Dưới chân núi Ky Quan San hùng vĩ bốn mùa sương giăng, mây phủ, bản Séo Pờ Hồ của người Dao Đỏ (huyện Bát Xát, Lào Cai) êm đềm trong những hàng cây xanh thẫm, bên con suối Mường Hum trong xanh và thảm ruộng bậc thang vàng trải dài như cổ tích. Ở đó, những “nghệ nhân nông dân” với “bàn tay vàng” vẫn bền bỉ, lặng lẽ gìn giữ và phát triển nghề kéo bạc độc đáo, nổi tiếng vùng Tây Bắc.
Du khách tham quan bản Séo Pờ Hồ - làng nghề kéo bạc ở huyện Bát Xát (Lào Cai).
Bạc Tiên nữ ở Séo Pờ Hồ
Tôi bị “dẫn dụ” bởi “tiếng lành đồn xa” của sản phẩm bạc Tiên nữ tinh xảo và sáng đẹp long lanh ở bản Séo Pờ Hồ, huyện vùng cao Bát Xát, bởi ngay cái tên “Tiên nữ” đã gây ấn tượng muốn khám phá, tìm hiểu ngọn nguồn. Anh cán bộ văn hóa xã Mường Hum đưa tôi đi bằng chiếc xe máy gầm cao, lầm lụi như con “trâu sắt”, vượt đường bê-tông nông thôn mới, tuy đã “cứng hóa” nhưng gập ghềnh, khúc khuỷu “trằm mình” qua suối cạn, len lỏi giữa điệp trùng ruộng bậc thang ràng rịt như “vân tay” của đất, rồi bất ngờ dừng bánh trước cổng bản làm bằng gỗ, ghi dòng chữ Séo Pờ Hồ giản dị và thân thiện. Ngôi nhà nhỏ theo kiến trúc người Dao của nghệ nhân Tẩn Phù Sinh ẩn dưới hàng cây xanh, rộn ràng tiếng lách cách vui tai của búa sắt nhỏ như quả cau gõ nhịp vào dùi, đục, chạm trên những miếng bạc trắng tinh khôi mầu sữa non. “Chào cán bộ, vào nhà ăn nước cho mát cái bụng đã” - lão nghệ nhân cất tiếng, hồ hởi đón khách. Ngoài 60 tuổi, mái tóc đã hoa râm nhưng nhanh nhẹn, hoạt bát, với giọng trầm ấm, “vua” bạc Séo Pờ Hồ kể câu chuyện nàng tiên nữ, con cả của Ngọc Hoàng vì thương quý đất và người vùng “suối nước trắng” nên đã truyền dạy nghề kéo bạc cho dân bản nơi này. Thương mến và ghi ơn nàng tiên nữ ấy, người Dao ở Séo Pờ Hồ đã lấy tên “Tiên nữ” đặt cho những sản phẩm bạc được làm ra từ bàn tay “vàng” của những nghệ nhân ở nơi đây, làm đẹp cho người, cho đất Mường Hum và khắp vùng Tây Bắc.
Trong nhà nghệ nhân Sinh treo rất nhiều bộ trang phục truyền thống thiếu nữ Dao rực mầu đỏ tươi của chỉ thêu và sáng mềm mầu bạc nguyên chất. Ngắm những chiếc chuông nhỏ, cúc áo, hoa sao, xà tích duyên dáng, tinh xảo tỏa ánh bạc lấp lánh trên bộ trang phục, tôi tự hỏi, nghĩa tình nàng tiên nữ kia đã hóa thân vào đó hay tâm trí, tài nghệ chạm khắc bạc đạt đến đỉnh cao của những nghệ nhân Dao ở Séo Pờ Hồ đã “thổi hồn” vào bạc Tiên nữ nổi danh của vùng đất này. Có phải vì thế mà bạc Tiên nữ ở đây đã chinh phục biết bao cô gái, chàng trai ở khắp vùng Tây Bắc, dù xa xôi cách trở cũng không ngại tìm đến bản “suối nước trắng” Séo Pờ Hồ mua cho mình hay bạn gái mến thương bộ váy áo, mũ đội đầu, hay chí ít cũng vòng dây xà tích quấn đầu, chiếc yếm bạc thắt ngang lưng sáng lấp lánh, phát tiếng kêu “rinh reng” theo nhịp bước cô gái xuống chợ phiên Mường Hum đông vui, tấp nập nhất vùng.
