Tỉnh Thừa Thiên-Huế sẽ dành 30.855 tỷ đồng để hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tại 14 điểm du lịch trong giai đoạn từ nay đến năm 2025.
Nhà vườn Huế (Ảnh: Quốc Việt/TTXVN)
Tỉnh Thừa Thiên-Huế vừa ban hành một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh đến năm 2025.
Tỉnh thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tại 14 điểm du lịch cộng đồng thuộc các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn với tổng kinh phí là 30.855 tỷ đồng; trong đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ 70%; còn lại là ngân sách huyện, thị xã, thành phố Huế và xã hội hóa 30%.
Tỉnh hỗ trợ xây dựng đường giao thông nối từ các trục quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ đến điểm du lịch, mức hỗ trợ xây dựng mới và nâng cấp sửa chữa không quá 2 tỷ đồng/điểm du lịch; hỗ trợ xây dựng đường nội bộ tại điểm du lịch, mức hỗ trợ xây dựng mới và nâng cấp sửa chữa không quá 1,5 tỷ đồng/điểm du lịch.
Mỗi điểm du lịch được hỗ trợ đầu tư một bãi đỗ xe với diện tích tối thiểu 200m2, có mái che một phần dành cho khách nghỉ khi dừng và chờ trước khi bước lên và xuống xe.
Mức hỗ trợ đầu tư mới không quá 200 triệu đồng/điểm du lịch, mức hỗ trợ đầu tư nâng cấp không quá 50 triệu đồng/điểm du lịch...
Các địa phương hỗ trợ xây dựng cơ sở lưu trú trong dân (homestay) tại các điểm du lịch cộng đồng, trong đó mức hỗ trợ xây dựng mới không quá 30 triệu đồng cho một phòng, tối đa 100 triệu đồng/cơ sở cho ba phòng.
Mức hỗ trợ cải tạo, sửa chữa 15 triệu cho một phòng, tối đa không quá 50 triệu đồng/cơ sở (có từ 3 phòng trở lên).
Ngoài ra, các địa phương hỗ trợ xây dựng và phát triển các sản phẩm, dịch vụ phục vụ khách du lịch như phục dựng văn nghệ dân gian, ẩm thực, nghề truyền thống, các sản phẩm du lịch sinh thái, với mức hỗ trợ 50 triệu đồng cho một sản phẩm du lịch và không quá 250 triệu đồng/điểm du lịch cộng đồng.
Bên cạnh đó, ngành Du lịch sẽ có nguồn hỗ trợ để tổ chức các lớp đào tạo và tập huấn chuyên môn nghiệp vụ, bồi dưỡng kiến thức về du lịch cộng đồng; tập huấn cho đội ngũ hướng dẫn viên du lịch, các kỹ năng thuộc lĩnh vực du lịch, ngoại ngữ, quản lý điều hành, vận hành thuyền phục vụ khách, phát triển du lịch dựa vào cộng đồng...
Thừa Thiên-Huế có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch dựa vào cộng đồng, với bản sắc văn hóa truyền thống của vùng đất cố đô, vùng nông thôn ven thành phố và vùng cao của các đồng bào dân tộc thiểu số đã và đang được gìn giữ, bảo tồn và phát huy gần như khá nguyên vẹn.
Nằm cách trung tâm thành phố Huế khoảng 45km, làng Phước Tích có 117 ngôi nhà, trong đó 24 ngôi nhà cổ có giá trị, ngôi nhà cổ nhất được dựng vào năm 1850, kế đến là ngôi nhà được dựng vào năm 1870.
Hệ thống đường, cây xanh nối liền với nhau một cách tự nhiên và sinh động làm nên một vùng sinh thái độc đáo có khả năng phát triển loại hình du lịch cộng đồng.
Năm 2016, sau khi có đề án chính sách bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng của Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế, 25 chủ nhà rường cổ đã xin tham gia đề án.
Đến nay, Thừa Thiên-Huế đã đầu tư, hoàn thành trùng tu, bảo tồn và đưa vào khai thác, sử dụng 5 ngôi nhà rường tại làng cổ Phước Tích, với tổng giá trị đầu tư hơn 3,6 tỷ đồng.
