Thương chiến Mỹ-Trung sẽ tạo ra cuộc chiến về tiền tệ, dẫn đến hệ luỵ là giá cả hàng hoá leo thang, nguy cơ thâm hụt thương mại với Trung Quốc gia tăng.
Với môi trường kinh doanh thông thoáng và an ninh, chính trị ổn định, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung được nhìn nhận sẽ đưa đến cho Việt Nam cơ hội đón nhận thêm dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Trung Quốc cũng như tạo cơ hội cho xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội, nhiều chuyên gia cũng lưu ý đến việc thương chiến này sẽ tạo ra cuộc chiến về tiền tệ. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, nhiều nước trên thế giới đang có xu hướng phá giá đồng tiền, dẫn đến hệ luỵ là giá cả hàng hoá leo thang, giá dầu biến động. Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, toàn cầu hóa, bất kỳ diễn biến kinh tế thế giới và khu vực đều đem lại những thuận lợi và khó khăn cho các nền kinh tế có liên quan.
Nguy cơ thâm hụt thương mại với Trung Quốc
Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Trung Quốc hiện là thị trường có quan hệ thương mại hai chiều lớn nhất của Việt Nam. Bên cạnh việc tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, một trong những biện pháp Trung Quốc sử dụng để đối phó với lệnh trừng phạt của Mỹ là phá giá đồng Nhân dân tệ đối với đồng đô la Mỹ nhằm thúc đẩy xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu để giảm thâm hụt kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc, đồng thời khuyến khích tiêu dùng trong nước, đảm bảo tăng trưởng kinh tế.
Nguy cơ thâm hụt thương mại với Trung Quốc có thể gia tăng do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung (Ảnh minh hoạ: KT)
“Cạnh tranh thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc gay gắt hơn. Khi Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ tạo nên áp lực cạnh tranh hàng hóa xuất khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc vào các thị trường ngoài Mỹ ngày càng gay gắt. Mặt khác, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào Trung Quốc sẽ khó khăn hơn vì giá hàng xuất khẩu của Việt Nam trở nên đắt hơn ở thị trường Trung Quốc”, ông Nguyễn Bích Lâm nhận định.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, khi Mỹ áp thuế cao đối với hàng hóa Trung Quốc xuất sang Mỹ, Trung Quốc sẽ chuyển hướng một phần chiến lược xuất khẩu vào phục vụ thị trường nội địa, tạo áp lực cạnh tranh đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc. Đồng thời, Trung Quốc có thể chuyển hướng xuất khẩu sang các nước khác; trong đó có Việt Nam. Ngoài ra, cuộc chiến thương mại do Mỹ phát động với mục tiêu đánh vào ngành sản xuất công nghiệp của Trung Quốc, hiện tại thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc lại chủ yếu là các sản phẩm công nghiệp.
Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê
“Nguy cơ thâm hụt cán cân thương mại với Trung Quốc tiếp tục gia tăng, nhập siêu của Việt Nam từ thị trường Trung Quốc 5 tháng đầu năm 2019 vẫn ở vị trí dẫn đầu với ước tính 16,1 tỷ USD, tăng 45,9% so với cùng kỳ 2018. Việc hàng hoá của Trung Quốc bị áp thuế nhập khẩu cao tại Mỹ tiềm ẩn nguy cơ hàng hoá Trung Quốc được chuyển qua các nước khác; trong đó, có Việt Nam để gian lận xuất xứ khi xuất khẩu sang Mỹ”, ông Nguyễn Bích Lâm cho hay.
Bên cạnh đó, gần đây phía Mỹ có xu hướng tăng cường điều tra chống lẩn tránh thuế với hàng hóa đi qua một nước trung gian để xuất khẩu tới Mỹ.
“Nếu Việt Nam không quản lý được xuất xứ nguồn hàng xuất khẩu thì khả năng hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ sẽ bị Hoa Kỳ áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh xuất xứ rất dễ xảy ra”, ông Lâm cảnh báo.
Cần phối hợp chính sách điều hành tỷ giá
Còn theo TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, cuộc chiến này của Mỹ và Trung Quốc có tác động nhất định đối với Việt Nam, bởi tiền Nhân dân tệ là 1 trong 8 đồng tiền mạnh trong giỏ ngoại tệ để tính tỷ giá trung tâm của Việt Nam, hơn nữa quan hệ thương mại Việt Nam với Trung Quốc hiện nay khá lớn. Tuy nhiên, tác động của việc phá giá đồng Nhân dân tệ chưa đáng lo ngại, dù thương mại Việt - Trung đang lớn nhưng đồng tiền giao dịch vẫn là đô la Mỹ, chỉ một số giao dịch là Nhân dân tệ.
“Nếu giá đồng Nhân dân tệ thấp, chúng ta lại thanh toán bằng đồng tiền này, đây là điều có lợi cho doanh nghiệp Việt bởi chúng ta đem USD đi mua hàng sẽ quy đổi ra nhiều tiền của họ hơn và mua được nhiều hàng hơn. Trong khi đó, các giao dịch bằng USD sẽ được giữ nguyên tỷ giá, không có tác động nào với giá cả hiện nay”, TS. Cấn Văn Lực cho hay.
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế (Ảnh: KT)
TS Cấn Văn Lực cho rằng, thương chiến Mỹ-Trung có thể khiến xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc khó khăn trong ngắn hạn nhưng về dài hạn thì không đáng quan ngại bởi sau khi doanh nghiệp Trung Quốc thích ứng được, họ sẽ nhập hàng hóa của Việt Nam. Ngược lại, khi họ ổn định tâm lý, sẽ cung ứng một số loại nguyên liệu cho Việt Nam đầy đủ và một số ngành của Việt Nam sẽ ổn định để xuất khẩu.
“Chúng ta cần nâng cao năng lực hấp thụ luồng vốn và định hình rõ xu hướng phát triển của đất nước. Giá trị gia tăng của Việt Nam nằm ở đâu, dựa vào lao động, tài nguyên hay thu hút vốn sẽ nhận được các doanh nghiệp truyền thống, còn nếu dựa vào giá trị gia tăng từ con người, công nghệ, sáng tạo, đổi mới sẽ chọn lựa được các doanh nghiệp mới, doanh nghiệp thông minh và có giá trị cao hơn cho nền kinh tế”, TS. Cấn Văn Lực nêu ý kiến.
Theo TS. Cấn Văn Lực, phối hợp chính sách tỷ giá với cách điều hành tỷ giá là biện pháp quan trọng hiện nay. Bên cạnh đó, cần phá vỡ lo ngại tâm lý tỷ giá trên thị trường, bởi hiện tâm lý tỷ giá trong giới đầu tư là khá nặng nề, cơ quan quản lý cần công khai phương án để thị trường, người dân biết và ổn định tâm lý, trấn an.
“Ngân hàng Nhà nước vẫn cần theo dõi đánh giá, sẵn sàng can thiệp tỷ giá khi cần thiết và chúng ta cũng có đủ năng lực làm việc này. Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần hết sức bình tĩnh, đánh giá tác động cuộc chiến này, chú trọng hơn rủi ro về tỷ giá, lãi suất, các công cụ này các ngân hàng thương mại đều có và giữa doanh nghiệp và ngân hàng có thể kết hợp với nhau”, TS. Cấn Văn Lực khuyến cáo.
Theo Cẩm Tú/VOV.VN