“Làm nghề kéo bạc Tiên nữ không dễ, người tính nóng muốn nhanh, người làm ẩu muốn nhiều thì không thổi đèn hàn, không đúc quả chuông, không chạm khắc hoa sao được đâu, có làm ra được thì cũng xấu thôi, con gái không thích, khách không mua đâu”- lão nghệ nhân Tẩn Phù Sinh thủng thẳng, bàn tay như múa trên mảnh sừng trâu khoét lỗ để đổ bạc nóng chảy vào khuôn, đúc ra những quả chuông nhỏ, xinh xắn được coi là “linh hồn” của chiếc mũ Dao “rinh reng” độc đáo. Ở một góc nhà, bà Chảo Sử Mẩy cùng hai người con trai và người con rể ông Sinh miệt mài kéo sợi bạc và thổi đèn hàn để làm “lìn đao” (dây chuyền), cắt những miếng bạc dát mỏng như tờ giấy để làm hình hoa sao viền ngực áo phụ nữ. Để làm đủ các chi tiết bạc cho một bộ trang phục thiếu nữ Dao truyền thống, cả năm người trong nhà ông Sinh phải miệt mài trong gần hai tháng trời, nếu chỉ hai vợ chồng ông làm thì phải mất ròng sáu tháng. Thời gian chế tác phụ thuộc vào số lượng bạc và độ cầu kỳ của bộ trang phục. “Có bộ mũ, áo, yếm, dây quấn đầu làm hết 1,2 kg bạc nguyên chất, trung bình bảy lạng, ít nhất cũng là bốn lạng, tùy theo người đặt hàng” - nghệ nhân Sinh cho biết. Khó nhất là làm “lả kháo” (cúc áo), mỗi bộ trang phục nữ Dao có ba chuỗi cúc hình chữ nhật dọc theo viền chéo ngực áo; mỗi chuỗi có 10 chiếc cúc kết lại với nhau, được chạm trổ hoa văn tinh xảo và đẹp lộng lẫy. “Cả vùng Séo Pờ Hồ này chỉ có ba người có bàn tay vàng làm được “lả kháo” thôi, vì thế nó đắt lắm, 300 nghìn đồng một cúc, cả bộ là 10 triệu đồng đấy” - bà Mẩy thêm vào, đôi tay vẫn như múa trên thảm hoa sao bạc sáng lấp lánh.
Bảo tồn nghề để phát triển du lịch
Cứ mỗi phiên chợ Mường Hum vào ngày chủ nhật hằng tuần, du khách lại đổ về Séo Pờ Hồ “tận mục sở thị” những nghệ nhân “chân đất” nơi đây kéo bạc. Từ khối bạc nguyên chất nấu chảy, sợi bạc kéo ra cứ nhỏ dần, đến mức như sợi tóc, để làm ra những sợi dây chuyền tinh tế, khiến du khách trầm trồ, thán phục. Cứ mỗi phiên chợ như thế, bản Séo Pờ Hồ lại đông vui như hội. Trưởng bản Tẩn Phù Chu chạy như con thoi để giới thiệu sản phẩm và bán hàng cho khách. Trước đây, nghề kéo bạc tự phát trong từng hộ dân, khép kín, nhỏ lẻ nên ít mẫu mã, đơn điệu. Từ năm 2017, khi huyện và xã gợi ý, anh Chu đã đứng ra tập hợp 15 hộ người Dao trong bản thành lập Hợp tác xã (HTX) nghề bạc Séo Pờ Hồ, cùng nhau bảo tồn và phát triển nghề chạm bạc truyền thống của dân tộc mình. Những bộ “nhàn lình” (chuông bạc có bi bên trong), “lả kháo” (cúc áo), “lìn đao” (dây chuyền)... được các cô gái Dao từ các xã Nậm Pung, Dền Sáng, Tả Phìn, thậm chí tận các tỉnh Lai Châu, Điện Biên tìm đến mua với giá từ 50 triệu đến 70 triệu đồng đủ cho một bộ trang phục truyền thống sử dụng trong lễ cấp sắc, cưới xin, ngày Tết. Ngày trước, để có nguyên liệu chế tác các chi tiết bạc, người Dao ở Séo Pờ Hồ phải gom từng đồng “bạc trắng hoa xòe” là đồng tiền thời Pháp thuộc, có người mất hàng chục năm mới gom đủ số bạc cần thiết, cho nên chỉ con gái nhà giàu mới sắm nổi bộ trang phục Dao truyền thống. Ngày nay, nhờ có nguồn bạc chất lượng tốt từ nhà máy khai thác và luyện bạc tại chỗ nên “làng nghề” Séo Pờ Hồ không lo thiếu đầu vào, giá nguyên liệu cũng khá mềm, khoảng 12 triệu đồng/kg bạc 99,9%Ag. Chủ nhiệm HTX nghề bạc Séo Pờ Hồ Tẩn Phù Chu cho biết thêm, người làm bạc bây giờ cũng đỡ vất vả hơn, nhờ có máy móc hỗ trợ, xã viên được tập huấn kỹ thuật nghề thủ công và truyền dạy nhau “bí quyết” nghề làm bạc của ông cha từ nghìn xưa để lại. Trung tâm Khuyến công tỉnh Lào Cai đã hỗ trợ 15 chiếc máy kéo sợi bạc, giúp rút ngắn thời gian, tăng năng suất, giảm tiêu hao sức lao động cho các nghệ nhân làng nghề. “Có máy móc hỗ trợ khâu nấu và kéo phôi bạc, mình đỡ mệt mỏi, phôi đều hơn, làm nhanh hơn, chỉ cần tập trung vào những khâu đòi hỏi sự khéo léo, tinh xảo, nên làm được nhiều sản phẩm hơn, thu nhập cao hơn”- thợ chạm bạc đã gần 20 năm trong nghề Tẩn Sành Ngan nói. Cũng nhờ liên kết theo mô hình HTX nên những nghệ nhân chân truyền có điều kiện hướng dẫn kỹ thuật, truyền bá “bí quyết” của nghề cho lớp trẻ nối nghiệp, cùng nhau sáng tạo thêm những mẫu “lìn đao”, “lả kháo” mới, được du khách ưa chuộng, làm phong phú thêm nghề bạc Tiên nữ của ông cha để lại.
Hôm tôi đến, Mường Hum đang mùa nước đổ, những tràn ruộng bậc thang “no nước” ánh lên muôn nghìn tia sáng lấp lánh dưới ánh mặt trời, như chiếc gương ngũ sắc khổng lồ giữa đại ngàn Ky Quan San xanh thẫm. Bà con người Dao đang làm đất cho vụ lúa duy nhất trong năm, bởi vùng cao giá rét chỉ cấy được một vụ. Tôi nhớ hồi tháng 10 năm ngoái, đúng mùa lúa chín vàng ruộm, huyện Bát Xát lần đầu khai hội dù lượn, môn thể thao thu hút hàng trăm “paragliding” (vận động viên dù lượn) từ Hà Nội, Hải Phòng chinh phục ngọn núi Dền Thàng để tung mình “bay trên thảm vàng” ruộng bậc thang Mường Hum, hạ cánh xuống giữa cái nôi bạc Tiên nữ Séo Pờ Hồ. Trong lần đầu khai tuyến du lịch Mường Hum, với cánh dù chiêm ngưỡng ruộng bậc thang và khám phá, mua sắm bạc Tiên nữ đã thổi luồng sinh khí mới vào làng nghề Séo Pờ Hồ. Hàng nghìn du khách đổ về đông như hội, náo nhiệt một vùng quê sơn thủy hữu tình. Có thêm đường giao thông tốt, kết nối với các tuyến du lịch rừng già Ý Tý, làng cổ người Hà Nhì, cột cờ Lũng Pô “nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt”, làng nghề chạm bạc Séo Pờ Hồ như cô gái đẹp thức dậy, làm say lòng bao du khách, với những món đồ chạm bạc tinh xảo, duyên dáng.
Chỉ vài tháng nữa thôi, lại vào mùa lúa chín, những cánh dù lượn nhiều mầu sắc lại bay cao trên thung lũng Mường Hum, trở thành điểm nhấn du lịch khám phá và trải nghiệm của huyện vùng cao biên giới này. Phó Chủ tịch UBND huyện Bát Xát Nguyễn Văn Bình nói với chúng tôi về mục tiêu của du lịch Bát Xát là trở thành điểm hấp dẫn, kết nối với Sa Pa theo con đường Nậm Pung - Tả Giàng Phình đang mở, với nền tảng là bản sắc văn hóa dân tộc độc đáo, trong đó làng nghề truyền thống như chạm bạc của người Dao, rèn đúc của người Mông, đan lát của người Hà Nhì, là điểm nhấn mời gọi du khách bốn phương.
BÀI VÀ ẢNH: QUỐC HỒNG
Theo nhandan.com.vn