Cập nhật: 02/07/2019 15:29:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Mặc dù mùa dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) mới chỉ bắt đầu, nhưng tại các cơ sở điều trị, số ca nhập viện do SXH đang có dấu hiệu tăng, nhiều ca chuyển nặng.

Bệnh nhân SXH đang điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới TPHCM

Bệnh vào mùa cao điểm

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2019, toàn quốc có 70.800 trường hợp mắc SXH (3 trường hợp tử vong).

Mặc dù mùa dịch bệnh SXH mới chỉ bắt đầu, nhưng tại các cơ sở điều trị, số ca nhập viện do SXH đang có dấu hiệu tăng, nhiều ca chuyển nặng. 

Tại Hà Nội, số ca mắc SXH tuy có giảm so với cùng kỳ 5 năm giai đoạn 2014-2018 (trung bình 6 tháng đầu năm của giai đoạn từ 2014-2018 ghi nhận 1.042 trường hợp), nhưng trong các tuần gần đây số ca mắc lại có xu hướng gia tăng. Cụ thể, tuần cuối tháng 6, Hà Nội ghi nhận 162 trường hợp mắc SXH, nâng tổng số người mắc trong nửa đầu năm 2019 là 820 trường hợp, chưa có trường hợp tử vong.

Còn theo báo cáo từ Viện Pasteur TPHCM, tại 20 tỉnh, thành khu vực phía Nam, tuần qua đã có 2.163 trường hợp mắc bệnh SXH được phát hiện, tăng 4% so với tuần trước và cao hơn 57% so với cùng kỳ năm 2018.

Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới TPHCM - BV chuyên điều trị các bệnh lây nhiễm ở phía Nam, từ đầu tháng 6 đến nay đã tiếp nhận 798 ca nhập viện do SXH, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số các trường hợp nhập viện, có 10 ca nặng cả người lớn lẫn trẻ em đang phải nằm phòng hồi sức tích cực và thở máy.

Mức độ gia tăng các ca bệnh nhập viện cho thấy năm nay dịch bệnh SXH đến sớm hơn 1 tháng. Đặc biệt là tuần qua đã có 2 ca tử vong (1 người lớn, 1 trẻ em; cả 2 đều có cơ địa đặc biệt và mang bệnh nền).

Còn tại BV Nhi đồng 1 và BV Nhi đồng thành phố, các ca trẻ em mắc SXH nhập viện cũng bắt đầu có dấu hiệu gia tăng từ đầu tháng 6 đến nay. BV Nhi đồng 1 mỗi ngày điều trị nội trú cho 50-60 bệnh nhi, trong đó có một số trường hợp trẻ gặp biến chứng sốc do SXH gây ra.

Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM thông tin, trong 5 tháng đầu năm 2019, thành phố có 22.417 ca bệnh SXH được báo cáo, trong đó có 3 ca tử vong. Đến tháng 7, cũng là lúc mùa mưa bắt đầu, dự báo số ca bệnh hàng tuần có thể sẽ tăng lên trong vài tuần tới.

Theo thống kê của Sở Y tế tỉnh Bình Dương, trong 6 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh ghi nhận gần 3.000 ca mắc SXH với 919 ổ dịch, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, thị xã Thuận An và Dĩ An có có số ca mắc SXH cao nhất, chiếm hơn 40% số ca của toàn tỉnh. Hiện 100% số điểm dịch đã được xử lý kịp thời và các ca bệnh được điều trị sớm nên không có trường hợp diễn biến nặng.

Bệnh SXH nguy hiểm thế nào?

Về mối nguy hiểm của bệnh SXH, ThS.BS Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa SXH BV Nhi Đồng 1 cho biết, triệu chứng ban đầu của bệnh SXH dễ bị nhầm lẫn với các bệnh sốt siêu vi, viêm họng, tay chân miệng.

