Sa sút trí tuệ là bệnh không thể chữa khỏi, nên người bệnh phải chịu đựng những chấn thương về thể chất và tinh thần.
Để phòng ngừa tốt bệnh suy giảm trí nhớ và sa sút trí tuệ (SSTT) cần điều trị hiệu quả các yếu tố nguy cơ như bệnh lý mạch máu não, cao huyết áp, tiểu đường, béo phì, rối loạn lipid máu... Hạn chế hút thuốc lá, rượu bia, sống lành mạnh, ăn nhiều rau, trái cây và tập thể dục thường xuyên.
Các biểu hiện của sa sút trí tuệ
Sa sút trí tuệ (SSTT) là hội chứng lâm sàng được gây ra bởi tổn thương não, với đặc trưng là các biểu hiện suy giảm các lĩnh vực nhận thức như trí nhớ, định hướng, ngôn ngữ, tri giác, suy luận, phán đoán, điều hành, khả năng thực hiện các nhiệm vụ liên tục…
SSTT có thể gặp ở nhiều bệnh khác nhau, trong đó phổ biến nhất là bệnh Alzheimer (chiếm 60 - 80% tổng số các bệnh nhân SSTT). Năm 2015, trên thế giới có gần 50 triệu người mắc SSTT (chiếm khoảng 5% tổng số người trên 60 tuổi). Ước tính cứ mỗi 3 giây có thêm 1 người mắc SSTT và số người mắc SSTT tăng gấp đôi sau mỗi 20 năm.
Đây là bệnh thường gặp ở tuổi trung niên và gây ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe người cao tuổi. Trường hợp ít phổ biến hơn là những người dưới 65 tuổi bị SSTT và người ta gọi đó là “bệnh SSTT bộc phát sớm hơn”. BN mắc SSTT không chỉ là người già mà còn là những người có các yếu tố nguy cơ như tiền sử gia đình, chấn thương sọ não, béo phì, đái tháo đường type 2. Mặt khác, các yếu tố về sức khỏe và lối sống thiếu vi chất cũng là nguy cơ gây mắc bệnh SSTT.
Theo Ths.Bs Lê Thị Phương Thảo, Phòng điều trị tâm thần người già, Viện Sức khỏe tâm thần, BV Bạch Mai, chăm sóc người bệnh SSTT là một công việc rất khó khăn và đòi hỏi sự kiên nhẫn cao, vì SSTT là bệnh không thể chữa khỏi, nên người bệnh phải chịu đựng những chấn thương về thể chất và tinh thần. Ngoài ra, người bệnh thường có sự thay đổi về nhận thức (quên, giảm giao tiếp, rối loạn định hướng); rối loạn tâm thần (hoang tưởng, ảo giác, lo âu, trầm cảm, hoài nghi, cáu gắt, thu mình, bủn xỉn, ghen tuông, trẻ con, cóp nhặt, đi lang thang); đặc biệt người bệnh SSTT có thể có nhiều triệu chứng rối loạn tâm lý và hành vi nặng nề khác tuỳ từng thể và từng giai đoạn của bệnh.
“SSTT gây ra gánh nặng lớn cho bản thân người bệnh, người chăm sóc và toàn xã hội. Chính vì thế việc quản lý, chăm sóc và điều trị người bệnh cần được tiến hành càng sớm càng tốt. Các phương pháp điều trị không dùng thuốc, dùng thuốc, tập nhận thức và trí nhớ, thể dục trị liệu và chăm sóc toàn diện không những có thể làm giảm các triệu chứng mà còn làm chậm quá trình tiến triển của bệnh”, bác sĩ Phương Thảo cho hay.
Làm gì để phòng tránh?
Tại Viện Sức khỏe Tâm thần, BV Bạch Mai, số BN đến khám và điều trị SSTT hằng năm đều tăng, đặc biệt là BN nữ. Độ tuổi mắc SSTT ngày một trẻ hóa, đã có những BN 50 tuổi. Tuy nhiên, theo bác sĩ Phương Thảo, khi người bệnh được phát hiện sớm và điều trị trong thời gian “vàng” - khi các triệu chứng suy giảm nhận thức còn nhẹ thì ngoài việc điều trị đạt hiệu quả cao hơn còn có tác dụng làm chậm tiến triển của suy giảm nhận thức, giảm các triệu chứng về hành vi sau này, chậm phát triển thành bệnh Alzheimer thực sự, giảm các biến chứng về bệnh lý cơ thể của BN. Khi điều trị sớm, BN được tiếp cận và sử dụng nhiều dịch vụ chăm sóc y tế hơn, do đó cải thiện chất lượng cuộc sống và giảm gánh nặng chăm sóc y tế hơn so với khi tới muộn (cụ thể, giảm tỷ lệ trầm cảm từ 68% xuống còn 32%).
Trường hợp BN Nguyễn Văn N, 56 tuổi, sống tại Hà Nội, tới Viện Sức khỏe tâm thần, BV Bạch Mai khám bệnh vì hay quên đồ, quên mặt bạn bè. Một tháng gần đây, thấy dấu hiệu liên tục đòi tiền khách thuê nhà trong khi họ đã trả, đến khám BN được chẩn đoán SSTT giai đoạn sớm.
“BN được điều trị theo đúng phác đồ. Tháng thứ nhất, BN gọi điện cho bác sĩ 20-30 lần/ngày chỉ để nói một nội dung “tôi uống thuốc” vì BN gọi rồi nhưng không nhớ là đã gọi. Ngoài ra, BN không biết mua thuốc, không biết tính tiền và phải đi xe ôm đến viện vì không biết đường đi từ cổng bệnh viện vào gặp bác sĩ. Sau 3 tháng điều trị, BN chỉ gọi điện 1 lần/ngày, đã tự biết đưa đón cháu đi học, biết đi xe buýt tới bệnh viện, tự mua được thuốc…”, bác sĩ Phương Thảo lấy dẫn chứng.
Theo lời khuyên của bác sĩ, để không bỏ qua giai đoạn “vàng” trong điều trị bệnh SSTT, nếu có 10 biểu hiện sau đây, người bệnh cần đi khám ngay: Giảm trí nhớ làm rối loạn cuộc sống hằng ngày; Khó khăn trong việc lên kế hoạch hoặc giải quyết vấn đề; Khó khăn trong việc hoàn thành các nhiệm vụ quen thuộc; Nhầm lẫn về thời gian và không gian; Khó nhận biết về hình ảnh trực quan và mối quan hệ trong không gian; Phát sinh vấn đề mới với từ ngữ khi viết/đọc; Đặt nhầm chỗ các đồ vật và mất khả năng nhớ lại các bước để tìm lại đồ; Giảm khả năng phán đoán hoặc ra quyết định; Thu mình khỏi công việc hoặc hoạt động xã hội; Thay đổi cảm xúc và nhân cách. Những BN ở giai đoạn cuối của bệnh và có những rối loạn về tâm thần như: hoang tưởng, ảo giác, kích động, đi lang thang hoặc các biến chứng khác... thì cần nhập viện để điều trị.
Theo Lưu Hường/ VOV.VN