Cập nhật: 14/07/2019 15:04:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải (còn gọi là làng Thái Hải) thuộc xóm Mỹ Hào, xã Thịnh Đức, TP Thái Nguyên là một mô hình độc đáo về bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Tày, Nùng, địa chỉ thu hút du khách của tỉnh Thái Nguyên. Dưới mái nhà sàn của đồng bào dân tộc Tày được bảo tồn nguyên vẹn là những gia đình nhiều thế hệ chung sống hòa thuận, đang gìn giữ và phát huy nét văn hóa đặc trưng...

Nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Tày được bảo tồn nguyên vẹn

Nguyên vẹn bản sắc dân tộc

Cách trung tâm thành phố Thái Nguyên hơn 10 km, làng Thái Hải với 30 ngôi nhà sàn cấu trúc khung xuyên toang truyền thống cả trăm năm tuổi của đồng bào dân tộc Tày vùng Định Hóa và đồng bào Nùng được đưa đến phục dựng ở vùng đồi xóm Mỹ Hào, xã Thịnh Đức. Nhà sàn có cấu trúc khung xuyên toang, lợp lá cọ, bàn thờ tổ tiên ở gian trang trọng nhất, bếp lửa ngay lối cửa vào. Sàn nhà dát bằng thân cây mai thoáng mát. Các gian phòng được bố trí theo đúng vai trò, phù hợp với các lứa tuổi trong gia đình truyền thống dân tộc Tày.

Đến đây, chúng tôi được chị Lý Thị Chiên, người từng công tác ở Ban Quản lý ATK (An toàn khu) Định Hóa, vài năm nay về làm Phó Giám đốc làng đưa đi trải nghiệm, tìm hiểu cuộc sống, văn hóa đồng bào làng Thái Hải với gần 200 nhân khẩu. Theo truyền thống của người Tày, đến đầu làng khách rẽ vào giếng làng, chung quanh xếp đá cuội, nước trong vắt để rửa mặt mũi, chân tay; quay ra chiếc mõ treo ở đầu làng gõ một hồi vang vọng. Chị Chiên giải thích, giếng làng là nơi hội tụ sinh khí của trời đất, nơi cung cấp nước sinh hoạt cho cả làng, dưới giếng nuôi mấy con cá cờ để mọi người nhận biết nước còn an toàn hay không. Rửa chân tay, mặt mũi tại giếng làng sẽ xua đi những điều không may mắn, giúp tâm hồn thanh tịnh. Gõ mõ để thông báo cho làng biết sắp có khách, từ lúc này du khách được coi là thành viên của làng.

Trên con đường rộng rãi, lát gạch sạch sẽ, thoáng mát, yên ả, rợp bóng cây rừng, chốc chốc chúng tôi lại bắt gặp một nếp nhà sàn ẩn dưới tán cây, thấp thoáng trên sườn đồi là những người dân trong trang phục chàm truyền thống. Chị Chiên cho biết, làng Thái Hải là một “gia đình” lớn với gần 200 thành viên, mỗi gia đình nhỏ có ba, bốn thế hệ sinh sống dưới mái nhà sàn. Các gia đình nhỏ ở Thái Hải không có sở hữu riêng, sản phẩm mỗi người làm ra đều được tập hợp lại, sau đó phục vụ cho nhu cầu của từng người và cộng đồng làng. Cái ăn, cái mặc, chỗ ở, nhu cầu chi tiêu riêng của mỗi gia đình, cá nhân như có người ốm ở quê cần về thăm, bị ốm cần đi khám, chữa bệnh, con đi học, kể cả đi học đại học... có Trưởng làng Nguyễn Thị Thanh Hải lo liệu. Vì thế, mỗi nhà đều có chức năng riêng, phân công lao động đạt đến trình độ khá cao.

Vào “Nhà Chè” - ngôi nhà chuyên sản xuất chè, nơi gia đình bác Hà Văn Kiu với mười thành viên thuộc bốn thế hệ đang ở, tôi cảm nhận ngay nơi đây duy trì nếp sống truyền thống của người Tày. Đây là ngôi nhà sàn khung xuyên toang truyền thống của dân tộc Tày vùng Định Hóa với hệ thống cột cái, cột quân, cột hiên trang nhã đủ kích cỡ; hệ thống xà ngang, dọc để liên kết các cột, giằng ngôi nhà vững chãi và đỡ ván làm sàn nhà, tường nhà thưng ván, mái lợp lá cọ. Không gian ngôi nhà sàn được bố trí các khu chức năng, bao gồm bàn thờ, nơi tiếp khách, nơi nghỉ, ngủ của người đàn ông chủ gia đình, những phòng riêng cho các thành viên. “Vào nhà, khách không được quay lưng vào bếp lửa, bàn thờ. Nam giới, người lạ không được đến gần phòng nghỉ của phụ nữ; đàn bà không được đến nơi tiếp khách, nghỉ ngơi của người đàn ông chủ gia đình”, bác Kiu nói.

