Trước nay chúng ta vẫn được nghe nhiều chuyên gia nói về các nguyên nhân trực tiếp dẫn đến ung thư như thực phẩm bẩn, thực phẩm nhiễm hóa chất…
Tuy nhiên, trên thực tế, ngay cả thực phẩm sạch cũng là nguyên nhân gián tiếp gây ung thư nếu như không biết sử dụng thực phẩm một cách cân bằng, hợp lý. Cùng tìm hiểu bài viết sau đây để biết mối liên quan mật thiết giữa thừa cân, béo phì và ung thư như thế nào.
Thừa cân, béo phì đã gây ung thư như thế nào?
Nói thực phẩm sạch gây ra ung thư thì có vẻ “oan” quá. Bởi bản thân thực phẩm sạch không hề có lỗi. Vấn đề là do chúng ta đã sử dụng một cách bừa bãi, làm mất cân bằng dinh dưỡng, gây ra tình trạng thừa năng lượng và dẫn đến tình trạng béo phì.
Vì mô mỡ vốn có hoạt tính hormon, nên khi mỡ cơ thể hình thành quá mức sẽ làm thay đổi môi trường hormon của cơ thể. Mỡ cơ thể sẽ tiết ra các tín hiệu hóa học đặc biệt làm thay đổi chức năng của tế bào bình thường. Ngoài ra, các yếu tố hormon cũng liên quan đến việc gia tăng, sinh trưởng của các tế bào ung thư. Khi chúng ta giảm đi lượng mỡ trong cơ thể, các hormon này sẽ giảm và nguy cơ ung thư cũng sẽ giảm.
Qua các nghiên cứu thì những người đã được chẩn đoán mắc bệnh ung thư có khả năng duy trì sự sống lâu hơn khi họ có cân nặng bình thường. Một cuộc nghiên cứu khác trên hơn một nghìn người đã tìm ra chứng cứ cho thấy, thừa cân hoặc béo phì sẽ làm tăng nguy cơ mắc phải ít nhất 11 loại ung thư. Nghiên cứu này được thực hiện bởi nhóm làm việc của Cơ quan Nghiên cứu ung thư quốc tế, một bộ phận của Tổ chức Y tế Thế giới.
Giảm những món ăn có hàm lượng năng lượng quá cao, giàu chất béo bão hòa để tránh tình trạng thừa cân, béo phì, dẫn đến ung thư.
Các nhà nghiên cứu đã phân tích kết quả của 204 nghiên cứu được công bố trước đó có tìm hiểu về mối quan hệ giữa tình trạng béo phì, tăng cân, chu vi vòng bụng và 36 loại ung thư khác nhau. Họ đã tìm ra rằng mối quan hệ mạnh mẽ nhất là giữa béo phì với các khối u ác tính ở bộ phận tiêu hóa và với các khối u có liên quan đến hormon ở phụ nữ.
Phát hiện ung thư thông qua chỉ số BMI cơ thể
BMI là chỉ số khối của cơ thể, được dùng để đánh giá mức độ cơ thể là gầy hay béo của một người qua chiều cao và cân nặng... Tuy nhiên, ngày nay thì chỉ số khối của cơ thể được hầu hết mọi người sử dụng để tính toán mức độ béo phì của mình hay ai đó.
Khi những nhà nghiên cứu nhìn vào chỉ số chiều cao cân nặng BMI, họ thấy rằng việc tăng chỉ số BMI sẽ có nguy cơ cao hơn mắc ung thư thực quản, tủy xương, hệ thống đường dẫn mật, tụy và thận. Chỉ số BMI cao còn gắn với ung thư trực tràng và ruột kết ở đàn ông, cũng như các khối u ác tính ở nội mạc tử cung của phụ nữ trẻ tuổi.
Với mỗi 5 đơn vị BMI tăng thêm, nguy cơ ung thư tăng từ 9% (ung thư trực tràng ở nam giới) đến 56% (ung thư ở đường dẫn mật). Đối với phụ nữ, tăng cân và béo bụng, thông qua một chỉ số tỉ lệ chu vi eo đến hông, cũng có liên quan đến sự gia tăng nguy cơ một số loại ung thư. Khi phụ nữ tích tụ nhiều mỡ ở phần eo, mỗi 0,1 đơn vị tỉ lệ eo đối với hông tăng thêm lại làm gia tăng 21% khả năng mắc ung thư tử cung.
Các nhà nghiên cứu đã tìm ra bằng chứng cho thấy mối quan hệ giữa tăng cân và ung thư trực tràng ruột kết. Họ cũng tìm ra sự liên quan khăng khít giữa chỉ số BMI cao và khả năng mắc ung thư túi mật, dạ dày, buồng trứng, cũng như nguy cơ tử vong với các khối u tủy xương.
Trước đây chúng ta thường nghe nhiều đến hậu quả của thừa cân, béo phì đối với tình trạng rối loạn mỡ máu, bệnh tiểu đường, tăng huyết áp... và bây giờ một kết luận không thể chối cãi từ những dữ liệu trên đây là việc phòng tránh tăng cân quá mức còn có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư. Hơn thế nữa, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy rằng thừa mỡ cơ thể khi còn trẻ có tác động tiêu cực khiến tăng nguy cơ ung thư ở tuổi trưởng thành.
Phòng tránh ung thư thông qua việc kiểm soát cân nặng
Có nhiều cách để phòng tránh thừa cân và béo phì thông qua việc kiểm soát cân nặng như:
Tập luyện thể chất ít nhất 30 phút mỗi ngày với cường độ vừa phải, ví dụ như đi bộ nhanh và hạn chế những hoạt động ngồi một chỗ (như trước máy tính, tivi...)
Giới hạn những thức ăn có hàm lượng năng lượng quá cao, giàu chất béo bão hòa và/hoặc nhiều đường, về cả lượng tiêu thụ lẫn tần suất tiêu thụ, ưu tiên những thực phẩm có hàm lượng năng lượng thấp như rau và trái cây.
Theo dõi cân nặng thường xuyên, ít nhất một lần mỗi tháng để biết cách điều chỉnh kịp thời.
Nếu bạn bị thừa cân hoặc béo phì hoặc tăng cân nhanh và nhiều ở tuổi trưởng thành, hãy tìm đến bác sĩ hay chuyên gia dinh dưỡng tư vấn, bạn có thể được trợ giúp để giảm cân hoặc được điều trị về dinh dưỡng. Hãy hành động ngay từ bây giờ để phòng tránh sớm các căn bệnh ung thư quái ác nhé!
TS. Lê Đoàn Thanh Lâm
Theo suckhoedoisong.vn