Để làm ra một chiếc lọng phải trải qua hàng chục công đoạn, đòi hỏi tính tỉ mỉ, kỳ công và kiên trì.
Ngày xưa, lọng thường dùng để rước nhằm tăng sự trang nghiêm, quý phái trong các nghi lễ của triều đình hay cúng tế dân gian. Từ đó hình ảnh lọng trở thành vật dùng trang trí trong các ngôi chùa, đình làng, nhà thờ họ hay cưới hỏi…
Để làm ra một chiếc lọng phải trải qua hàng chục công đoạn, đòi hỏi tính tỉ mỉ, kỳ công và kiên trì. Đầu tiên chuẩn bị cây tre đực dài khoảng 2m, phơi khô đánh bóng làm thân lọng rồi lấy gỗ mít tiện thành hình khối để làm gen; trên đầu gen xẻ các đường sâu để gắn những cây chống làm từ nan tre giúp lọng giương lên hay xếp lại dễ dàng.
Tiếp đến là công đoạn làm sườn, cũng giống như cây chống nhưng dài hơn, được uốn cong một đầu. Sau đó ráp các bộ phận lại với nhau tạo thành hình chiếc dù và phủ lên lọng một loại giấy dai bền hay vải the để làm áo, phết cật hoặc sơn chống thấm.
Nghệ nhân ưu tú Hoàng Ngọc Tuyên ở phường Phường Đúc - thành phố Huế với thâm niên 30 năm trong nghề làm lọng dù đã ở độ 74 tuổi, nhưng vẫn miệt mài vót những thanh tre để giữ gìn và phát triển nghề làm lọng truyền thống.
Ông Tuyên cho biết, hiện ngày càng có nhiều đơn đặt hàng từ Bắc tới Nam với các sản phẩm chính là tán thờ và lọng cưới, các mặt hàng lưu niệm như lồng đèn Hội An, lồng đèn ú, đèn kéo quân các sản phẩm mô hình bằng tre về những hình ảnh thuần Việt khác…
Có thể nói, cùng với các làng nghề - cơ sở nghề truyền thống khác, những sản phẩm lọng - đèn màu sắc rực rỡ để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp cho Festival nghề truyền thống Huế 2019; quan trọng hơn là giới thiệu nét đẹp văn hóa xứ Huế đến du khách thập phương./.
Theo CTV Lê Huy Hoàng Hải/VOV.VN