Là “Nhà Chè”, dưới sàn nhà bác Kiu bố trí những phương tiện, dụng cụ chế biến chè, như: lu xao chè, rổ rá các loại. Các thành viên “Nhà Chè” có trách nhiệm sản xuất, chế biến chè phục vụ nhu cầu cho cả làng. Ai có nhu cầu uống trà, hoặc nhà có khách thì đến “Nhà Chè” lấy về; một phần chè được bán cho du khách để làng có thêm nguồn thu. Cái ăn, chỗ ở, chi tiêu hằng ngày của “Nhà Chè”, kể cả một thành viên đang học ở Đại học Thái Nguyên đã có Trưởng làng lo toan.

Tương tự như thế, dưới mái ngôi nhà sàn truyền thống, các thành viên có trình độ về y học cổ truyền của “Nhà Thuốc” có trách nhiệm bảo tồn, thu hái, bảo quản, cung cấp những bài thuốc để chữa bệnh cho người làng. Ngoài ra, khi du khách có nhu cầu thì “Nhà Thuốc” cũng bán. “Nhà Rượu” thì chuyên nấu rượu, “Nhà Bánh” chuyên làm các loại bánh đặc trưng, “Nhà Đan lát” làm ra những đồ gia dụng bằng tre, nứa để làng dùng và bán cho du khách...

Chị Chiên nhớ lại, những năm 2000 đến 2003, đồng bào Tày ở nhiều nơi trên địa bàn huyện Định Hóa thay thế nhà sàn truyền thống bằng nhà xây hiện đại. Nhà sàn, biểu tượng đẹp gắn bó với nhiều thế hệ gia đình người Tày có nguy cơ biến mất cho nên bà Nguyễn Thị Thanh Hải (Giám đốc Công ty TNHH Thái Hải), một người con dân tộc Tày ở Định Hóa, đã thu mua nguyên trạng và mang về xóm Mỹ Hào này, thực hiện dự án phục dựng nguyên bản để bảo tồn lâu dài. Tâm huyết với văn hóa dân tộc không chỉ dừng lại ở việc gìn giữ ngôi nhà, mà quan trọng là giữ lại “phần hồn” của những ngôi nhà sàn đó, “thổi” vào đó sức sống và hồn vía của bản làng, cho nên bà Hải đã mời gọi, lựa chọn, thuyết phục những gia đình tâm huyết bảo tồn văn hóa dân tộc đến ở, từ đó hình thành “gia đình lớn” là làng Thái Hải. Ở đây, mọi hoạt động sinh hoạt và lao động diễn ra bình thường như một làng bản thu nhỏ, mọi thành viên không bon chen, tư hữu riêng, đồng lòng bảo tồn, lưu giữ, phát huy những giá trị văn hóa thuần khiết bao đời của ông cha.

Phát triển để bảo tồn

Gần 200 thành viên của làng, đa số là đồng bào dân tộc Tày, một số là người Nùng quây quần làm ăn, sinh sống, cùng nhau sản xuất, gắn bó, yêu thương, chăm sóc, nương tựa, chở che cho nhau. Mọi hoạt động sản xuất đều mang tính tự cung tự cấp. Họ trồng rau, cấy lúa, nuôi cá, chăn thả gia súc, sản xuất nước uống đóng chai, trồng và chế biến chè xanh, tự nấu rượu theo đặc trưng của dân tộc mình. Mọi hoạt động đều gắn với sinh thái, để bảo đảm không tác động tới môi trường và duy trì nguồn thực phẩm sạch để sử dụng. Mọi người đều cố gắng duy trì và gìn giữ những nét sinh hoạt văn hóa của dân tộc mình. Từ trang phục, lời ăn tiếng nói, nếp sinh hoạt hằng ngày cho tới những lễ hội truyền thống... Các sinh hoạt văn hóa truyền thống có tính cộng đồng cao thường xuyên được tổ chức trong các đêm hội làng.

