Cập nhật: 08/06/2019 10:04:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nằm ở phía tây nam Hà Nội, làng Ước Lễ (xã Tân Ước, huyện Thanh Oai) nổi tiếng với nghề làm giò chả truyền thống. Từ cánh cổng làng vùng thôn quê Bắc Bộ, người dân nơi đây đã mang nghề cổ truyền đi khắp mọi miền đất nước. Hiện nay, Ước Lễ còn là một trong những điểm đến thu hút khách du lịch bởi không gian cổ kính và nếp sống lâu đời vẫn được gìn giữ.

Khách tham quan làng nghề giò chả Ước Lễ.

Ông Nguyễn Văn Mùi, Chi Hội trưởng Người cao tuổi làng Ước Lễ cho biết, ông có ba người con thì hai người đang sinh sống ở Hà Nội với nghề giò chả. Nguyên nhân nhiều người dân không còn làm nghề tại làng là do nhiều công đoạn, sản phẩm lại đa dạng, cho nên cần nhiều người làm và nhất là thị trường lớn để tiêu thụ như ở những thành phố lớn, nơi đông người, vì vậy phần lớn người dân làng Ước Lễ đã mang nghề cổ truyền đi mưu sinh nơi khác.

Ước Lễ nay cũng hấp dẫn khách du lịch tìm đến bởi quần thể kiến trúc cổ kính. Là một trong những làng cổ ven đô nổi tiếng của Hà Nội, Ước Lễ mang đậm chất thôn quê Bắc Bộ và chưa bị biến đổi nhiều. Làng quê thanh bình, vắng lặng với những rặng tre xanh mát, hàng cau thẳng tắp và những bức tường loang lổ màu thời gian. Dấu vết của quá khứ vương trên từng viên đá, từng khoảng tường rêu phong nơi mái đình, giếng nước và vòm quán chợ. Trên gác cổng làng vẫn còn bức đại tự "Mỹ tục khả phong" mà đến nay người dân làng Ước Lễ hết sức gìn giữ, tự hào về một truyền thống lịch sử không phải vùng quê nào cũng có. Ước Lễ từng thuộc phủ Ứng Thiên, là một trong sáu làng của tỉnh Hà Tây cũ được Vua Tự Ðức ban tặng danh hiệu cao quý này.

Ông Ðặng Ðình Dậu, 75 tuổi, đảm nhiệm việc trông nom đình làng Ước Lễ hằng ngày cho biết, đình được xây dựng từ thời nhà Mạc, đến nay gần như vẫn giữ được nguyên vẹn cả về kiến trúc và cảnh quan. Bên trong còn nhiều bức hoành phi, câu đối, xà ngang, cột kèo được chạm khắc tỉ mỉ. Hằng năm, ngày 12-8 âm lịch là ngày lễ của làng hoặc vào ngày rằm tháng Giêng, người dân làng Ước Lễ đi làm ăn xa lại tụ họp về để lễ Thánh, lễ chùa, lễ đình. Những dịp này, người cao tuổi trong làng lại lần giở sử xưa, kể những tích chuyện về mái đình hàng trăm năm và những biến thiên của thời gian, tác động đến ngôi đình.

Khách đến thăm Ước Lễ sẽ được giới thiệu, tìm hiểu về nghề làm giò chả nơi đây. Chúng tôi đến thăm nhà ông Quang, một gia đình duy trì nghề truyền thống qua nhiều đời trong làng. Những nồi giò, nồi bánh chưng đang được luộc để kịp phiên chợ sáng hôm sau, tỏa hương thơm nức. Bây giờ người làm nghề trong làng không còn giã thịt bằng tay nữa, chủ yếu thịt được xay bằng máy, nhưng giò chả Ước Lễ vẫn giữ vị thơm ngon, giòn ngọt. Chiều lòng du khách, ông Quang vui vẻ thao tác quy trình làm giò chả giã tay. Những lát thịt tươi ấm mềm được đưa vào cối giã, ông Quang ngồi xuống chiếc ghế thấp, hai chân kẹp giữ chiếc cối đá, hai tay hai chày giã luân phiên. Giã đến khi thịt quánh lại, không bám vào chày nữa. Tiếng giã giò rộn rã một góc bếp, như có nhịp, có điệu. Thịt giã nhuyễn được gói bằng lá chuối để giữ hương vị thơm ngon của giò chả Ước Lễ…

Trong sự phát triển mạnh mẽ của cuộc sống hiện nay, làng Ước Lễ vẫn chưa bị nhiều tác động. Các đoàn khách đến đây đều được hòa nhập vào các sinh hoạt của làng quê. Bởi vậy, ngôi làng cổ kính với nghề giò chả truyền thống dần trở thành địa chỉ thú vị trong các tua du lịch làng nghề truyền thống thu hút khách.

BÀI, ẢNH: NGỌC LIÊN

Theo nhandan.com.vn

Tệp đính kèm