Mới đầu bệnh khó xác định, nhưng từ ngày thứ 3 đến thứ 6 thì dễ chẩn đoán vì đã có dấu hiệu SXH. SXH không diễn tiến từ sốt nhẹ rồi mới chuyển lên sốt cao, mà ngay khi sốt đã rất cao (39 độ C). Khi bị SXH sẽ cảm thấy mệt mỏi khắp người, lừ đừ, biếng ăn...

Còn BS Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Nhiễm D BV Bệnh nhiệt đới TPHCM cho biết, thông thường, các bệnh truyền nhiễm khác khi hạ sốt thì người bệnh khỏe hơn, có dấu hiệu nhẹ bệnh, nhưng đối với SXH thì khi hạ sốt lại là thời điểm người bệnh dễ bị nặng nhất. Do đó rất nhiều người chủ quan không đi khám, cũng có khi bác sĩ không phát hiện ra, để tình trạng bệnh nặng hơn, điều trị gặp khó khăn hơn.

Đối với những người có cơ địa đặc biệt, hoặc mang các bệnh nền như tiểu đường, huyết áp, tình hình bệnh dễ diễn tiến nặng. Riêng phụ nữ có thai, khi mắc SXH dễ dẫn đến sinh non - bác sĩ Phong cảnh báo.

Bên cạnh đó, trẻ em béo phì hoặc người lớn thừa cân, khi mắc SXH bệnh thường diễn tiến nặng hơn. Trong năm 2018, BV Bệnh nhiệt đới có gần 10 trường hợp tử vong do SXH và hơn một nửa trong số này có cơ địa béo phì. Trẻ béo phì bị bệnh SXH thì việc điều trị sẽ phức tạp hơn.

Các bác sĩ khuyến cáo, khi có dấu hiệu sốt cao đột ngột, đau mỏi cơ khớp, nhức đầu, đau phía sau mắt… cần nghĩ đến SXH và đến BV điều trị kịp thời. Có nhiều trường hợp bệnh nhân mắc SXH nhưng không được phát hiện sớm, khi vào viện đã có dấu hiệu chuyển nặng, nguy hiểm đến tính mạng.


Tăng cường nhiều biện pháp phòng chống bệnh dịch SXH

Để chủ động kiểm soát ca bệnh SXH ngay từ đầu mùa dịch, Sở Y tế TPHCM phát động chiến dịch hưởng ứng Ngày ASEAN phòng chống SXH năm 2019 cấp thành phố. Chiến dịch kéo dài từ giữa tháng 5 đến hết tháng 6 với các hoạt động như đẩy mạnh truyền thông diệt lăng quăng trong mỗi nhà dân, kiểm tra giám sát điểm nguy cơ, xử lý triệt để một số điểm nóng trên địa bàn quận huyện,…

Còn Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, Sở tiếp tục chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh mùa Hè theo chỉ đạo của Bộ Y tế và UBND thành phố, đặc biệt là dịch bệnh SXH và sởi. Hằng tuần Sở có văn bản gửi các quận, huyện có nguy cơ về dịch bệnh SXH để cảnh báo và khuyến nghị tăng cường các biện pháp phòng chống dịch.

Sở Y tế cũng đã tổ chức vòng sơ khảo Hội thi đội chống dịch cơ động giỏi góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng điều tra, xử lý dịch cho các đội chống dịch cơ động, sẵn sàng đáp ứng khẩn cấp khi có dịch bệnh xảy ra trên địa bàn.

Ngoài tăng cường công tác tiêm chủng phòng các bệnh mùa hè có vaccine dự phòng như sởi, ho gà, viêm não Nhật Bản, các đơn vị đồng thời tổ chức giám sát côn trùng và giám sát véctơ truyền bệnh và vệ sinh môi trường để chủ động phòng chống SXH; điều tra xử lý tại cộng đồng các ca bệnh ghi nhận trong tuần.

Các đơn vị tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục sức khỏe cho cộng đồng về các biện pháp chủ động phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là tuyên truyền để người dân tích cực đưa con em đi tiêm phòng bệnh theo quy định. 

Theo Chi Mai/chinhphu.vn

Tệp đính kèm