Cập nhật: 12/06/2019 09:14:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nhằm bảo vệ và phát huy giá trị, những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của người Hoa tại quận 5, thu hút khách du lịch, vừa qua, UBND quận đã tổ chức giải Lân - Sư - Rồng Chợ Lớn - quận 5 lần hai với sự tham gia của 26 đoàn đến từ tám tỉnh, thành phố lân cận và các đoàn từ các quận, huyện của thành phố tham dự.

Tiết mục biểu diễn lân lên mai hoa thung của quận 5.

"Nghề chơi cũng lắm công phu", câu nói này áp dụng đúng với cả nghề làm đầu lân lẫn múa lân. Người múa lân phải bê đầu lân múa hàng giờ liền, nâng lên hạ xuống, nhảy nhót, leo trèo lên tận ngọn tre cao hàng chục mét,… vừa mất sức vừa phải giữ độ chính xác cao. Do đó, đầu lân phải nhẹ, nhưng cần thiết hơn nữa là bền chắc, chịu đựng được nắng, mưa.

Ðầu lân có khung đan bằng nan tre vót mỏng, được bồi nhiều lớp giấy có độ dai, mỗi lần bồi lại phết keo, phơi khô rồi bồi tiếp lớp khác. Loại đặc biệt dùng cả nan trúc, nan mây lẫn nan tre để đan khung, tạo độ bền cho đầu lân. Sau đó là phần trang trí, gắn phụ kiện các loại, pha mầu, tô điểm. Khó nhất là phần đôi mắt, phải làm thế nào để diễn đạt được thần thái uy dũng cần có của lân. Riêng đầu lân làm cho các đội lân chuyên nghiệp ở Chợ Lớn, phần mắt lân phải chừa lại, chờ đến ngày rằm, mang đầu lân đến chùa hoàn thiện, khi làm lễ cúng “Khai quang điểm nhãn”, hay còn gọi là “Ðiểm tinh khai quang”, xong rồi lân mới… được mang ra biểu diễn. Lân múa trong dịp Tết yêu cầu trên đầu phải hội tụ đủ bốn quý tướng của tứ linh: hàm rồng, mũi lân, mày phượng, sau gáy có đuôi rùa. Thêm nữa là gần mép lân phải có gai như vây cá, hàm ý cho sự thành đạt (cá vượt vũ môn, cá hóa rồng). Lân múa khai trương thường có râu vàng và bạch kim, tượng trưng cho vàng, bạc đến nhà. Lân mang râu bạc trắng là bậc trưởng lão, chỉ những đội lân có thâm niên từ 30 năm trở lên mới được dùng. Cùng đi diễn trên đường, mọi lân khác đều phải vái chào, nhường đường cho lân bạc.

Còn nhiều quy tắc bất thành văn khác nữa, khiến cho khoảng cách về trình độ giữa nghề làm đầu lân chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư trở nên khá xa, cùng với đó là giá. Ðầu lân hàng chợ giá chỉ từ vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng một chiếc. Ðầu lân chuyên nghiệp có giá hàng chục triệu đồng trở lên, tùy vào nguyên liệu sử dụng. Ðây đó ở các tỉnh, thành phố khác, có phát triển việc làm đầu lân với danh xưng “làng nghề”, nhưng không dễ sánh ngang đẳng cấp của lân Chợ Lớn về tính thẩm mỹ, độ bền chắc và sự tinh tế cầu kỳ đến từng chi tiết, như một sản phẩm nghệ thuật thật sự, chứ không phải là một món hàng.

Giá trị của đầu lân “Made in Chợ Lớn” còn ở chỗ là sản phẩm đã được xuất khẩu đi nhiều nước và vùng lãnh thổ: Mỹ, Ca-na-đa, Ô-xtrây-li-a, Xin-ga-po, Ma-lai-xi-a, Ðài Loan (Trung Quốc), Hồng Công (Trung Quốc)… Tùy đơn đặt hàng, giá đầu lân dao động từ 1.000 USD đến 2.000 USD. Mấy năm gần đây lân Việt Nam luôn nằm trong tốp 3 các giải múa lân thế giới, cũng góp phần thúc đẩy các sản phẩm đầu lân xuất khẩu nhiều hơn. Ðã có cả một xưởng sản xuất đầu lân nằm trong khu công nghiệp Tân Tạo, làm thủ công, nhưng theo dây chuyền, phân chia công đoạn rõ ràng.

