Cập nhật: 26/06/2019 11:00:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Sau giai đoạn phát triển như “nấm mọc sau mưa”, gameshow ca nhạc ở Việt Nam giờ trở thành một món ăn nhàm chán và không còn thu hút nhiều khán giả.

Gameshow ca nhạc bão hòa, níu kéo khán giả bằng chiêu trò

Truyền hình thực tế, gameshow âm nhạc bùng nổ ở Việt Nam từ năm 2012 và kéo dài trong khoảng 5 năm. Ở thời điểm đó, với format mới lạ, các chương trình đã mang đến một làn gió mới trong bối cảnh những gameshow, cuộc thi âm nhạc truyền thống do VTV tổ chức như “Trò chơi âm nhạc”, “Sao Mai”, “Sao Mai điểm hẹn” không còn nhiều sức hút.

Có thể kể đến hàng loạt chương trình như “Thần tượng Việt Nam” (Vietnam Idol), “Thần tượng Việt Nam nhí” (Vietnam Idol Kids), “Giọng hát Việt” (The Voice), “Giọng hát Việt nhí” (The Voice Kids), Cặp đôi hoàn hảo”, “Gương mặt thân quen”, “Gương mặt thân quen nhí”, “Bài hát hay nhất” (Sing My Song)...

Sân chơi thực tế này góp phần phát hiện nhiều tài năng âm nhạc, thậm chí giúp không ít giọng ca trẻ đổi đời, "một bước thành sao". Điển hình như Hương Tràm (Quán quân Giọng hát Việt 2013), Đức Phúc (Quán quân Giọng hát Việt 2015), Trọng Hiếu (Quán quân Thần tượng Việt Nam 2015), Phương Mỹ Chi (Á quân Giọng hát Việt nhí 2013)...

Hương Tràm giành Quán quân Giọng hát Việt mùa đầu tiên.

Nhưng sau giai đoạn phát triển như “nấm mọc sau mưa”, truyền hình thực tế tại Việt Nam dần bước vào giai đoạn bão hòa và thoái trào. Với format đã trở nên quen thuộc, chất lượng thí sinh giảm sút, thậm chí cả dàn huấn luyện viên/ban giám khảo không quá đặc sắc... truyền hình thực tế trở thành một món ăn nhàm chán và không còn nhận được nhiều sự quan tâm của khán giả dù vẫn được phát sóng trong khung giờ “vàng” của VTV.

Bằng chứng là việc, những thí sinh bước ra từ các cuộc thi sau này không còn “một bước thành sao” mà phải rất chật vật mới có thể khẳng định mình. Hàng chục cuộc thi, hàng chục Quán quân mỗi năm nhưng không có mấy người được khán giả nhớ đến tên, biết đến mặt.

Bản thân các chương trình truyền hình thực tế cũng phải tìm mọi cách để lôi kéo khán giả trở lại, thậm chí là việc sử dụng các chiêu trò gây sốc.

Tại “Giọng hát Việt 2019”, khán giả ngán ngẩm chứng kiến hàng loạt vụ lùm xùm: Nữ thí sinh Bảo Yến nằng nặc đòi MC gọi đúng bằng tên nghệ danh “Bảo Yến Rosie” thì mới chịu ra sân khấu. Khi hát ca khúc “Xin lỗi anh quá phiền” của Đông Nhi, thí sinh Hà Thu giới thiệu trống không tên đàn chị và còn phát ngôn “Không biết Đông nhi là ai”.

Hay như “Giọng hát Việt nhí 2019”, dù chưa diễn ra mà mới chỉ công bố dàn huấn luyện viên cũng đã phải nhận không ít nhận xét trái chiều. Việc đưa Hương Giang Idol, Ali Hoàng Dương làm HLV được đánh giá là không đủ sức nặng về chuyên môn nhưng lại có thể khiến truyền thông và công chúng phải chú ý tới chương trình.

Dàn HLV "Giọng hát Việt nhí" 2019.

