Cập nhật: 26/06/2019 09:25:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Làng nghề truyền thống điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước (làng nghề đá Non nước) thuộc Q. Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng, hiện nay có khoảng 360 hộ dân đã vào khu tập trung sản xuất. Tuy nhiên, rất nhiều hộ theo nghề làm đá nhưng lại không chịu vào khu sản xuất này bởi họ cho rằng, sự bất cập về quy hoạch của làng nghề đá khiến cho sản xuất bị bó hẹp, không phát triển được. Không những thế khu vực này còn đang đối diện tới tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng từ bụi đá.

Con đường vào làng đá mỹ nghệ Non Nước chật chội, bụi bặm

Thiếu mặt bằng sản xuất

Trước đây, làng đá mỹ nghệ Non Nước (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) có gần 500 cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ, với hơn 2.500 lao động, tập trung xung quanh khu danh thắng Ngũ Hành Sơn. Do yêu cầu phát triển của du lịch danh thắng, vấn đề sản xuất ở khu dân cư đã ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan, tác động xấu đến sinh hoạt của người dân. Để khắc phục tình trạng này, UBND TP Đà Nẵng đã có quyết định quy hoạch di dời làng nghề về vị trí tập trung. Từ năm 2008, thành phố quy hoạch xây dựng cơ sở mới rộng hơn 35 ha, cách chỗ cũ khoảng 2 km về phía Tây để bố trí làm nơi sản xuất, kinh doanh cho tất cả các cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ trên địa bàn.

Sau một thời gian dài vận động, đến nay có khoảng trên 300 cơ sở tập trung vào làng nghề, số còn lại vẫn làm ăn manh mún tại khu dân cư. Đa phần những cơ sở làm đá mỹ nghệ “cố thủ” bên ngoài vì cho rằng diện tích 100m2 thành phố bố trí không đủ cho họ sản xuất, không đủ chỗ để vật dụng, máy móc. Thêm vào đó, cơ sở sản xuất với khoảng 10 nhân lực thì quá chật chội, không có không gian chế tác, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn lao động.

Chia sẻ về những khó khăn khi vào làng nghề tập trung, ông Phan Đức Lộc, chủ xưởng đá Lô 40 chán nản cho hay công suất làm việc của cơ sở ông không còn đảm bảo do mặt bằng quá chật hẹp. “Gia đình tôi làm nghề đá từ hơn 20 năm nay rất ổn định, biết rằng làm ở ngoài thì ảnh hưởng đến cộng đồng nên chúng tôi mới vào làng nghề tập trung. Nhưng vào rồi mới thấy diện tích họ bố trí cho mỗi cơ sở là quá nhỏ, làm gì cũng bất tiện. Sản phẩm nhỏ còn chẳng có chỗ để, phải chồng chất lên nhau chứ chưa nói đến những sản phẩm lớn như tượng, bệ đá, kỳ lân… thì có chỗ nào mà chế tác?”, ông Lộc nói.

Các chủ cơ sở khác cũng cho biết: Làm đá cần nhất là mặt tiền rộng, khoảng 7,8m, chiều sâu khoảng 20m. Diện tích khoảng 200m2 là tạm đáp ứng được, chứ như bố trí hiện nay, có những hộ 100m2, mặt tiền 5m thì chỉ đủ để làm nhà ở chứ không thể sản xuất đá. Chật chội về không gian dẫn đến sự giảm sút về chất lượng, tiến độ công việc, thu nhập giảm sút, dễ gặp sự cố va chạm… Về vấn đề này, Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng sau khi khảo sát đã cho kết quả tương tự: 73,6% ý kiến phản hồi từ các cơ sở sản xuất - kinh doanh nghề đá mỹ nghệ Non Nước ở quận Ngũ Hành Sơn đều cho rằng quy hoạch của làng nghề là không hợp lý với nhu cầu thực tế của người dân.

Môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng

Từ con đường Quán Khái 9 dẫn vào làng đá mỹ nghệ Non nước đã thấy bụi đá phủ trắng xóa cây cối bên đường. Hai bên đường nước thải quyện với bột đá chảy thành dòng lầy lội, khiến ai đi vào cũng phải e ngại. Bà Phạm Thị Hải, chủ cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ Sơn Hải cho biết: “Từ khi di dời vào vị trí này, cơ sở sản xuất của tôi hầu như không thể hoạt động vì diện tích quá nhỏ hẹp, thợ không chịu làm do bụi và vụn đá mù mịt. Họ nghỉ việc dần, nay chỉ còn 3 người”.

Nói về tình trạng ô nhiễm tại làng đá, ông Nguyễn Kim Thành, xưởng đá Lâm Thu lắc đầu ngán ngẩm: “Làng đá hiện nay quá ô nhiễm! Mùa mưa thì đi lại khó khăn, mùa nắng thì bụi mù mịt, gặp vấn đề về thoát nước. Thành phố vẫn làm cống, mương thoát nước, nhưng bột đá từ quá trình chế tác quá nhiều. Bột đá vừa nhỏ vừa nhiều, khoảng 4 tháng lại đầy lên hố, lúc đó bột sẽ bịt cống, nước không thoát được mà chảy tràn hết ra ngoài đường. Mùa mưa thì nước rửa đá chảy thành vũng tràn ra cả mặt đường, mùa nắng thì thành bột bụi tung trời, chỉ cần chiếc xe chạy ngang qua là trắng xóa cả người. Chưa kể xe chở đá, xe trung chuyển từ các nơi chạy về đây lúc nào cũng rầm rập… Nếu muốn người dân làm nghề lâu dài, thành phố cần tính toán về phương án thoát nước”.

Trao đổi với phóng viên, ông Võ Đức Huy, Trưởng BQL làng đá mỹ nghệ Non nước cho hay, để hạn chế tình trạng ô nhiễm từ bụi đá, khi quy hoạch làng nghề tập trung, thành phố đã trồng vạch cây xanh cách ly để lượng bụi khuếch tán bị ngăn lại, ít bay ra ngoài khu dân cư, đồng thời yêu cầu người dân có ý thức chấp hành giữ gìn môi trường, phải có kế hoạch giải quyết chất thải trong sản xuất… Tuy nhiên đó chỉ là phương án giải quyết tạm thời chứ không thể hoàn toàn triệt để. “Ngày xưa những người thợ làm điêu khắc bằng thủ công truyền thống, thợ cầm ve cầm đục từng chút, bây giờ dùng máy cắt, máy cưa nên phát sinh lượng bột đá trong quá trình cưa xẻ. Đặc thù của sản xuất đá là bụi, đá công nghiệp thì càng nhiều bụi bởi vì công suất lớn. Đá chứ không phải làng nghề gốm, chiếu… mà sạch sẽ được. Đặc trưng của làng nghề là chế tác sản phẩm từ đá thì chuyện ô nhiễm môi trường là điều không tránh khỏi”.

Mục đích để giải quyết công ăn việc làm cho các hộ dân chứ không thể đáp ứng vấn đề diện tích. Tuy mặt bằng chật hẹp nhưng họ đã “quen tay” rồi nên chưa có trường hợp tai nạn lao động nào xảy ra. “Nhìn thẳng nói thật thì cũng là do quy hoạch không phù hợp. Ngày xưa họ làm nhà họ để máy móc tự do không vướng víu, nhưng vào đây, chiều ngang diện tích của một cơ sở sản xuất chỉ có 5 mét nên để 2, 3 máy cắt, bầu, cưa… là cứng ngắc, chưa kể thợ đi ra đi vào. Trên thực tế, các cơ sở làm đá thì không cần chiều sâu, chỉ cần chiều ngang, nhưng giờ quy hoạch rồi, đi vào sản xuất rồi thì phải theo thực tế. Chúng tôi vẫn động viên bà con phải vận dụng diện tích, tính toán phù hợp chứ không có cách nào hơn, ông Huy nói.

Theo NGỌC HÀ/baovanhoa.vn

Tệp đính kèm