Có lân, cũng cần có người múa, và những người được giữ đầu lân múa ở Chợ Lớn thật sự là những nghệ sĩ của bộ môn nghệ thuật dân gian này. Nghề múa lân được ghi nhận có lịch sử đã vài trăm năm ở nước ta, nhưng cho tới hiện nay, vẫn chưa hề có một trường lớp đào tạo chính quy nào. Xưa, mỗi đội lân ra đời thường gắn liền với một bang hội, hoặc một phái võ của người Hoa, và luôn có một số nhà hào phú đứng sau tài trợ chi phí trang bị, luyện tập. Ðoàn lân Nhơn Nghĩa Ðường ở quận 5 thuộc phái Thiếu lâm Châu Gia. Thắng Nghĩa Ðường ở quận 6 thuộc phái Thiếu lâm Thái Lý Phật… Tất cả các thành viên tham gia múa lân đều phải luyện võ, riêng người múa đầu lân ít nhất phải có 5 năm công phu luyện tập mới đủ trình độ thi thố các bài múa lân thông thường. Trong lúc tập hay khi biểu diễn, việc xảy ra chấn thương là chuyện thường xuyên.

Quận 5 vẫn là nơi tập trung đông đảo các đội lân chuyên nghiệp, với hội lân hằng năm diễn ra ở sân Tinh Võ đường Nguyễn Trãi, nơi từng là võ đường môn phái Tinh Võ Môn lừng lẫy một thời. Gần đây, có thêm hội lân ở câu lạc bộ Lãnh Binh Thăng, quận 11, do nghề lân phát triển mạnh ở khu vực này với các tên tuổi Hằng Anh Ðường, Tinh Anh Ðường. Dịp lễ hội 300 năm Sài Gòn, đội Nhơn Nghĩa Ðường đã kịp ghi một dấu ấn lịch sử: biểu diễn múa rồng với đầu rồng dài 300 m, đội múa hơn 100 người. Tới nay, chưa đội lân nào vượt qua kỷ lục này.

Lân vượt mai hoa thung và lân leo cột tre là hai tiết mục khó, thể hiện đẳng cấp, trình độ của các đội lân. Nếu ở tiết mục mai hoa thung là sự phối hợp nhịp nhàng giữa hai người, đầu và đuôi lân trên từng bước nhảy, đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối, thì ở nội dung leo cột tre đòi hỏi sự gan dạ có phần liều lĩnh, khi thực hiện động tác ép bụng, xoay mình trên đỉnh cột cao mà không dùng tới một công cụ bảo hộ nào.

Tập luyện gian nan, biểu diễn mạo hiểm nhưng mục đích chính lại không phải để kiếm tiền, mà là để thỏa niềm đam mê. Hầu hết các diễn viên múa lân đều làm nghề khác, chiều tối đi tập múa lân. Mỗi lần đi diễn, được trả từ một tới vài trăm ngàn đồng. Chẳng đủ tiền xăng xe tập luyện, nhưng mừng vui vô cùng.

Phải chăng, cần nhìn nhận những người múa lân lẫn những người làm đầu lân là những nghệ nhân thực thụ? Múa lân vì đam mê, làm đầu lân để kiếm sống, và cũng là để nghề gia truyền không bị mai một. Họ không chỉ làm ra những con lân bạc triệu, vì đam mê, họ còn sáng tạo ra dòng “lân kiểng”, những chú lân nhỏ xíu có thể chưng trên bàn, trên kệ, giá chỉ vài chục ngàn đồng, nhưng không thiếu một chi tiết nhỏ so với mẫu lớn. Ðó là nghề truyền thống, nhưng để giữ được nghề, tất cả họ phải tự lo, tự bươn chải kiếm sống giữa đô thị hiện đại.

NGUYỄN BÌNH

                Theo nhandan.com.vn

Tệp đính kèm