Giám khảo không đúng chuyên môn, thí sinh không đủ tài

Có một thực tế rằng, rất nhiều chương trình gameshow, truyền hình thực tế của Việt Nam hiện nay sử dụng giám khảo là gương mặt nổi tiếng trong showbiz. Trong đó, có những giám khảo không đủ kinh nghiệm và năng lực, thậm chí có trường hợp giám khảo hầu như rất ít liên quan đến chuyên môn của cuộc thi như danh hài đi chấm thi âm nhạc, người mẫu đi chấm thi diễn xuất.

Giám khảo không đủ chuyên môn dẫn đến việc phát hiện, khai quật tài năng của từng thí sinh bị hạn chế. Đặc biệt là trong chương trình có cả nghìn thí sinh đăng ký tham gia các cuộc thi, thì việc bị bỏ lọt thí sinh tiềm năng là điều dễ hiểu.

Ngoài ra, vì để đảm bảo độ “hot” cho chương trình, những gương mặt nổi tiếng liên tiếp xuất hiện với vai trò giám khảo ở những cuộc thi khác nhau nhưng cùng một thời điểm. Sự duyên dáng, hài hước của họ cũng giảm đi, đồng nghĩa với việc chương trình giảm đi một nửa sức hút.

Để tránh nhàm chán, các đơn vị sản xuất bắt đầu mời cả những ca sĩ trẻ cho vai trò giám khảo. Nhưng, với xu thế bão hòa của show giải trí, các giám khảo trẻ, nhiều fan như Noo Phước Thịnh, Tóc Tiên, Vũ Cát Tường... cũng không kéo lại được sức nóng cho chương trình.

Đức Phúc, Hương Tràm và Hoàng Thùy Linh - bộ ba giám khảo trẻ tuổi trong "The Debut".

Ngược lại, nhìn từ góc độ của giám khảo, nhạc sĩ Huy Tuấn, ca sĩ Thu Phương, Tuấn Hưng lại khẳng định, gameshow âm nhạc không còn được chất lượng như trước bởi đi vào bi kịch... thiếu thí sinh tài năng.

“Làm cái gì quen thuộc thì chất lượng cũng giảm đi. Thí sinh chất lượng cho chương trình cũng là bài toán nan giải", nhạc sĩ Huy Tuấn nói. Còn Thu Phương – HLV Giọng hát Việt 2018 thì cho biết: “Thí sinh đã không còn đủ để đáp ứng nhu cầu quá lớn của các chương trình. Đó là lý do những gameshow ca nhạc gần đây không có quán quân xuất chúng”.

Nam ca sĩ Tuấn Hưng, HLV Giọng hát Việt 2015 và 2019 chia sẻ: “Tôi đã lường trước được việc các chương trình gameshow ca nhạc giảm được sức hút từ rất lâu rồi. Mỗi năm, có hàng chục các cuộc thi diễn ra, nhân tài chưa kịp sinh sôi để cung cấp cho các chương trình thì dĩ nhiên chất lượng sẽ ảnh hưởng rất nhiều”.

Truyền hình thực tế đang ngày càng khan hiếm thí sinh chất lượng.

Song, không vì giám khảo không đúng chuyên môn, thí sinh không đủ chất lượng mà các gameshow bị dẹp bỏ. Như ca sĩ Tuấn Hưng chia sẻ, mỗi gameshow diễn ra sẽ có lợi cho rất nhiều bên, từ truyền hình, đơn vị tổ chức đến cả các thí sinh. Dù không còn nhiều sức hút nhưng các gameshow vẫn là con đường nhanh nhất để các thí sinh có thể lên được truyền hình, được cọ xát và gây dấu ấn đầu tiên với khán giả.

Còn sau đó, khi gameshow âm nhạc không còn là bệ phóng để “một bước thành sao”, các bạn trẻ sẽ tìm đến một cách khác – một xu hướng khác của thời đại giải trí theo “view”: đó là làm MV phát hành trên mạng./.

 

Theo Thanh Vân/VOV.VN

 

Tệp đính kèm