu tiện dụng như mầu nước, phấn mầu. Những sáng tác như vậy rất giàu cảm xúc, không khí biển đảo... mà ở đất liền không dễ gì có được. Chúng hoàn toàn có thể trở thành những tác phẩm độc lập, có giá trị riêng biệt. Mỗi bức ký họa, chúng tôi thường mất 5 - 30 phút và sau một hành trình thăm đảo, họa sĩ có được một số lượng khá nhiều các bức vẽ. Đó cũng là thế mạnh trong sáng tác của hội họa so các lĩnh vực nghệ thuật khác.

2. Chúng tôi thường được báo thức lúc 5 giờ sáng và tập kết lên đảo trước 7 giờ để kịp tham dự các chương trình chào cờ, lễ tiếp đón và các hoạt động trao quà từ đất liền, văn nghệ, đi thăm cơ sở vật chất đời sống chiến sĩ trên đảo. Buổi tối, chúng tôi thường có các sinh hoạt trên tàu như nghe bản tin hoạt động trong ngày, giao lưu văn nghệ. Nhìn chung, hành trình của chúng tôi gặp thời tiết thuận lợi, biển lặng... mọi người trong đoàn sức khỏe tốt và chúng tôi đều có những giây phút quý giá, đẹp đẽ bên các cán bộ chiến sĩ Trường Sa.

Đến các đảo, tôi thường vẽ ký họa chân dung các cán bộ chiến sĩ. Đây là sự thôi thúc tự thân vì tôi vốn thích vẽ chân dung nhưng đồng thời tôi cũng muốn có món quà là sản phẩm từ chính khả năng và trái tim mình tặng cho các chiến sĩ. Tôi biết các chiến sĩ, với độ tuổi thanh xuân của mình rất yêu thích văn nghệ nên tôi chỉ vẽ họ khi chương trình văn nghệ được quá nửa thời gian. Những lúc ấy các chiến sĩ thường tập trung cho tôi vẽ khá đông và họ rất vui khi được tôi tặng lại. Tôi đặc biệt thích vẽ các chiến sĩ khi họ đang canh gác làm nhiệm vụ vì tư thế chiến sĩ rất đẹp, nhất là khi họ lại đứng ở các cột mốc ghi rõ chủ quyền, tọa độ biển đảo của Tổ quốc. Ngoài ra, tôi còn tranh thủ vẽ tặng các thủy thủ, quân nhân trên tàu. Vì vậy tôi không nhớ mình đã vẽ bao nhiều bức ký họa. Chỉ biết lúc ở trên đảo, tôi cố gắng vẽ được càng nhiều càng tốt. Tôi sợ không kịp vẽ hết cảm xúc của mình vì mỗi người lính Trường Sa đều mang lại cho tôi sự nể trọng, trân quý về sự quả cảm, lòng bao dung và tình yêu Tổ quốc.

Ký họa một cán bộ trên tàu KN390 và chiến sĩ trên đảo Thuyền Chài.

Ký họa trong hội họa rất hay khi giúp họa sĩ nắm bắt được khoảnh khắc, tinh thần nhân vật hoặc không khí bối cảnh. Ký họa đòi hỏi người họa sĩ phải có mắt nhìn tổng thể, đi nét nhanh chóng và chính xác. Với tôi, mỗi bức ký họa thường diễn ra từ 5 - 15 phút. Tôi thường vẽ ký họa thâm diễn với các chiến sĩ đứng gác và sẽ tốc họa khi có quá đông các chiến sĩ mong được vẽ mà thời gian lại có hạn. Tôi nhớ mãi hôm tôi vào đảo An Bang. Chương trình văn nghệ rất hay và các chiến sĩ còn tham gia khá nhiều tiết mục. Lúc hết chương trình, tôi mời một em ra vẽ tặng. Lúc đó thời gian còn rất ít, loa của tàu đang hối giục mọi người ra cầu cảng nên khi vẽ xong, tôi chỉ kịp ký, chụp ảnh lưu niệm rồi hối hả chạy đi. Lúc ra đến bến cập cano, đang hí húi mặc áo phao thì cậu chiến sĩ chạy ra bảo “anh quên bút chì này...” rồi dúi vào tay tôi kịp nói “em tặng anh quả bàng vuông”. Tôi rất bất ngờ và cảm động vì quả bàng vuông ở đảo rất hiếm, chỉ rụng khi quả khô và thường là món quà hiếm hoi để Ban chỉ huy đảo tặng cho khách. Tôi cảm động vì cách tặng rất chiến sĩ, rất Trường Sa ấy.

Ngoài ra, có những hình ảnh, giây phút ở Trường Sa khiến tôi nhớ mãi như hình ảnh một chiến sĩ trẻ đang ngồi ghi số điện thoại người thân từ lòng bàn tay ra chiếc lá bàng khô. Nhìn người chiến sĩ nụ cười tủm tỉm, ánh mắt ngắm nghía những con số trên chiếc lá đang nâng niu trên tay khiến tôi tin đấy là số điện thoại của người yêu anh.

3. Trước khi đến với Trường Sa tôi đã được nghe kể nhiều chuyện về lính đảo. Lúc đó tôi có cảm tưởng như mình đang nghe những câu chuyện cổ tích. Nhưng khi ra đến Trường Sa rồi, tôi biết đó là những câu chuyện cổ tích có thật với những người hùng có thật. Đứng trước các chiến sĩ, tôi thấy mình thật nhỏ bé. Trường Sa là một đề tài hội họa bất tận. Mỗi ngọn sóng, cây phong ba, nụ bàng vuông, một chú chó, ngọn hải đăng hay gương mặt cương nghị rám nắng của người chiến sĩ... đều là những tư liệu quý giá và sống động để đưa vào tranh. Tôi dự định sẽ vẽ một tác phẩm lớn bằng chất liệu sơn dầu về Trường Sa. Nhưng tôi tin dù vẽ thế nào thì cũng không thể nói hết những hy sinh và lòng quả cảm của người lính nơi đây. Tôi chỉ biết rằng, cứ vẽ thôi, vẽ như một cách thiết thực để biết ơn những người lính; vẽ để thấy người lính mình anh hùng trong giản dị, để thấy Tổ quốc mình đẹp và kỳ vĩ, hiên ngang.

Theo nhandan.com.vn

Tệp đính kèm