Làng Thái Hải không chỉ bảo tồn nhà sàn, trang phục, đồ dùng của đồng bào dân tộc Tày vùng Định Hóa, mà còn bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể, từ ngôn ngữ, ẩm thực, trò chơi truyền thống, hát then, đàn tính đến lễ hội, nghi lễ tâm linh. Trẻ em sáu tuổi trong làng được học hát then, đàn tính. Để bảo tồn được những giá trị truyền thống ấy, cần những gia đình tâm huyết, hiểu biết, làm cho truyền thống văn hóa được phát huy. Mọi người đều được giáo dục tình yêu và tâm huyết với di sản văn hóa dân tộc. Làng luôn khuyến khích, động viên và tạo điều kiện để mọi người học và giao tiếp bằng tiếng Tày. Riêng các gia đình dân tộc trong “vùng lõi” của làng, bắt buộc phải giao tiếp bằng tiếng Tày. Các em bé độ tuổi mầm non đã được bố mẹ, ông bà dạy cho giao tiếp, nói chuyện bằng tiếng Tày. Phó Giám đốc làng Nguyễn Quang Tuấn tâm sự: “Những ngày đầu khai khẩn đất hoang, phục dựng nhà sàn lập làng, cuộc sống khó khăn, nhiều gia đình đã dời đi. Ngày nay, ai làm dâu của làng phải có hiểu biết ít nhiều về văn hóa dân tộc Tày, nhất là tuân thủ cuộc sống sở hữu chung về vật chất”. Phó Giám đốc làng Lý Thị Chiên chia sẻ: “Là không gian văn hóa, địa chỉ du lịch, nhưng chúng tôi không tuyên truyền, quảng cáo như những khu du lịch khác. Vì nếu khách đến đông, không những phục vụ thiếu chu đáo, mà dễ làm văn hóa làng mai một. Hữu xạ tự nhiên hương, ai muốn tìm hiểu, trải nghiệm cuộc sống nhà sàn, văn hóa dân tộc Tày thì đến làng Thái Hải”.

Vào dịp cuối tuần, nghỉ lễ dài ngày, du khách trong nước và ngoài nước tìm đến Thái Hải để “sống chậm” cùng làng, nghe hát then, đàn tính thánh thót, chứng kiến nghi lễ văn hóa, lễ hội truyền thống, thưởng thức ly rượu thơm nồng, chén trà tinh khiết, thưởng thức các món ẩm thực truyền thống của người Tày và được ngủ dưới mái nhà sàn truyền thống...

Du khách trải nghiệm trò chơi dân gian ở làng Thái Hải.

Để bảo tồn 30 ngôi nhà sàn nói riêng, văn hóa vật thể và phi vật thể nói chung, nhu cầu hằng ngày như ăn, mặc, đi lại, học hành, chữa bệnh, chi tiêu... của gần 200 thành viên trong làng là điều không đơn giản. Chỉ riêng việc sửa chữa, bảo tồn 30 ngôi nhà sàn truyền thống đã cần cả một đội thợ. Nhưng chính cuộc sống thuần khiết, mang đậm bản sắc dân tộc ở làng Thái Hải lại mang đến cảm giác an nhiên, không bon chen, trở thành giá trị độc đáo thu hút nhiều du khách. Năm 2011, khu bảo tồn làng nhà sàn du lịch sinh thái Thái Hải chính thức được khai thác để phục vụ khách du lịch. Đến năm 2014, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên có quyết định công nhận đây là điểm du lịch địa phương. Những thành viên của làng vốn quen với ruộng đồng lại trở thành là những hướng dẫn viên nhiệt tình giúp du khách có những giây phút trải nghiệm đáng nhớ…

Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Thành Luân cho biết, với việc bảo tồn nhà sàn, văn hóa vật thể, phi vật thể, bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái theo hướng bền vững, làng Thái Hải đã trở thành địa chỉ du lịch độc đáo ở Thái Nguyên. Từ phát triển du lịch, làng Thái Hải có nguồn thu để bảo tồn văn hóa dân tộc mà không cần sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước. Với những thành công trong việc gắn bảo tồn những giá trị di sản và phát triển du lịch, năm 2018, Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải đã giành được giải thưởng du lịch ASEAN. Đây cũng là điển hình thành công trong mô hình xã hội hóa làm du lịch gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa, để những di sản thật sự có sức sống lâu bền.

BÀI VÀ ẢNH: THẾ BÌNH

Theo nhandan.com.vn

Tệp đính kèm