Đó là các ngôi nhà của các ông, bà Hồ Thanh Yên, Trương Thị Thú, Lê Ngọc Thị Thí, Lê Trọng Đào và Lê Trọng Kiểm.
Các hạng mục tu bổ, phục hồi tại 5 nhà rường này gồm phục hồi tường bao xây bằng gạch đặc; gia công phục hồi cột gỗ, kèo, xuyên xà, đòn tay, rui, lách, ván mái, diềm…; phục hồi hệ thống cửa ra vào, cửa sổ bị hư hỏng; tu bổ phục hồi hoa văn các kết cấu gỗ như kèo, đòn tay; phục hồi màu sắc cho công trình; xử lý chống mối, mọt cho toàn bộ cấu kiện gỗ…
Ông Đoàn Quyết Thắng, Phó Giám đốc Ban Quản lý làng cổ Phước Tích, cho biết: "Sau khi các nhà rường cổ được bàn giao và đưa vào sử dụng, Ban Quản lý đã phối hợp với chủ các nhà rường xây dựng kế hoạch đón tiếp, cải tạo không gian nhà rường, vệ sinh môi trường để đón tiếp du khách đến trải nghiệm và thưởng lãm tại Làng cổ Phước Tích, đồng thời phát triển dịch vụ du lịch cộng đồng và homestay."
Hiện, làng cổ Phước Tích đã triển khai 9 loại dịch vụ gồm tham quan nhà vườn, homestay, trải nghiệm, làm bánh, làm gốm, đạp xe, đi thuyền trên sông Ô Lâu, thả đèn hoa đăng và tham quan du lịch.
Đáng chú ý, làng Phước Tích hiện có 7 nhà vườn tham gia dịch vụ nhà vườn cổ, trong đó có 4 nhà tham gia dịch vụ homestay với khoảng 40 chỗ ở.
Loại hình du lịch cộng đồng ở Thủy Biều, thành phố Huế cũng rất hấp dẫn. Mặc dù mới đưa vào khai thác, tour du lịch cộng đồng ở Thủy Biều do Công ty Trách nhiệm hữu hạn du thuyền cảm xúc Sông Hương đầu tư đã thu hút nhiều du khách, đặc biệt là du khách các nước châu Âu.
Thống kê trung bình mỗi ngày có khoảng 2-3 đoàn du khách các nước Anh, Ý, Tây Ban Nha đặc biệt là Pháp tham gia tour du lịch này.
Đến với tour du lịch này, mọi người được trải nghiệm một cảm giác mới lạ với cảnh làng quê thanh bình của Thủy Biều bằng xe đạp.
Du khách được khám phá những con đường quê yên ả rợp bóng cây trái, dù giữa trưa hè vẫn cho cảm giác mát mẻ.
Trên đường đi, du khách được thăm đình làng Lương Quán nối tiếng ở Thủy Biều, thăm nhà thờ Nguyễn Viết Tộc - hoàng tử thứ 7 của chúa Nguyễn Phúc Chu.
Hơn thế nữa, du khách có thể vào thăm ngôi nhà rường 200 tuổi của ông Hồ Xuân Đoài ở thôn Lương Quán, những vườn thanh trà trĩu quả hay xem công việc làm hương của gia đình chị Hường.
Nếu đúng dịp, du khách được tham gia thu hoạch thanh trà đặc sản nổi tiếng ở Thủy Biều, hay mít, thơm, bưởi…
Tuy nhiên, sự phát triển mô hình du lịch dựa vào cộng đồng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế vẫn còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng, thiếu sự đầu tư, sản phẩm du lịch còn đơn điệu, cơ sở hạ tầng du lịch chưa đáp ứng, nguồn nhân lực du lịch còn thiếu, nhận thức về phát triển du lịch dựa vào cộng đồng của người dân còn chưa cao.
Lượng khách khi đến Huế tham gia du lịch cộng đồng còn ít, chí có khoảng 300.000 lượt/năm.
Theo Quốc Việt (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/30855-ty-dong-cho-phat-trien-du-lich-cong-dong-o-thua-thienhue/582561.vnp