Việt Nam đang có khoảng 300.000 người mắc bệnh ung thư. Con số thống kê ước tính mỗi năm cả nước có 115.000 người tử vong và thêm 165.000 người bị phát hiện mắc mới căn bệnh này.
Các bệnh nhân đang điều trị bệnh ung thư. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Theo thống kê, mỗi năm Việt Nam có khoảng 115.000 bệnh nhân tử vong vì ung thư, trong đó 80% bị sụt cân, 30% chết vì suy kiệt trước khi qua đời do khối u. Đa số bệnh nhân ung thư chỉ tập trung vào điều trị mà chưa chú trọng đến chế độ dinh dưỡng để nâng cao thể trạng.
Đây là điều đáng lo ngại nhiều bệnh nhân thiếu hiểu biết, do lo sợ bệnh ung thư phát triển hoặc tái phát còn ăn kiêng quá mức dẫn đến sụt cân, suy dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
Giáo sư Trần Văn Thuấn - Giám đốc Bệnh viện K đã nhấn mạnh như vậy khi phát biểu tại Hội nghị dinh dưỡng với chủ đề dinh dưỡng trong dự phòng và điều trị ung thư, do Trường Đại học Y Hà Nội tổ chức sáng 6/6, tại Hà Nội.
Giám đốc Bệnh viện K cho hay, Việt Nam hiện có khoảng 300.000 người sống chung với ung thư. Con số thống kê ước tính mỗi năm cả nước có 165.000 ca mắc mới và có khoảng 115.000 ca tử vong/năm do bệnh ung thư. Con số này dự kiến tiếp tục gia tăng, do đó ung thư đang là mối đe dọa lớn đến sức khỏe của mỗi người.
Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu phòng chống ung thư, ở Việt Nam hiện nay, rất nhiều bệnh nhân ung thư không được chăm sóc dinh dưỡng đúng trong suốt thời gian trị bệnh nên đã dẫn đến tình trạng sụt cân, suy dinh dưỡng và suy kiệt trầm trọng hơn.
Giáo sư Trần Văn Thuấn - Giám đốc Bệnh viện K phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Nghiên cứu sâu về vấn đề dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư, các nghiên cứu viên tại Khoa dinh dưỡng và tiết chế (Đại học Y Hà Nội) đã tiến hành đề tài nghiên cứu về "Tình trạng dinh dưỡng và chất lượng cuộc sống của người bệnh ung thư đường tiêu hóa sau 2 tháng điều trị hóa chất tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội."
Kết quả của đề tài nghiên cứu cho thấy, có 59% đối tượng nghiên cứu có tình trạng tốt, 41% người bệnh có nguy cơ suy dinh dưỡng ở mức vừa và nặng. Trong số người bệnh nguy cơ suy dinh dưỡng, có 18% người bệnh có nguy cơ suy dinh dưỡng nặng và 23% người bệnh có nguy cơ suy dinh dưỡng ở mức độ nhẹ và vừa.
Đặc biệt, người bệnh có tình trạng dinh dưỡng tốt có điểm đau thấp hơn người bệnh suy dinh dưỡng. Bên cạnh đó,những người bệnh suy dinh dưỡng có các triệu chứng mệt mỏi, buồn nôn, nôn, đau, rối loạn giấc ngủ, mất cảm giác ăn ngon… cao hơn người bệnh suy dinh dưỡng.
Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra rằng chỉ cần sụt 5% cân nặng đã rút ngắn 1/3 thời gian sống của bệnh nhân. Tình trạng phổ biến trên đa số bệnh nhân ung thư hiện nay chính là suy kiệt cơ thể. Đây có thể là phản ứng phụ của quá trình điều trị hoặc do tâm lý chán nản, lo lắng của người bệnh nhưng đa phần là do chính khối u gây ra. Khối u làm thay đổi chuyển hóa bình thường của cơ thể, làm cơ thể tiêu hao năng lượng nhiều hơn, các tế bào, mô của cơ thể bị phá huỷ, bao gồm cả các khối cơ.
Do đó, dẫn tới hậu quả nhiều bệnh nhân không thể theo hết được các liệu pháp điều trị do cân nặng và thể lực bị suy giảm trầm trọng. Điều này ảnh hưởng lớn tới hiệu quả điều trị và làm giảm thời gian sống của người bệnh đồng thời, nó cũng làm tăng tỷ lệ biến chứng, nhiễm trùng và dẫn đến tử vong của bệnh nhân ung thư.
Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo, qua việc đánh giá tình trạng dinh dưỡng và can thiệp dinh dưỡng có vai trò rất quan trọng, góp phần tăng hiệu quả điều trị, thời gian sống và chất lượng cuộc sống cho người bệnh ung thư. Dinh dưỡng tốt có tác dụng nâng đỡ để người bệnh có đủ sức theo được hết các liệu pháp điều trị nặng nề. Người bệnh ung thư cần chú ý xây dựng một chế độ dinh dưỡng hợp lý trước, trong và sau quá trình điều trị đều nhằm đến mục tiêu là tăng cường thể lực trong quá trình điều trị./.
Theo Thùy Giang (Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/nhieu-benh-nhan-ung-thu-khong-chet-vi-khoi-u-ma-chet-vi-suy-dinh-duong/573417.vnp