Cập nhật: 12/07/2019 09:58:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Chế độ dinh dưỡng tốt đóng vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ chức năng gan khi bị xơ. Suy dinh dưỡng, giảm cân, teo cơ thường hay gặp trong bệnh xơ gan nhưng có thể điều chỉnh được với chế độ ăn uống phù hợp.

Mục tiêu dinh dưỡng cho bệnh nhân xơ gan

Phòng tránh bệnh não gan - hôn mê gan (do tăng amoniac máu); Giảm thiểu tình trạng cổ trướng; Phòng ngừa hiện tượng teo cơ (sarcopenia), tích tụ mỡ; Cải thiện sự ngon miệng, chất lượng cuộc sống; Không ăn các chất tăng gánh nặng xử lý cho gan hoặc độc với gan.

Bệnh nhân xơ gan nên ăn các thực phẩm tươi, giàu đạm như thịt bê, thịt bò và sữa chua, tránh các loại thịt đã qua chế biến.

Trong giai đoạn đầu của bệnh xơ gan, chế độ ăn kiêng đặc biệt không cần thiết mà nên ăn uống cân bằng và duy trì cân nặng khỏe mạnh. Nên ăn tất cả các nhóm thực phẩm đa dạng bao gồm gạo, ngũ cốc, trái cây và rau quả, các loại đậu và thịt nạc. Mỗi nhóm thực phẩm đều cung cấp cho cơ thể các chất dinh dưỡng thiết yếu, vì vậy, nên ăn đầy đủ, đặc biệt là protein như đậu và thịt. Trước khi đi ngủ, nên ăn nhẹ để tránh hạ đường huyết ban đêm.

Trong giai đoạn xơ gan tiến triển hơn thì cần có chế độ ăn kiêng đặc biệt. Các triệu chứng như chán ăn, buồn nôn, mệt, phù chân, bụng to do cổ trướng (bụng có nước)... sẽ xuất hiện thường xuyên khiến người bệnh khó chịu. Việc ăn uống sẽ trở nên khó khăn, đặc biệt khi ăn thức ăn nhiều đạm (protein), vì vậy, cơ thể không được cung cấp đủ các dưỡng chất cần thiết. Chế độ ăn uống không đầy đủ kèm theo sự suy giảm chức năng gan gây sự suy dinh dưỡng và teo cơ (nhất là ở cánh tay, quanh vai, ngực và lưng). Vì vậy, khi đang ở giai đoạn này của xơ gan, người bệnh cần sự tư vấn từ bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng. Thông thường, các bác sĩ sẽ khuyên nên có chế độ ăn giàu đạm và ít muối.

Chế độ ăn giàu đạm:

Nếu được tư vấn một chế độ giàu protein, thực phẩm nên có trong các bữa ăn bao gồm: thịt lợn, thịt gia cầm, hải sản, trứng, sữa, sữa chua, pho-mai, các loại hạt, đỗ, các loại đậu và sản phẩm từ đậu nành.

Các bác sĩ có thể đề nghị bạn bổ sung protein đặc biệt như acid amin chuỗi nhánh BCAA (branched-chain amino acids) dưới dạng các chế phẩm chuyên biệt cho gan.

Chế độ ăn ít muối: Nếu bác sĩ tư vấn chế độ ăn ít muối thì không nên thêm muối vào các món ăn thường ngày và cũng nên tránh các thức ăn hoặc thực phẩm chế biến nhiều muối và gia vị như cà muối, dưa muối... Chế độ ăn nhiều muối sẽ làm cơ thể giữ nhiều nước, gây phù và dịch sẽ tích lũy trong bụng.

Nước uống: Hầu hết người xơ gan không cần hạn chế uống nước, trừ khi natri của cơ thể ở mức dưới 125mmol/L. Thường bác sĩ sẽ yêu cầu hạn chế uống nước hàng ngày khi xơ gan tiến triển. Kể cả khi hạn chế nước, lượng nước tối thiểu hàng ngày bạn uống vẫn phải đạt 800-1.000ml.

Chế độ nhiều bữa nhỏ: Hầu hết những người mắc bệnh gan đang tiến triển nên ăn nhiều bữa nhỏ mỗi ngày, nhất là khi đã có tình trạng chán ăn và ăn ít. Bệnh nhân có thể ăn 6-8 bữa ăn nhỏ mỗi ngày và có 1 bữa ăn nhẹ gồm ít đạm và carbohydrate (đường phức) như cơm, bún, miến, khoai... trước khi đi ngủ. Nên nhớ là không bỏ ăn quá 7 - 8 tiếng.

BS. Nguyễn Huyền

Theo suckhoedoisong.vn

Tệp đính kèm